Ngành hàng xuất khẩu:

Chủ động thích ứng, hướng tới giá trị cao hơn- Bài 1

Cập nhật: 16-10-2024 | 09:04:26

Bài 1: Bức tranh màu sáng

Từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đạt những kết quả khả quan. Cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang nỗ lực duy trì thị trường xuất khẩu truyền thống, mở rộng thị trường mới, tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới nhằm bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm 2024, tạo đà phát triển ổn định trong những năm tiếp theo.

Kết quả khả quan

Trong 9 tháng năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt khoảng 7,05%, thu ngân sách đạt 70% dự toán điều chỉnh HĐND tỉnh giao và 77% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao năm 2024, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 25 tỷ 623 triệu đô la Mỹ, tăng 13,7%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 18 tỷ 201 triệu đô la Mỹ, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả này cho thấy những tín hiệu tốt của nền kinh tế tỉnh nhà.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH PANKO VINA (Khu công nghiệp Mỹ Phước I)

Ông Trần Hưng Đạo, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam, cho biết năm 2024 dự kiến sản lượng xuất khẩu của công ty tăng 40% so với năm 2023. Hiện tại, công ty đang tích cực chuẩn bị nguồn lực cũng như ngân sách để kết hợp các hệ sinh thái trong Tập đoàn Foster (Nhật Bản) phát triển công nghệ phần mềm mới. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0, công ty đang có kế hoạch chuyển dịch lĩnh vực sản xuất, công nghệ mới, tạo ra sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay.

"Hiện nay, ở nhiều thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường châu Âu, Nhật Bản đã đưa ra yêu cầu mới cho sản phẩm dệt may - đó là tiêu chuẩn xanh. Theo đó, để có sản phẩm xanh thì nhà máy phải đạt tiêu chuẩn ESG, phải dùng điện năng lượng mặt trời, phải giảm nước thải và đạt các chứng chỉ carbon…”, bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, cho biết.

Ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương, đánh giá hoạt động xuất nhập khẩu của DN trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng tích cực. Trong 9 tháng năm 2024, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của các DN đạt 15-20% so với cùng kỳ năm 2023. Nếu các DN giữ được tốc độ tăng trưởng như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu năm 2024 của Bình Dương sẽ đạt cột mốc mới. “Thời gian gần đây, đơn hàng quay trở lại nhiều đã hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất đến hết năm 2024, cũng như trong những năm tiếp theo. Đây là tín hiệu tốt cho hoạt động xuất khẩu trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, để hoạt động xuất khẩu ổn định, phát triển bền vững, sản phẩm hàng hóa của DN phải bảo đảm chất lượng, có thương hiệu, uy tín trên thị trường”, ông Phạm Văn Xô cho biết.

Linh hoạt giải pháp

Nhận định về tiềm năng, cơ hội xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong những tháng cuối năm, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), cho rằng Hoa Kỳ đang có những động thái về cắt giảm lãi suất. Điều này tất yếu kích cầu tiêu dùng trở lại, mở rộng nhu cầu xuất nhập khẩu của các DN, kéo theo đó nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ tại thị trường này sẽ tăng mạnh. Bên cạnh đó, tháng 7 vừa qua Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ban hành kết luận cuối cùng của vụ việc điều tra xem xét phạm vi sản phẩm và chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, đã hủy bỏ toàn bộ vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam. Động thái này giúp sản phẩm gỗ Việt Nam rộng đường vào thị trường Hoa Kỳ và đạt được mức tăng trưởng cao trong thời gian tới.

Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Liêm, để tăng trưởng và phát triển bền vững, ngành gỗ cần chủ động thích ứng trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, từ đó đưa ra những thay đổi linh hoạt trong quá trình sản xuất cũng như xuất khẩu. Đặc biệt là phát triển công nghệ, chuỗi cung ứng sản phẩm từ nguyên phụ liệu đến logistics.

Thực tế cho thấy, mặc dù xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Bình Dương chiếm 42% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành này của cả nước trong 9 tháng năm 2024 nhưng vẫn chưa thật sự an tâm khi thời gian đặt hàng ngắn, giá nguyên liệu tăng cao khiến chi phí tăng cao; trong khi đó các khách hàng lại luôn đưa ra yêu cầu giảm giá. Bên cạnh đó, việc đối tác chậm thanh toán tiền; các yêu cầu mới về môi trường, giảm phát thải, sản xuất xanh… cũng đặt ra nhiều thách thức cho DN ngành gỗ, đặc biệt là DN vừa và nhỏ...

Đối với ngành dệt may, dù nhiều DN có đơn hàng đến hết năm 2024 song cũng đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm dệt may cũng như gia tăng xuất khẩu, cần tạo ra giá trị cao hơn cho sản phẩm. Để làm được điều này, DN không thể làm những mặt hàng mà các quốc gia khác cũng làm được. Các DN cần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm và chủ động xúc tiến thương mại, cải thiện quản trị DN, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất. DN cũng cần sớm có biện pháp hữu hiệu giảm phát thải, tiến tới phát thải bằng 0. (Còn tiếp)

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=332
Quay lên trên