Trước tình hình diễn biến bất thường của thời tiết, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT) tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp nhằm chủ động PCTT trên địa bàn tỉnh.
Đại lộ Bình Dương đoạn gần khu vực Siêu thị Metro thường xuyên bị ngập đang được tích cực khắc phục Ảnh: Q.NHIÊN
Ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban chỉ huy PCTT tỉnh cho biết, nhằm chủ động PCTT, trong những tháng cuối năm Ban chỉ huy sẽ tổ chức kiểm tra các công trình thủy lợi trước, trong và sau mùa mưa lũ năm 2015 nhằm phát hiện hư hỏng và đề xuất giải pháp xử lý, bảo đảm hiệu quả công trình; chỉ đạo các địa phương, đơn vị quản lý công trình theo phân cấp thực hiện kiểm tra đầy đủ, đúng quy định đối với công trình thủy lợi, đặc biệt là công trình hồ chứa, đê bao, tiêu thoát nước để sửa chữa, gia cố kịp thời các công trình bị hư hỏng hoặc có nguy cơ bị ảnh hưởng, đồng thời nạo vét khai thông dòng chảy, gia cố bờ các suối, rạch và công trình tiêu thoát nước nhằm chống ngập úng do mưa, lũ và triều cường. Ban cũng sẽ phối hợp với Ban chỉ huy PCTT các địa phương kịp thời ứng phó mọi tình huống khi có mưa lũ, bão xảy ra và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra...
Được biết, thời gian qua Ban chỉ huy PCTT tỉnh đã tiếp nhận mốc hành lang an toàn xả lũ tại hồ chứa Phước Hòa; sử dụng các mốc vào công tác phòng, chống thiên tai nhằm giúp các địa phương ở hạ du xác định rõ phạm vi ngập lụt để chủ động có biện pháp thích hợp giảm thiểu tác hại do xả lũ từ hồ. Ban cũng đã phát 36.000 tờ rơi tuyên truyền về tác hại của bão, lũ lụt có hướng dẫn cách phòng tránh và 360 cuốn sổ tay phòng ngừa bão lũ dành cho cộng đồng đến người dân để nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT.
Theo Đại tá Hà Quang Lĩnh, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, trong năm 2015 Bộ CHQS tỉnh tập trung quán triệt, chỉ thị của Tư lệnh Quân khu về công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đến toàn bộ cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh. Bộ CHQS tỉnh cũng yêu cầu Ban CHQS các huyện, thị, thành phố nắm lại tình hình an toàn các đê kè, bờ bao, cống trọng điểm, đập hồ chứa trên địa bàn và củng cố hệ thống thông tin liên lạc phục vụ cho chỉ huy, chỉ đạo được thông suốt từ tỉnh đến các huyện, thị, thành phố…
Đặc biệt, vừa qua UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị về việc “Tăng cường các biện pháp PCTT, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn 2015”. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu sở, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố chủ động phòng, chống, xử lý kịp thời, hiệu quả trước, trong và sau khi bão, lụt, thiên tai xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại; tăng cường thông tin, tuyên truyền cho nhân dân nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm hơn nữa trong việc chủ động tự phòng, tránh thiên tai được an toàn, hiệu quả. UBND tỉnh cũng đề nghị các ngành và địa phương chủ động huy động các nguồn nhân lực của địa phương làm tốt công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, lụt, bão trên địa bàn; tổ chức tập huấn, thực hành diễn tập về các tình huống thiên tai giả định, phương án xử lý, tránh tình trạng bị động, hoảng loạn khi có thiên tai xảy ra...
Ông Nguyễn Tấn Bình cho biết, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các ngành và địa phương, sẽ giảm thiểu được tối đa thiệt hại do mưa, bão gây ra trên địa bàn tỉnh.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, năm 2015 thời tiết tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông có khả năng ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Do vậy, các địa phương cần đề phòng những cơn bão mạnh có hướng di chuyển phức tạp hoạt động vào những tháng cuối năm. Bước vào mùa mưa, cần đề phòng giông mạnh kèm theo tố, lốc, sét vào thời kỳ chuyển mùa, các tháng đầu mùa mưa và sau các đợt giảm mưa.
Dự báo, mực nước triều cường cao nhất năm tại trạm Thủ Dầu Một sẽ cao hơn mức báo động III, xuất hiện vào cuối tháng 11, 12 năm 2015. Cần đề phòng trường hợp triều cường xảy ra khi trên biển Đông có bão, áp thấp nhiệt đới hoặc gió mùa đông bắc mạnh.
NHIÊN TRẦN