Chủ tịch Quốc hội dự Hội nghị triển khai kế hoạch công tác Hội đồng nhân dân

Cập nhật: 21-02-2022 | 10:59:00

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu dự Hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 21/2, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh.

Các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Thượng tướng Trần Quang Phương; đại diện các cơ quan hữu quan; hơn 200 đại biểu là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội… của 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc cùng tham dự.

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết theo kế hoạch năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo tổng kết gửi các địa phương để công tác Hội đồng nhân dân đi vào nề nếp và tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Bước vào nhiệm kỳ mới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổ chức Hội nghị tổng kết hằng năm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân năm 2021 theo ba khu vực: Bắc, Trung, Nam cho phù hợp với tình hình phòng, chống dịch COVID-19.

Đây là hội nghị đầu tiên trong Kế hoạch tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân khu vực phía Bắc, nhằm đánh giá tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố năm 2021, nhiệm vụ, giải pháp năm 2022.

Sáng tạo, đổi mới trong tổ chức và phương thức hoạt động

 Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cử tri đã bầu được 3.721 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, 22.550 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, 239.788 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã. Đây là điều kiện cơ bản để Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 kiện toàn về tổ chức, bộ máy và cán bộ, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh của cả nước đã bầu 177 đồng chí giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân (gồm 63 Chủ tịch, 114 Phó Chủ tịch).

Nhiệm kỳ 2016-2021 là nhiệm kỳ đầu tiên Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản pháp luật liên quan theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 và Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII của Đảng.

Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày tóm tắt Báo cáo tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (khu vực phía Bắc). (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Năm 2021, mặc dù tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá là nền kinh tế phát triển ổn định, có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng năm 2021 là 2,58%. Thu ngân sách nhà nước vẫn tăng 16,4%, cao hơn mức tăng 11,3% của năm 2020. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt mức kỷ lục 668,5 tỷ USD…

Đóng góp vào những kết quả nêu trên có công sức, trí tuệ của Hội đồng nhân dân các cấp, với vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân đã có những quyết sách quan trọng đưa chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống.

Năm 2021, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất quan tâm đến tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, trong đó đã chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng chương trình công tác, hoàn thiện thể chế, ban hành các Nghị quyết đảm bảo thiết thực, sát với thực tiễn, đi vào cuộc sống, dễ triển khai thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát.

Nhiều địa phương, Hội đồng nhân dân đã phối hợp triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù như các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế.

Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đã có nhiều sáng tạo, đổi mới trong tổ chức và phương thức hoạt động (coi trọng khâu chuẩn bị các nội dung theo chương trình kỳ họp, nhất là các báo cáo thẩm tra; tổ chức kỳ họp trực tuyến kết hợp với họp trực tiếp; đề cao vai trò của Thường trực Hội đồng nhân dân trong công tác điều hòa, phối hợp, điều hành kỳ họp, vai trò thẩm định, thẩm tra, kiến nghị của các Ban; áp dụng công nghệ thông tin trong việc gửi, nhận tài liệu kỳ họp, tài liệu được gửi đến đại biểu Hội đồng nhân dân sớm có thời gian nghiên cứu đã góp phần rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí…).

Vì vậy, năm 2021, mặc dù dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp nhưng Hội đồng nhân dân với sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo kế hoạch công tác.

Đề cao tính chủ động trong việc xây dựng nghị quyết hằng năm và cho cả nhiệm kỳ

 Theo Báo cáo, phát huy những kết quả hoạt động đã đạt được trong năm 2021, bước sang năm 2022, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, Hội đồng nhân dân các cấp tiếp tục tổ chức và hoạt động theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã được sửa đổi bổ sung và là nhiệm kỳ thứ hai thực hiện các luật liên quan tới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Để khắc phục những bất cập trong quá trình hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp trong thời gian qua và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân trong năm 2022, hai mục tiêu tổng quát được đề ra.

Cụ thể, Hội đồng nhân dân các cấp tiếp tục đổi mới về phương thức, cách thức tổ chức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân trên cơ sở cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết đảng bộ tỉnh, thành phố và pháp luật của nhà nước, Hội đồng nhân dân triển khai có hiệu quả việc “nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026” để Hội đồng nhân dân thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Cùng với đó, Hội đồng nhân dân các cấp chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động 5 năm, hằng năm, nhất là định hướng chương trình xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân trong nhiệm kỳ, trên cơ sở đó ban hành Nghị quyết về chương trình xây dựng nghị quyết và giám sát hằng năm; đề xuất với cấp ủy các nhiệm vụ, giải pháp, góp phần quyết định vào sự phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh trong nhiệm kỳ và nhiều năm tiếp theo, khẳng định rõ nét hơn vị trí, vai trò của Hội đồng nhân dân trong thực tiễn.

Trên cơ sở hai mục tiêu tổng quát, ba phương hướng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân được xác định, bao gồm: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, góp phần hoàn thiện thể chế cho sự phát triển của địa phương; đổi mới về chương trình xây dựng Nghị quyết; đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động.

Trên cơ sở Báo cáo tổng kết, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá những thuận lợi, ưu điểm, kết quả nổi bật, những kinh nghiệm quý trong lĩnh vực hoạt động.

Đặc biệt là tính chủ động trong việc xây dựng Nghị quyết hằng năm và cho cả nhiệm kỳ, chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp các tỉnh, thành phố và công tác đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân, cũng như thẳng thắn nêu ra những hạn chế, yếu kém trong quá trình hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các quy định và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra; mạnh dạn thẳng thắn, trao đổi góp ý để góp phần phát huy hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Hội đồng nhân dân, đồng thời góp phần tăng cường sự chỉ đạo, trách nhiệm hướng dẫn, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như sự gắn kết giữa các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Hội đồng nhân dân các cấp, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp trong hệ thống cơ quan dân cử, đáp ứng ngày càng cao sự kỳ vọng, tin tưởng, gửi gắm ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài đối với Quốc hội, của cử tri và nhân dân ở các địa phương đối với Hội đồng nhân dân.

Tại hội nghị, Thường trực Hội đồng nhân dân một số địa phương phát biểu tham luận về kết quả hoạt động nổi bật, kinh nghiệm trong quá trình tổ chức hoạt động công tác Hội đồng nhân dân năm 2021, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp năm 2022.../.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=666
Quay lên trên