Theo Sở Xây dựng tỉnh, báo cáo của các huyện, thị xã, kết hợp với việc khảo sát thực tế hiện trạng các điểm, địa bàn ngập nước vào mùa mưa thì tại TX.TDM có 13 điểm ngập; TX.Thuận An có 17 điểm, TX.Dĩ An có 9 điểm; huyện Tân Uyên có 4 điểm; Bến Cát có 9 điểm hoặc khu vực ngập nước. Hiện nay, một số địa phương đã khắc phục xong một số điểm ngập nước như TX.TDM đã khắc phục 4 điểm; TX.Thuận An 2 điểm...
Ngập vì nhiều lý do
Theo tìm hiểu của chúng tôi nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập nước vào mùa mưa ở các địa bàn nói trên là do: Đối với hệ thống thu của mặt đường, khu vực nhỏ và tiểu lưu vực: nhiều tuyến đường, hệ thống hố ga bị người dân đậy nhằm chống hôi, do khi thiết kế không có xi phông chứa nước cản mùi hôi hoặc có nhưng vào mùa khô, cạn nước nên mất tác dụng và hệ thống cống dọc bị bồi lấp làm giảm tiết diện, cống không thu và thoát kịp gây ngập nước mặt đường khi mưa lớn. Bên cạnh đó, phần lớn các khu dân cư, khu đô thị cũ chưa có thiết kế san nền, giải quyết hướng thoát nước cho tiểu lưu vực. Do vậy, những khu vực có địa hình cao nước tràn ra đường có địa hình thấp dẫn đến tăng thêm lưu lượng nước cho cống dọc, trong khi trước đây việc thiết kế, thi công đường phần nhiều chỉ giải quyết cho thoát nước mặt đường nên cống dọc sẽ không tải được hết lượng nước, gây ngập úng.
Nhiều người dân phải chịu cảnh khổ do ngập gây ra. Ảnh: Tố Tâm
Một số tuyến đường khi thi công hoặc đang khai thác vận hành thì một số chủ hộ lén đấu nối nước thải sinh hoạt vào hệ thống cống dọc đường làm ô nhiễm nước cống và gây mùi hôi nên người dân bít lại hố ga. Đặc biệt là các khu dân cư, khu đô thị mới không có nhà máy xử lý nước thải hoặc có nhưng không vận hành, hoặc không bảo đảm kỹ thuật cũng xuất hiện hiện tượng lén đấu nối như trên. Nhiều khu vực trong khu dân cư đô thị cũ không có hướng thoát nước ra hoặc hướng thoát bị san lấp mặt bằng cản dòng chảy, trong khi việc đô thị hóa tăng nhanh làm tăng hệ số mặt phủ, hạn chế khả năng thấm tự nhiên của nước mưa gây ngập úng. Cá biệt có hệ thống đường chưa có hệ thống cống dọc và cống ngang để giải quyết thoát nước cho đường và tiểu lưu vực hoặc có hệ thống thoát nước nhưng làm sai kỹ thuật, cao độ hệ thống thoát lại thấp hơn của hệ thống trung chuyển.
Đối với hệ thống trung chuyển, tiêu thoát nước: Một số hành lang của kênh, mương, rạch, suối, bị lấn chiếm san lấp cục bộ, làm giảm tiết diện gây cản trở dòng chảy và giảm khả năng tiêu thoát nước.
Một số cống ngang băng đường, chuyển tải lưu vực có khẩu độ nhỏ đã không bảo đảm khả năng tiếp nhận và tiêu thoát nước. Mặt khác, do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa nên hệ thống kênh, mương, rạch, suối bị bồi lấp, rác, cỏ mọc nhiều, thiếu được nạo vét thường xuyên hoặc có nạo vét định kỳ nhưng vẫn bị bồi lấp làm cản trở dòng chảy gây ô nhiễm môi trường, khi mưa lớn không bảo đảm tiêu thoát nước, gây ngập úng...
