Chủ động nguồn hàng, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng

Cập nhật: 05-03-2022 | 09:04:47

Trong 2 tháng đầu năm, ngành công thương chủ động rà soát, tham mưu UBND tỉnh các vướng mắc, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh cần tập trung tháo gỡ. Ngành cũng chủ động đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo đúng định hướng của tỉnh.

Không lơ là với dịch bệnh

Trong 2 tháng đầu năm, Sở Công thương đã phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố và các doanh nghiệp (DN) triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch bình ổn thị trường hàng hóa thiết yếu năm 2022 nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa đầy đủ, bình ổn giá, kịp thời phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các địa phương về tăng cường các biện pháp ứng phó với dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn “bình thường mới” trên địa bàn.

Theo báo cáo của Sở Công thương, trong 2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 45.294 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ. Giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các DN tham gia bình ổn đã thực hiện bán hàng thiết yếu với doanh thu 2.100/2.077 tỷ, vượt 1,1% so với kế hoạch. Ngoài việc tổ chức bán hàng bình ổn tại các điểm cố định, các siêu thị như Co.opmart Vinmart Mỹ Phước, Dĩ An… còn thực hiện bán hàng lưu động đưa hàng Việt về nông thôn phía bắc của tỉnh, nhất làcác khu đông dân cư tập trung, các điểm liên xã.

Các siêu thị đưa hình thức mua bán hiện đại, gắn với phòng, chống dịch bệnh về các khu vực nông thôn, khu đông công nhân nhằm cung ứng hàng hóa ổn định

Theo đánh giá của Sở Công thương, 2 tháng đầu năm, sức mua tăng cao nhưng giá cả các mặt hàng thiết yếu vẫn ổn định. Thị trường hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trên địa bàn tỉnh khá dồi dào, phong phú đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân. Ông Hoàng Long, Giám đốc Siêu thị Co.opmart 30-4, cho biết đơn vị tham gia bình ổn thị trường thực hiện đúng theo kếhoạch. Siêu thị có kho chứa hàng hóa riêng, mỗi ngày đều có xe vận chuyển hàng hóa từ kho đến điểm bán, lượng hàng hóa dồi dào, đa dạng, phong phú, bảo đảm nhu cầu mua sắm của người dân.

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, trong tình hình hiện nay, ngành đẩy mạnh việc theo dõi tình hình dự trữ hàng hóa thiết yếu của các DN tham gia bình ổn thị trường để ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Sở Công thương đã và đang làm việc với các địa phương, đơn vị, DN thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không lơ là, mất cảnh giác, tránh nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại.

Tích cực chuyển đổi số

Để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, ngành công thương ráo riết thực hiện Đề án “Điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ các DN nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, cụm công nghiệp“. Các đề án: “Phát triển ngành cơ khí trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; “Phát triển ngành gỗ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” cũng đang được gấp rút hoàn thiện. Tất cả nhằm tạo điều kiện cho các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh phát triển bền vững, đúng với định hướng và quy hoạch.

Đánh giá về đề án phát triển ngành gỗ, ông Trần Anh Vũ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho biết đề án được thực hiện theo hướng cụm công nghiệp chuyên ngành, tiến đến chuyên môn hóa trong các khâu sản xuất là một giải pháp thiết thực cho ngành công nghiệp gỗ Bình Dương. Các DN ngành gỗ sẽ nỗ lực hết sức để triển khai, hướng tới phát triển ngành gỗ theo hướng chuyên môn hóa, gắn với chuyển đổi số với mục tiêu trở thành địa phương chủ lực của ngành gỗ Việt Nam.

Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số, đến nay ngành công thương đã gửi lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương, hiệp hội, đồng thời tổng hợp thêm các nội dung từ dự thảo nghị quyết và chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số. Đối với đề án xây dựng cơ sở dữ liệu ngành công thương hiện đã trình UBND tỉnh gia hạn hợp đồng thực hiện đến tháng 8-2022 để tiếp tục cập nhật, hoàn thiện nội dung phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu. Tất cả góp phần thúc đẩy nhanh việc hoàn thành mục tiêu lĩnh vực phát triển kinh tế số và xã hội số mà tỉnh đặt ra. Phấn đấu đạt 100% tỷ lệ hóa đơn điện tử; 30% DN sử dụng hợp đồng điện tử; DN nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 20%; giao dịch không dùng tiền mặt trong dịch vụ thương mại điện tử đạt từ 50% trở lên; trên 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử...

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tháng 2 tăng 2,1% so với cùng kỳ. Một số mặt hàng có chỉ số giá tăng cao, như: Hàng hóa tăng 5,2%, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,9%, giao thông tăng 15%, giá vàng giảm 3,5%, giá đô la Mỹ giảm 1,2%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2-2022 dự ước đạt 22.071 tỷ đồng, giảm 5% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ.

TIỂU MY - CẨM TÚ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=676
Quay lên trên