Nhờ tinh thần kiên quyết không lùi bước trước thách thức, sự chủ động đổi mới sáng tạo trong điều hành, cùng với hỗ trợ của các cấp, các ngành, hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có nhiều khởi sắc trong dịch bệnh.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Giày Đông Hưng (TP.Dĩ An)
Xuất khẩu tăng trở lại
Trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu (XK) của tỉnh ước thực hiện 2,6 tỷ đô la Mỹ, tăng 18,2% so với tháng trước và tăng 17% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 13,3%). Lũy kế 7 tháng, XK ước đạt 14,2 tỷ đô la Mỹ, tăng 0,6% so với cùng kỳ. Một số ngành hàng XK chủ lực tiếp tục tăng trưởng dương. Đây được xem là một kỳ tích trong dịch bệnh. Trong đó, ngành gỗ nổi lên như một lá cờ đầu trong việc vượt khó. Tháng 7, kim ngạch XK sản phẩm gỗ ước đạt 362,7 triệu USD, tăng 3,5% so với tháng trước. Lũy kế 7 tháng kim ngạch XK ước đạt 2.201 triệu USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 15,1% tổng kim ngạch XK.
Được biết, có nhiều lý do dẫn đến sự tăng trưởng. Đầu tiên, dịch bệnh Covid-19 khiến người dân nhiều nước phải ở nhà nhiều hơn, nhu cầu mua sắm đồ nội thất tăng lên. Thêm vào đó, Trung Quốc và một số quốc gia khác có thế mạnh về gỗ chịu ảnh hưởng mạnh của dịch bệnh Covid-19 khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn. Trong khi đó, ngành gỗ Bình Dương hầu như không bị gián đoạn về sản xuất, không có nhà máy nào bị phong tỏa hay ngừng hoạt động. Vì vậy, ngành gỗ không những vẫn duy trì được năng lực XK mà còn có thể lấp vào chỗ trống thị trường mà một số quốc gia để lại.
Đối với ngành dệt may, dù khó khăn song với sự chuyển đổi mặt hàng phục vụ cho dịch bệnh là khẩu trang và đồ bảo hộ nên vẫn bảo đảm hoạt động. Trong tháng 7, kim ngạch XK ước đạt 297,8 triệu USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Lũy kế 7 tháng ước đạt 1.593,9 triệu USD, tăng 1,4% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 10,9% tổng kim ngạch XK. Cũng trong đà chung đó, ngành hàng giày da, sau khi cắt giảm đơn hàng đã có tín hiệu khởi sắc trở lại khi kim ngạch XK tháng 7 ước đạt 254,8 triệu USD, tăng 6,1% so với tháng 6.
Từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp kỳ vọng tình hình dịch bệnh tại các thị trường XK truyền thống sẽ được kiểm soát tốt. Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng kỳ vọng vào các hiệp định thương mại được triển khai thực thi hiệu quả sẽ thu hút nhiều đơn hàng XK từ các nước thành viên. Trong đó, ngành gỗ dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh vào những tháng cuối năm.
Rẽ lối để thích ứng
Trong những năm qua, giá trị XK sản phẩm đồ gỗ của Công ty Lâm Việt (TX.Tân Uyên) luôn đạt trên 45 triệu USD/năm, với thị trường XK chủ yếu là Anh và Mỹ, chiếm tới 85% giá trị xuất khẩu doanh nghiệp. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và tạo ra những tác động tiêu cực tới thương mại và kinh tế toàn cầu, Lâm Việt cũng rơi vào tình thế khó khăn khi lợi nhuận giảm sút, sản xuất rời rạc, nguồn vốn bị siết chặt và 50% số lao động phải nghỉ việc và giảm thời gian làm việc. Song công ty nỗ lực nghiên cứu thị trường để tìm ra cơ hội tăng trưởng ổn định. Những báo cáo về thị trường Mỹ cho thấy, người dân nước này có xu hướng ở nhà nhiều hơn trong năm nay khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Và những nhu cầu thiên về sản phẩm gỗ nhà bếp được đặt hàng rất nhiều để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và quây quần của người dân Mỹ.
Theo ông Nguyễn Liêm, Tổng Giám đốc Công ty Lâm Việt, các nhà bán lẻ của Mỹ cũng công bố đơn hàng sản phẩm gỗ nhà bếp, tủ bếp, sơn và phụ kiện liên quan tới nhà bếp tăng trưởng mạnh suốt thời gian qua. Trong đó, mặt hàng tủ bếp dạng Flatfast là một trong những mặt hàng có thị trường lớn tại Mỹ. Nước này nhập khẩu trên 4 tỷ USD/năm đối với mặt hàng này. Nắm bắt xu hướng thị trường, Lâm Việt đã đầu tư thiết bị tự động hóa, xây dựng nhà xưởng hiện đại, xây dựng khu nhà ở cho công nhân đáp ứng những đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn lao động của thị trường Anh và Mỹ, cũng như tập trung vào XK mặt hàng có lợi thế này. Đến nay, tình hình XK của công ty đi vào ổn định.
Tại Công ty Cổ phần đầu tư Thái Bình (TP.Thuận An), từ giữa tháng 6, các đơn hàng đã có đều đặn trở lại. Để vượt qua khó khăn do bệnh dịch công ty cũng chủ động nhận những đơn hàng hạng trung thay vì hướng tới các đơn hành cao cấp trước đây. Cũng trên tinh thần chủ động chuyển đổi, tìm kiếm đơn hàng, Công ty Giày da Chí Hùng (TX.Tân Uyên) đã công bố tin vui đến người lao động khi từ đầu tháng 9, công ty đã có đơn hàng trở lại, giải quyết việc làm cho 4.000 lao động.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Công thương, tình hình thời gian tới vẫn khó dự đoán bởi diễn biến dịch bệnh Covid-19 vẫn tương đối phức tạp. Các doanh nghiệp cần tiếp tục có những kế hoạch phát triển song song với việc phòng chống dịch bệnh tại đơn vị và cộng đồng.
TIỂU MY