Chủ động đổi mới, đón đầu cơ hội hợp tác

Cập nhật: 25-02-2022 | 10:33:49

Dù còn nhiều khó khăn, thách thức về quá trình phục hồi sản xuất, song nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã tập trung đổi mới, tái cấu trúc, mở rộng sản xuất đón đầu cơ hội hợp tác nhằm khẳng định vị trí và thương hiệu.

 Công suất tái chế của Nhà máy Đồng Tiến dự kiến sẽ tăng lên 17.000 tấn/năm sau khi nâng cấp, mở rộng

 Nắm bắt cơ hội

Có thể thấy, đại dịch Covid-19 trong hơn 2 năm vừa qua đã tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của nền kinh tế nói chung và cộng đồng DN nói riêng. Song, khó khăn cũng là một phép thử để tạo ra sức bật cho DN. Theo bà Trương Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - túi xách Bình Dương, đơn hàng xuất khẩu của nhiều DN ít nhất đã có đến hết quý II-2022. Đây cũng là cơ sở tốt cho các DN đẩy nhanh sản xuất, lấy lại tăng trưởng sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Điều đáng nói, nhịp độ sản xuất của các DN, nhất là DN da giày ở khu vực phía Nam khá tốt. Ngay từ sau khi dịch bệnh được kiểm soát, một số thương hiệu lớn như Nike, Adidas đều bày tỏ mong muốn gia tăng sản lượng sản xuất. Chính vì thế những đơn vị gia công cho nhãn hiệu nổi tiếng đã và đang nỗ lực mở rộng sản xuất, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Bên cạnh đó, các DN còn nỗ lực đầu tư phát triển thương hiệu giày 100% made in Việt Nam. Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày - túi xách tỉnh, cho biết việc phát triển thương hiệu Prowin để chiếm lĩnh thị trường 100 triệu dân cũng quan trọng ngang tầm cùng với việc gia công cho các thương hiệu nổi tiếng. Ông cho rằng xu thế này là tất yếu trong điều kiện thế giới luôn có những biến động.

Theo bà Đỗ Hiệp Hòa, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Ecco (huyện Bàu Bàng), trong xu thế phát triển mạnh khi dịch bệnh được kiểm soát, công ty mở rộng 4 chuyền thêm 400 lao động để đáp ứng nhu cầu hàng hóa. Năm 2023, công ty dự kiến đầu tư phát triển sản xuất các nguyên phụ liệu để hoàn thành kế hoạch đặt ra 100% thành phẩm đôi giày sẽ sản xuất tại Bình Dương. Bà Hiệp Hòa cũng cho biết xác định chiến lược phát triển đúng đắn, công ty quyết tâm thực hiện. Hiện công ty tổ chức đưa đón nhân viên, bảo đảm đời sống vật chất và chăm sóc sức khỏe để người lao động yên tâm gắn bó với công ty.

Mở rộng tầm nhìn

Ông Nguyễn Liêm, thành viên Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cho biết năm 2022 ngành gỗ Bình Dương bước vào giai đoạn phát triển mới. Với những thay đổi trong việc ứng dụng công nghệ vào chế biến, xuất khẩu, các DN gỗ thời gian tới cũng sẽ nhanh chóng thay đổi phương thức sản xuất, đóng gói, giao hàng thuận lợi nhất, rút kinh nghiệm từ việc ứng phó dịch bệnh Covid-19 trong thời gian vừa qua. Nguyên liệu gỗ nhập khẩu từ các nước cung cấp chính đang gặp rất nhiều khó khăn, thiếu nguồn cung hoặc gián đoạn, đẩy giá nguyên liệu tăng cao. Điều này ảnh hưởng nhiều đến việc nhận đơn hàng mới. Các nhóm hàng vật tư, phụ kiện như ốc vít, pát, thanh trượt, hóa chất, bao bì vừa tăng giá vừa khan hiếm nguồn cung. Tuy nhiên, cộng đồng DN ngành gỗ nỗ lực để thích ứng, giữ vững vị trí của ngành gỗ Bình Dương.

“Các DN xác định sẽ phối hợp với cơ quan chức năng nhằm giảm thiểu rủi ro trong nguồn cung nhập khẩu nguyên liệu gỗ, tránh gian lận thương mại. BIFA cũng kiến nghị cơ quan chức năng thực hiện rà soát kỹ nguồn đầu tư FDI mang tính rủi ro cao cho cộng đồng DN chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam. Cộng đồng DN gỗ Bình Dương cam kết mạnh mẽ sử dụng nguồn nguyên liệu hợp pháp, thúc đẩy tiến trình tăng trưởng xanh, bền vững trong xu thế hiện nay”, ông Liêm cam kết đầy trách nhiệm.

Ông Eliseo Barcas, Tổng Giám đốc Tetra Pak Việt Nam (KCN VSIP 2 mở rộng), cho biết ngày 20-2 vừa qua, Tetra Pak và Công ty Giấy và Bao bì Đồng Tiến (TX.Bến Cát) đã công bố khoản đầu tư trị giá 3,5 triệu Euro để nâng cấp, mở rộng năng lực tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng tại Việt Nam. Cụ thể, Tetra Pak sẽ đầu tư 1,2 triệu Euro cho việc lắp đặt một dây chuyền tách giấy hiện đại theo công nghệ của châu Âu tại nhà máy tái chế giấy của Đồng Tiến, dự kiến sẽ hoàn tất vào quý IV năm nay. Khoản đầu tư này có ý nghĩa quan trọng bởi đây là lần đầu tiên một công ty cung ứng bao bì nước ngoài đầu tư trực tiếp vào việc xây dựng năng lực cho ngành tái chế còn đang rất non trẻ tại Việt Nam. Dây chuyền tách giấy này dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi công suất tái chế tại Đồng Tiến lên 17.000 tấn/năm. Cho phép tạo ra bột giấy tái chế có chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn để sản xuất các sản phẩm giấy có giá trị thương mại như giấy vệ sinh, giấy viết. Từ đó giúp tăng giá trị thu mua vỏ hộp giấy và thu nhập cho người thu gom. “Việc hỗ trợ xây dựng năng lực tái chế vỏ hộp giấy tại địa phương nằm trong chiến lược hình thành nền kinh tế tuần hoàn, ít phát thải carbon của Tetra Pak trên toàn cầu… thể hiện cam kết mạnh mẽ của chúng tôi trong việc đồng hành cùng các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống thực hiện trách nhiệm thu gom bao bì sau khi sử dụng”, ông Eliseo Barcas cho biết.

Với chất lượng bột giấy tái chế được nâng cao, Công ty Đồng Tiến sẽ đầu tư 2,3 triệu Euro vào hệ thống nhà xưởng và dây chuyền sản xuất giấy kraft - hiện đang rất được ưa chuộng trên thế giới. “Chúng tôi kỳ vọng một khi đi vào hoạt động đủ công suất, dây chuyền mới sẽ khuyến khích thói quen thu gom vỏ hộp giấy tại các cơ sở và người dân. Từ đó lan rộng ra toàn xã hội, tạo nguồn cung dồi dào cho việc tái chế vỏ hộp giấy, giúp sản xuất, kinh doanh hiệu quả và bền vững hơn”, ông Hoàng Trung Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Giấy và Bao bì Đồng Tiến chia sẻ.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=461
Quay lên trên