Bước vào tháng 3, học sinh (HS) lớp 12 đang gấp rút hoàn tất chương trình học, đồng thời chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Trước ngưỡng cửa bước vào đời, mỗi em chọn cho mình một lối đi riêng. Nếu các em lựa chọn ngành nghề phù hợp năng lực và theo nhu cầu xã hội thì sẽ phát huy được năng lực bản thân, tạo dựng sự nghiệp vững chắc, đồng thời đóng góp công sức xây dựng đất nước.
Trong chương trình học của HS phổ thông, các em có một số tiết học về hướng nghiệp. HS được giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn định hướng hướng đi cho tương lai. Tùy theo năng lực học tập, các em chọn học đại học, cao đẳng, hoặc trung cấp chuyên nghiệp (ĐH, CĐ, TCCN). Và điều quan trọng nhất có tính quyết định đến tương lai của các em là chọn ngành nghề nào vừa đúng với sở trường, điều kiện gia đình, năng lực học tập và nhu cầu của xã hội. Tại buổi tư vấn đưa trường đến thí sinh được tổ chức vừa qua, tiến sĩ Lê Thị Linh Trang, Học viện Cán bộ TP.HCM cho biết, hiện nay có hơn 800 nghề với hàng ngàn chuyên môn khác nhau, trong tương lai số lượng này sẽ còn thay đổi. Càng có nhiều nghề trong xã hội bao nhiêu thì việc lựa chọn nghề của thí sinh càng gặp khó khăn bấy nhiêu. Nghề phù hợp được hiểu ở 3 góc độ: nội dung lao động và giá trị của nghề lựa chọn đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng, xu hướng nghề của bản thân; bản thân có những đặc điểm, phẩm chất, năng lực phù hợp với những yêu cầu do nghề nghiệp đặt ra; nghề nghiệp đó đang được xã hội có nhu cầu duy trì và phát triển.
Học sinh lớp 12 trải nghiệm sáng kiến của sinh viên ở một trường ĐH
Ông Lê Thanh Tùng, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp - ĐH Sở GD-ĐT cho biết, hàng năm sở phối hợp với các trường ĐH, CĐ, TCCN, các phòng GD-ĐT mời HS, phụ huynh HS tổ chức tư vấn, định hướng nghề nghiệp. Bước đầu cơ bản giúp cho cha mẹ HS hiểu và định hình được nghề nghiệp thế nào là chọn ngành và chọn trường phù hợp, biết thêm các thông tin về trường có dạy các ngành nghề mà xã hội có nhu cầu cần, đóng trên địa bàn tỉnh.
Nhờ được tiếp nhận từ nhiều kênh thông tin, HS đã tỏ ra khôn ngoan trong việc lựa chọn ngành nghề để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình. Có dịp trao đổi với một số HS lớp 12 ở trường THPT Dầu Tiếng, chúng tôi thấy mỗi em lựa chọn một ngành nghề khác nhau như: quản trị điện dân dụng, công nghệ sinh học, quản trị du lịch… không chỉ chọn ngành yêu thích, em Trần Thị Cẩm Nhung còn thận trọng tìm hiểu về điều kiện khi học ngành này như yêu cầu về ngoại hình, chiều cao. Có thể thấy, HS ngày nay đã mạnh dạn làm chủ bản thân qua việc lựa chọn ngành nghề để đeo đuổi, mà không phụ thuộc vào sự ép buộc của cha mẹ.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 8 trường ĐH, 1 trường CĐ, 9 trường TCCN. Đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho xã hội, các trường ĐH đào tạo đa ngành, các ngành phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, HS thỏa sức lựa chọn. Tại trường ĐH Thủ Dầu Một, mùa tuyển sinh năm 2016 nhà trường xét tuyển 22 ngành ĐH, phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia theo các tổ hợp môn, trường tổ chức thi năng khiếu đối với các ngành có yêu cầu năng khiếu riêng. Là trường ĐH công lập, đào tạo đa ngành đáp ứng nhu cầu xã hội, chương trình đào tạo luôn được cập nhật để hướng đến các chuẩn mực quốc tế, nên hàng năm ngôi trường này là sự lựa chọn của thí sinh của nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó thí sinh tỉnh nhà chiếm khá cao.
Trong khi đó, trường ĐH Việt Đức là một phân khúc khác, đào tạo các ngành kỹ thuật - công nghệ, các ngành kinh tế, quản trị mũi nhọn. Chương trình đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn của các trường ĐH đối tác Đức. Trường này là lựa chọn của những HS giỏi, xuất sắc ở phổ thông.
Bước vào lớp 12, mỗi HS đã xác định cho mình một hướng đi riêng, một ngành nghề phù hợp. Tuy nhiên, các em vẫn còn hơn 4 tháng nữa để đi đến quyết định cuối cùng. Theo quy chế thi THPT quốc gia, trường ĐH chủ trì cụm thi cấp cho mỗi thí sinh 1 giấy chứng nhận kết quả thi để làm thủ tục nhập học. Thí sinh sử dụng mã số ghi trong giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký xét tuyển trong các đợt. Các em có thể đăng ký xét tuyển qua bưu điện và trực tuyến. Thí sinh lưu ý trong mỗi đợt xét tuyển không được thay đổi nguyện vọng. Do đó các em nên thận trọng trong việc chọn trường, chọn ngành để cơ hội vào ĐH cao hơn, đồng thời lựa chọn ngành nghề yêu thích và nhu cầu xã hội cần để sau này có cơ hội việc làm cao hơn.
A.SÁNG