Trong năm 2023, Bình Dương đã thực hiện phương án ứng phó thiên tai ba cấp tỉnh, huyện và xã theo đúng phương châm “4 tại chỗ”, đầy đủ theo trình tự trước, trong và sau khi xảy ra thiên tai. Đồng thời, tỉnh sẵn sàng các phương án, kịch bản bảo vệ an toàn công trình, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai, kể cả tình huống sự cố đê bao, hồ đập, xả lũ khẩn cấp.
Các địa phương đã xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai bảo đảm phương châm 4 tại chỗ. Lực lượng có thể huy động đến 42.500 người; 2.370 phương tiện các loại (tàu thuyền, ca nô, ô tô, máy ủi, xe cứu thương…), 30.540 trang thiết bị các loại (phao tròn, phao bè, áo mưa, dây thừng, máy phát điện...). Công tác bảo đảm hậu cần nơi sơ tán như lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh… cũng được các địa phương lập hợp đồng ghi nhớ với các siêu thị, đại lý, cửa hàng kinh doanh lương thực, nhà thuốc, trạm xăng dầu… trên địa bàn bảo đảm cung cấp đầy đủ nhu cầu người dân khi thiên tai xảy ra.
Tỉnh luôn chú trọng củng cố các đội xung kích cấp xã. Hiện nay, 91/91 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã thành lập Đội xung kích PCTT và kiện toàn hàng năm với 6.864 thành viên. Thành phần nòng cốt là lực lượng dân quân và các tổ chức, đoàn thể, như: Chữ Thập đỏ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và một số công chức chuyên môn cấp xã.
Đội xung kích PCTT cấp xã là lực lượng chủ chốt tại chỗ để thực hiện nhiệm vụ PCTT-TKCN theo kế hoạch và phương án PCTT-TKCN của cấp xã. Lực lượng đã cùng dân, bám dân, giúp dân PCTT chủ động, kịp thời ngay khi thiên tai xảy ra, giúp dân khắc phục hậu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại của thiên tai; nâng cao hiệu quả phòng, tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Năm 2023, tỉnh Bình Dương đã tổ chức 2 đợt diễn tập phòng, chống thiên tai cho lực lượng xung kích cấp xã tại phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một và xã Phước Sang, huyện Phú Giáo; lực lượng tham gia diễn tập khoảng 530 người.
PHƯƠNG ANH