Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bình Dương, với tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết trong thời gian vừa qua, lượng mưa 2 tháng đầu năm 2017 cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Dự báo, tháng 3 và tháng 4 năm nay khả năng lượng mưa ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN; nhiệt độ trung bình trong các tháng mùa khô có khả năng cao hơn TBNN khoảng 0,5 - 10C. Đặc biệt, nguồn nước mặt và nước ngầm có khả năng bị suy giảm, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của người dân. Trước tình hình này, ngay từ đầu mùa khô 2017, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh đang tập trung các giải pháp bảo đảm nước tưới phục vụ cho sản xuất trong cao điểm mùa khô.
Thời gian qua, nhờ hệ thống thủy lợi được đầu tư đồng bộ nên nông dân trong tỉnh chủ động được nguồn tưới phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Trong ảnh: Nông dân xã Thạnh Hội, TX.Tân Uyên vào vụ sản xuất Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Không để xảy ra tình trạng thiếu nước
Hiện nay, ở các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, hệ thống thủy lợi đã được tỉnh đầu tư đồng bộ với 35 công trình thủy lợi, tổng năng thiết kế tưới cho trên 6.500 ha, tiêu nước trên 10.000 ha, đồng thời còn làm nhiệm vụ chống lũ. Thời gian qua, các trạm bơm và hệ thống thủy lợi tự chảy trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt chức năng điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của nông dân các xã chuyên canh cây lúa và hoa màu. Theo đó, 100% diện tích lúa và cây ngắn ngày được cung cấp đủ nước tưới. Đa số vùng sản xuất nông nghiệp của tỉnh hệ thống thủy lợi đã được đầu tư đồng bộ nên diện tích lúa và hoa màu được cung cấp nước đầy đủ, kịp thời.
Thực hiện Chỉ thị số 27/ CT-UBND ngày 21-12-2016 của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống hạn, nhiễm mặn và cháy rừng mùa khô năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai hướng dẫn cho các địa phương, đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi lập kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống hạn mùa khô năm 2017.
Bà Nguyễn Thị Bảo Thúy, Trưởng phòng Quản lý công trình thủy lợi, Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, năm 2017 dự kiến đơn vị sẽ tiến hành kiểm tra tình hình hạn hán và công tác phòng, chống hạn mùa khô năm 2017 vào cuối tháng 3. Theo đó, các đơn vị sẽ tiến hành kiểm tra diễn biến hạn hán, tình hình các nguồn nước tưới, nước sinh hoạt hiện nay và khả năng cung cấp trước mắt; việc thực hiện các tiêu chuẩn quốc gia về quy trình quản lý vận hành công trình thủy lợi; tình hình quản lý vận hành, điều tiết nước tưới và kết quả thực hiện tưới của các công trình thủy lợi trên…
Chủ động phòng chống hạn, nhiễm mặn
Theo Chi cục Thủy lợi, kiểm tra mực nước các hồ trên địa bàn tỉnh mới đây cho thấy, hồ Cần Nôm mực nước là 14,84m, hồ Đá Bàn 36,62m, hồ Dốc Nhàn 25,4m, hồ Suối Giai 62,1m. Hiện các hồ đều đang tích đủ 100% lượng nước theo thiết kế. Hồ Đá Bà, hồ Suối Giai tuy đã tích đủ nước theo thiết kế nhưng khi khô hạn kéo dài, lượng nước trong mặt ruộng và mặt hồ sẽ bốc hơi nhiều, có khả năng không đủ nước tưới cho vụ hè - thu nếu không sử dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước.
Theo dự báo, với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên tình hình khô hạn năm nay có khả năng diễn ra trên diện rộng và kéo dài, nguồn nước sông suối bị cạn kiệt, tình hình nhiễm mặn tại khu vực ven sông Sài Gòn sẽ tăng cao và ranh giới mặn sẽ vào sâu hơn với mức bình thường. Đặc biệt, ở vùng gò cao thuộc các huyện phía bắc của tỉnh như các xã An Bình, An Linh, An Long, Tam Lập của huyện Phú Giáo; Minh Hòa, Định An, Định Hiệp của huyện Dầu Tiếng; Hiếu Liêm, Đất Cuốc, Lạc An của huyện Bắc Tân Uyên nguồn nước ngầm và nước mặt có khả năng bị suy giảm, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và sản xuất.
Riêng đối với vùng có nguy cơ bị nhiễm mặn ở các địa phương vùng trũng thấp ven sông Sài Gòn như các phường Bình Nhâm, Hưng Định, An Thạnh và xã An Sơn của TX.Thuận An; 2 xã An Tây, Phú An của TX.Bến Cát; các phường Phú Thọ, Chánh Mỹ, Tương Bình Hiệp, Tân An của TP.Thủ Dầu Một cần áp dụng các biện pháp tuyên truyền, vận động người dân tập trung xuống giống vụ đông - xuân sớm và đồng loạt, lựa chọn giống chịu hạn mặn, sử dụng các loại cây trồng ít tốn nước để đề phòng nguồn nước sông có thể bị nhiễm mặn sớm, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cây trồng.
Để phòng, chống hạn có hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương triển khai nghiêm chỉ thị của UBND tỉnh về tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, xâm nhập mặn năm 2017. Cụ thể, UBND các huyện, thị, thành phố cần có kế hoạch thông báo rộng rãi về hiện tượng ENSO hiện đang ở trạng thái trung tính giữa El Nino và La Nina; tiến hành kiểm tra chặt chẽ tình hình sản xuất ở địa phương mình quản lý, khuyến cáo nông dân sử dụng tiết kiệm và hợp lý nguồn nước hiệu quả. Đối với các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi và công trình nước sạch nông thôn, cần tổ chức kiểm tra chặt chẽ nguồn nước, cân đối khả năng cung cấp nước cho các nhu cầu sử dụng trên địa bàn, trong đó ưu tiên phục vụ sinh hoạt và các ngành sản xuất, kinh doanh chủ lực của địa phương; xử lý ngay những sự cố hư hỏng các công trình thủy lợi nhằm bảo đảm công trình hoạt động ổn định, chủ động nguồn nước tưới cho sản xuất…
QUỲNH NHIÊN