Tài chính tiêu dùng:

Chơi dao khéo kẻo đứt tay

Cập nhật: 29-12-2017 | 09:32:00

Giữa “cơn bão” khuyến mại khủng nhân dịp cuối năm của hình thức vay mua sắm trả góp, người tiêu dùng cần cân nhắc cẩn trọng để tận dụng những ưu điểm đồng thời giảm thiểu tới mức tối đa những rủi ro có thể phát sinh.

Rộn ràng khuyến mại cuối năm

Tặng vàng SJC, bộ đôi iPhone 8, xe máy Honda Vision, lì xì tiền mặt,… là những món quà đầy hấp dẫn mà công ty tài chính FE Credit gửi tặng khách hàng trong chương trình khuyến mãi “Ước gì được nấy, Tết triệu điều may” từ nay đến tết Nguyên Đán (15/2/2018).

Đây là chương trình khuyến mãi lớn nhất trong năm của FE Credit và cũng là lớn nhất trong số các công ty tài chính (CTTC) với tổng giá trị giải thưởng lên đến 3,2 tỷ đồng.

Các CTTC khác như Home Credit, HD Saison,… cũng không chịu ngồi yên khi tung ra nhiều chương trình khuyến mãi đa dạng nhằm cạnh tranh thị phần như tặng quà khi thanh toán qua Payoo, trả trước 0 đồng, hoàn tiền mặt khi vay,…

Hình thức phối hợp cùng các siêu thị điện máy, đơn vị viễn thông, công ty công nghệ để tặng quà là hiện vật, giảm cước phí, tăng chất lượng dịch vụ, tăng tiện ích khi sử dụng, giảm chi phí thời gian,... khi mua sắm hay sử dụng dịch vụ cũng được nhiều CTTC triển khai trên diện rộng nhằm hút khách hàng trong đợt cao điểm mua sắm cuối năm 2017 – đầu 2018 này.

Có thể thấy, giữa “cơn bão”khuyến mại của các CTTC, người tiêu dùng là đối tượng được lợi hơn cả bởi việc tiếp cận các CTTC và các khoản vay từ các đơn vị này đang trở nên dễ dàng và “dễ thở” hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, chính sự dễ dàng khi tiếp cận các khoản vay tiêu dùng từ CTTC khiến hình thức vay vốn này trở thành con dao hai lưỡi mà các khách hàng cần hết sức tỉnh táo và thận trọng trước khi ký kết hợp đồng vay, tránh lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười vì không đủ khả năng trả nợ.

Hãy là người tiêu dùng thông minh

Theo các chuyên gia tài chính, đối tượng chính của hình thức vay trả góp của các CTTC là những người có thu nhập trung bình và thấp hoặc không ổn định, sinh viên, tiểu thương, công chức, công nhân, nông dân,… Những người này thường có nhu cầu mua sắm khá lớn nhưng lại yếu kiến thức và kỹ năng quản lý tài chính cá nhân cần thiết.

Vì vậy, khi thấy hình thức cho vay tiêu dùng từ các CTTC dễ tiếp cận, thủ tục đơn giản, không rườm rà như ngân hàng, không rủi ro như vay “chợ đen”, nhiều người đã tìm đến vay mặc dù bản thân không thực sự cần món tiền đấy hoặc đi vay mà không có phương án trả nợ.

Sau một thời gian, ngoài khoản nợ gốc và lãi cần trả, những người nợ quá hạn còn phải chịu nhiều khoản phí phạt khiến món nợ ngày càng “phình” ra và bị mất phương hướng trong vòng luẩn quẩn “nợ chồng nợ”.

Trước vấn đề này, các chuyên gia tài chính khuyến cáo người tiêu dùng cần thận trọng trước khi ký kết hợp đồng vay vốn từ các CTTC, tránh nguy cơ “bút sa gà chết”. Để ra quyết định vay vốn tiêu dùng, khách hàng cần cân nhắc sự cần thiết của khoản vay, khả năng trả nợ, hiểu rõ về quyền và trách nhiệm của mình đối với khoản vay, đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng, đặc biệt là các điều khoản thanh toán, số tiền phải trả và thời hạn trả nợ.

“Quan trọng nhất là cần tính toán, cân nhắc khả năng trả nợ trước khi đi vay. Lãi suất trong hạn tương đối thấp của cho vay tiêu dùng hiện nay là khoảng 30%, mà bị quá hạn thì lập tức sẽ tăng lên 45% thì sẽ rất khó trả nợ. Nếu lãi suất trong hạn mà đã là 45 – 50%, thì càng cần phải thận trọng khi vay các khoản lớn, thời hạn trả nợ dài. Đối với các khoản vay nhỏ lẻ, dễ dàng trả nợ thì hoàn toàn có thể chấp nhận lãi suất cao.”- Luật sư Trương Thanh Đức, chủ tịch HĐTV công ty luật Basico khuyến cáo.

KIM THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=669
Quay lên trên