Do ảnh hưởng của hiện tượng El-nino nên tình hình khô hạn trong mùa khô năm nay đang trở nên gay gắt, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Để ứng phó với tình hình này, Chi cục Thủy lợi tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có việc điều tiết nước tưới tại các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tính đến thời điểm này, việc cung cấp nước tưới cho các loại cây trồng, nhất là cây trồng ngắn ngày vụ đông - xuân vẫn được bảo đảm.
Hệ thống thủy lợi trong tỉnh được đầu tư đồng bộ giúp nông dân có điều kiện sản xuất quanh năm, ổn định cuộc sống. Trong ảnh: Nông dân xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên vào vụ sản xuất. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Bảo đảm nguồn nước
Theo Chi cục Thủy lợi, kiểm tra mực nước các hồ trên địa bàn tỉnh mới đây cho thấy, hồ Cần Nôm mực nước là 13,9m, hồ Đá Bàn 34,4m, hồ Dốc Nhàn 23,5m, hồ Suối Giai 61,3m. Năm nay, dự kiến vụ đông - xuân kết thúc tưới vào khoảng giữa tháng 4-2016. Với mực nước còn lại, các hồ Cần Nôm và Suối Giai dư nước tưới vụ đông - xuân và hè - thu; hồ Đá Bàn đủ nước tưới vụ đông - xuân và khoảng 152 ha vụ hè - thu; hồ Dốc Nhàn chỉ đủ nước tưới vụ đông - xuân, không đủ nước tưới vụ hè - thu năm 2016.
Để chủ động phòng, chống hạn và hạn chế những thiệt hại do nắng hạn, thiếu nước gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lập kế hoạch phối hợp với các địa phương, đơn vị trong tỉnh tổ chức kiểm tra thực tế tình hình nắng hạn trong mùa khô năm 2016. Cụ thể, nội dung kiểm tra gồm: diễn biến hạn hán, tình hình nguồn nước tưới, nước sinh hoạt hiện nay và khả năng cung cấp trong thời gian tới; thực tế tình hình sử dụng nước tưới cho sản xuất, nước sinh hoạt của người dân; việc thực hiện các tiêu chuẩn quốc gia về quy trình vận hành các công trình thủy lợi… Dự kiến, ngành sẽ tiến hành kiểm tra các hồ trên địa bàn huyện Dầu Tiếng vào ngày 9-3, huyện Phú Giáo vào ngày 10-3, huyện Bắc Tân Uyên vào ngày 15 và 16-3 tới. |
Nâng cao hiệu quả hệ thống kênh mương
Trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên và TX.Tân Uyên hiện có 13 công trình thủy lợi, gồm 2 hồ chứa nước, 2 đập dâng và 9 trạm bơm điện công suất lớn (khoảng 850m3 nước/giờ). Các công trình thủy lợi này đã phát huy tác dụng, bảo đảm tốt nhu cầu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Nhờ vậy, diện tích đất bỏ vụ hàng năm vào mùa khô đã giảm đáng kể, giúp nông dân có điều kiện canh tác quanh năm, tăng thu nhập và phát triển kinh tế gia đình. Đây cũng là một trong những giải pháp để khai thác sử dụng nguồn tài nguyên đất có hiệu quả cũng như góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp ở địa phương phát triển ổn định.
Theo đại diện Trạm Thủy nông TX.Tân Uyên, thời gian qua, trạm đã chủ động phối hợp cùng Phòng Kinh tế rà soát các công trình thủy lợi trên địa bàn; lên kế hoạch, dự trù kinh phí nạo vét kênh mương; đồng thời duy trì bảo dưỡng các trạm bơm để chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất. Theo dự trù, kinh phí nạo vét, tu bổ công trình phục vụ sản xuất năm 2016 của thị xã là hơn 220 triệu đồng.
Để chủ động nguồn nước trong cao điểm mùa khô, hiện nay, các đơn vị quản lý khai thác nguồn nước đang phối hợp cùng địa phương thống nhất lịch tưới, phạm vi cụ thể của từng công trình và thông báo rộng rãi cho nông dân biết để có phương án sản xuất phù hợp. Đối với những trạm bơm, Chi cục Thủy lợi phối hợp với các địa phương trong tỉnh thực hiện nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, bể hút của trạm bơm để nâng cao hiệu quả phục vụ; đồng thời bảo dưỡng thiết bị và sửa chữa ngay những hư hỏng (nếu có) nhằm sẵn sàng phục vụ sản xuất. Đối với hệ thống đê bao ven sông Sài Gòn, Chi cục Thủy lợi đã tăng cường điều chỉnh quản lý vận hành, điều tiết các cống dưới đê bao hợp lý để vừa phòng chống xâm nhập mặn, vừa cung cấp nước tưới cho cây trồng, tránh tình trạng đóng cống trong thời gian dài và liên tục tăng độ phèn làm chết cây trồng.
QUỲNH NHIÊN