Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Hội nghị thượng đỉnh các nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 13

Cập nhật: 18-08-2020 | 07:05:32

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Hội nghị Nữ Chủ tịch Quốc hội lần thứ 13.

Tối 17-8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Trưởng đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta tham dự phiên khai mạc trực tuyến Hội nghị thượng đỉnh các nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 13.

Hội nghị do Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) phối hợp Quốc hội Cộng hòa Áo và Liên hợp quốc tổ chức.

Kêu gọi có nhiều biện pháp xóa bỏ bất bình đẳng

Đại biểu các nhà lãnh đạo nữ Quốc hội nghị viện các nước, các tổ chức quốc tế, khu vực đã nghe nội dung phát biểu khai mạc và chào mừng của bà Andrea Eder-Gitschthalar, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Áo; bà Doris Bures, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Áo; bà Gabriela Cuevas Barron, Chủ tịch IPU; phát biểu đề dẫn của bà Phumzile Mlambo-Ngcuka, Giám đốc Điều hành Quỹ phát triển Phụ nữ của Liên hợp quốc.

Phát biểu tại phiên khai mạc, bà Andrea Eder-Gitschthalar, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Áo; bà Doris Bures, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Áo; bà Gabriela Cuevas Barron, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới; bà Phumzile Mlambo-Ngcuka, Giám đốc Điều Hành Quỹ phát triển Phụ nữ của Liên hợp quốc nhấn mạnh, năm 2020 đánh dấu 25 thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh. 

Các đại biểu Quốc hội, các nghị sĩ đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và xóa bỏ sự phân biệt đối xử trong lĩnh vực kinh tế, tài chính của phụ nữ và tạo ra một chương trình hành động xã hội và kinh tế của phụ nữ, đấu tranh chống lại bất bình đẳng cũng như trong việc đối phó với các tình huống khẩn cấp và hậu quả.

Các phát biểu nhấn mạnh, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Tuyên bố Bắc Kinh đã đưa ra một chương trình để tạo ra sự độc lập về kinh tế của phụ nữ. Đây là nền tảng để tạo điều kiện cho việc trao quyền năng về kinh tế cho phụ nữ tiếp cận thị trường và xóa bỏ phân biệt đối xử tại công sở, cũng như việc tạo điều kiện cho việc điều hòa giữa công việc và đời sống gia đình.

Các nhà lãnh đạo quốc tế nhận định, đại dịch Covid-19 đã cho thấy, phụ nữ và nam giới đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng theo các cách khác nhau, tuy nhiên phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề hơn nam giới. Cho rằng phụ nữ cần phải đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý khủng hoảng một cách bền vững và đóng góp vào cấu trúc an ninh và chính sách về y tế, khí hậu, các đại biểu nhấn mạnh, các nghị sĩ nữ cần có những đóng góp chủ động để thúc đẩy các nội dung này.

Đại dịch Covid-19 tạo nhiều thách thức, nhưng cũng là cơ hội để nhìn lại công tác thúc đẩy bình đẳng giới.

Trên tinh thần này, các đại biểu cho rằng, cần cam kết hơn nữa để có những biện pháp mạnh, có những biện pháp xóa bỏ bất bình đẳng, sự phân biệt; có những văn bản luật, văn bản dưới luật để triển khai thực hiện; các đại biểu Quốc hội/nghị sĩ, nữ Chủ tịch Quốc hội tại diễn đàn bàn biện pháp xóa bỏ, hỗ trợ phụ nữ tham gia vào chính quyền, giới thiệu phụ nữ có tiềm năng tham gia vào hoạt động chính trị; kêu gọi các lãnh đạo Quốc hội nữ cần đặt tỷ lệ nữ chiếm 50/50 trong Quốc hội, bảo đảm 50% trên thế giới.

Các phát biểu kêu gọi các Chủ tịch Quốc hội nữ có những biện pháp mạnh hơn nữa liên quan bình đẳng giới, liên quan thu nhập, tiền lương đối với phụ nữ; cần có những chương trình đầu tư tài chính; đáp ứng những nhu cầu phụ nữ và trẻ em gái… 

Lãnh đạo IPU cũng nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 tạo ra nhiều thách thức nhưng cũng có những cơ hội thúc đẩy thêm về bình đẳng giới và cần phải có những chính sách về giới, quy trình mang tính cấp thiết, có những biện pháp hiện thực hóa những cam kết. 

“Hội nghị này, với tinh thần đó, cần cam kết cao hơn để có biện pháp mạnh hơn để xóa bỏ tất cả sự bất bình đẳng phân biệt, cần phải có những luật và văn bản dưới luật để triển khai thực hiện”.