Đối với hệ thống tiếp nhận và chuyển tải: Khu vực đô thị Nam Bình Dương gần như không có hồ điều hòa để điều tiết nước đối với các cơn mưa lớn. Hệ thống sông Thị Tính, Sài Gòn bị hiện tượng triều cường và xả lũ của hồ Dầu Tiếng làm giảm khả năng tiếp nhận, chuyển tải của hệ thống kênh, mương, rạch, suối trên địa bàn TX.Thuận An và TX. TDM, huyện Bến Cát, nên nhiều khi không mưa, hoặc mưa không lớn nhưng nhiều khu vực trên sông Sài Gòn của TX.Thuận An, TX.TDM vẫn bị nước sông tràn ngược vào gây ngập úng cục bộ. Một số hồ, đập trên địa bàn tỉnh xả lũ vào mùa mưa đã gây ngập úng cục bộ vùng hạ lưu khi có mưa lớn.
Giải pháp nào khắc phục tình trạng ngập nước mùa mưa?
Nhằm giải quyết yêu cầu, trước mắt cũng như về lâu dài việc hạn chế, khắc phục tình trạng ngập nước mùa mưa trên địa bàn các huyện, thị, Sở Xây dựng đã có đề nghị UBND tỉnh chấp thuận và chỉ đạo UBND các huyện, thị và một số ngành chức năng thực hiện ngay các giải pháp:
Đối với giai đoạn ngắn hạn, khắc phục ngay cho mùa mưa năm 2011: UBND các huyện, thị chỉ đạo giao Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) chủ trì, phối hợp với Phòng Tài nguyên - Môi trường, đơn vị trực tiếp được giao quản lý khai thác hệ thống thoát nước và UBND xã, phường, thị trấn sở tại tổ chức khảo sát, kiểm tra, xử lý dỡ bỏ các che chắn miệng hố ga, nạo vét khai thông lòng cống, lòng kênh, mương, rạch, suối, hố ga của các tuyến nước; đồng thời thực hiện cải tạo, sửa chữa các hố ga, hệ thống cống không có xi phông hoặc bị hư hỏng để giải quyết thoát nước tốt nhất và bảo đảm môi trường, mỹ quan đô thị... Phòng QLĐT chủ trì, làm việc và giao UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không che chắn hệ thống dòng chảy của các hố ga và không xả rác, chất thải xuống hố ga, hệ thống kênh, mương, rạch, suối, không lấn chiếm hành lang bảo vệ của hệ thống này. Mặt khác, cần thông qua các cuộc họp tổ dân phố hoặc chính quyền tổ dân phố, khu phố giao cho các hộ dân hoặc chính quyền tổ dân phố vào mùa khô thực hiện việc đổ nước vào xi phông hố ga để bảo đảm không cho bốc mùi hôi và duy trì thường xuyên hoạt động này.
Giao chính quyền khu phố, ấp gắn với phong trào xây dựng khu phố văn hóa, nếp sống văn minh đô thị, phối hợp với tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội của khu phố, ấp, tổ dân phố tổ chức thực hiện kế hoạch ngày “Chủ nhật xanh” để tổng vệ sinh đường phố, dọn dẹp khai thông hệ thống kênh, mương, rạch, suối, khu vực ngập nước... Giao lực lượng Thanh tra xây dựng và Thanh tra giao thông thường xuyên thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động xây dựng và hoạt động thoát nước làm ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước đô thị theo đúng các quy định hiện hành; thực hiện ngay việc tạo hướng rãnh, thoát nước tạm cho các đường phố hay khu vực không có hạ lưu thoát nước. Cũng theo Sở Xây dựng, đơn vị này cũng đã có những đề nghị, kiến nghị những giải pháp nhằm chống ngập nước vào mùa mưa cho giai đoạn trung hạn (những năm 2011, 2012 và 2013) tùy theo đặc thù của các huyện, thị...
BÌNH MINH