Bà Chủ tịch IPU cũng cho rằng, trước những sự phân biệt, khoảng cách đối với phụ nữ thì cần phải có những luật bảo đảm thu nhập bình đẳng giữa phụ nữ và đàn ông, mở ra nhiều cơ hội để có bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực với phụ nữ, và không chấp nhận những hủ tục với phụ nữ. Những biện pháp này cần được triển khai ở cả lập pháp, hành pháp và tư pháp…

Nâng cao năng lực ứng phó với đại dịch

Tiếp nối thảo luận trực tuyến về Chuyên đề 1: “Nâng cao năng lực quản lý khủng hoảng lên tầm cao mới”, với sự điều hành của bà Fawzia Zainal, Chủ tịch Hội đồng đại biểu Bahrain, thay mặt cho Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi tới toàn thể các đại biểu tham dự trực tuyến Phiên họp lần thứ 13 Hội nghị thượng đỉnh các nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lời chào trân trọng; chúc Phiên họp đạt nhiều kết quả tốt đẹp.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam luôn thúc đẩy các ưu tiên về chương trình nghị sự và các sáng kiến của Việt Nam liên quan tới phụ nữ và trẻ em gái đặc biệt là trong tình hình khủng hoảng y tế toàn cầu cùng với hậu quả của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Chủ tịch Quốc hội thông báo, sáng nay, 17-8, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Việt Nam đã có phiên họp giải trình về an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã tổ chức thành công Phiên họp đặc biệt cấp cao ASEAN về Tăng quyền cho phụ nữ trong thời đại số với chủ đề "Hành động mạnh mẽ hơn vì sự tham gia của phụ nữ với vai trò lãnh đạo chính trị trong một thế giới biến động và bất ổn" trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 36. Việc tổ chức Phiên họp cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam ở cấp cao của ASEAN trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước Việt Nam. Quốc hội Việt Nam đã thông qua nhiều văn bản luật nhằm bảo vệ và thúc đẩy trao quyền của phụ nữ, khuyến khích để phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội; đồng thời luôn quan tâm giám sát việc thực thi pháp luật và triển khai các chính sách của Chính phủ trong lĩnh vực quan trọng này và đã đạt được những kết quả rất tốt đẹp.

Trước tình hình khó khăn do đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh tế, xã hội của hầu hết các quốc gia, với sự nhay cảm, lòng nhân ái và bao dung, phụ nữ ở khắp nơi trên thế giới đã nhanh chóng tham gia tuyến đầu trong công tác phòng chống và đấu tranh đẩy lùi và giảm thiểu tác hại của dịch bệnh.
“Phụ nữ có các kỹ năng riêng để ứng phó khi hoàn cảnh chung quanh thay đổi bằng cách thực hiện những sáng kiến và các giải pháp thích nghi khác nhau mà họ tích lũy được từ cuộc sống và công việc hàng ngày của mình”.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, bên cạnh những kết quả đáng mừng, việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ nhất là trao quyền phụ nữ tham gia quản lý khủng hoảng cùng còn những bất cập. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đưa ra một số đề xuất.

Cụ thể, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cần hoàn thiện khuôn khổ chính sách pháp luật thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền phụ nữ, bảo vệ lợi ích chính đáng của phụ nữ trong xã hội, nhất là trong tình hình khủng hoảng y tế toàn cầu, thiên tai trong xã hội.

Cùng với đó, cần quan tâm và tăng cường nguồn lực nhằm thực hiện bình đẳng giới trong xã hội, đặc biệt các hoạt động nâng cao nhận thức, xóa bỏ định kiến đối với phụ nữ, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong việc xây dựng và hoạch định chính sách, nâng cao năng lực lên tầm cao mới…
Cũng trong tối 17- 8 theo giờ Hà Nội, với sự điều hành của bà Rebecca Alitwa Kadaga, Chủ tịch Quốc hội Uganda, các đại biểu tiếp tục thảo luận trực tuyến chuyên đề 2 về “Đẩy mạnh trao quyền kinh tế và tài chính cho phụ nữ”.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ ngày 17 đến 18- 8 với Chủ đề “Sự lãnh đạo của phụ nữ tại Quốc hội trong thời Covid-19 và sự phục hồi sau đại dịch”. Hội nghị diễn ra trước Hội nghị Thượng đỉnh các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5. 
Những kết quả của Hội nghị nữ Chủ tịch Quốc hội lần thứ 13 sẽ được đưa vào nội dung nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh các Chủ tịch Quốc hội thế giới về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.
Trên cơ sở chủ đề chung, các phiên thảo luận trực tuyến sẽ được chia thành ba phần: Nâng cao năng lực quản lý các trường hợp khẩn cấp lên tầm cao mới; Đẩy mạnh trao quyền kinh tế, tài chính cho phụ nữ và Chấm dứt nạn bạo lực đối với phụ nữ trong Quốc hội và trong mọi hoạt động xã hội. Các nữ Chủ tịch Quốc hội được mời phát biểu trực tuyến, tối đa 4 phút tại một trong ba phần thảo luận nói trên (tùy theo đăng ký của mỗi nước).

Theo NDĐT

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=431
Quay lên trên