Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ngành giao thông sử dụng vốn đầu tư hiệu quả

Cập nhật: 04-06-2018 | 19:10:50

 

Trạm thu phí BOT Nam Bình Định. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Chiều 4/6, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trả lời làm rõ thêm một số nội dung đại biểu và cử tri quan tâm liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải.

Thanh tra, kiểm tra tất cả các công trình đầu tư xây dựng

Trước ý kiến đại biểu Trương Trọng Nghĩa về tình trạng nhiều công trình xây dựng được chỉ định thầu cho một số doanh nghiệp, gây tình trạng lãng phí, thất thoát, kéo dài thời gian thi công, gây bức xúc trong dư luận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải thanh tra, kiểm tra tất cả các công trình đầu tư xây dựng, xem việc chỉ định thầu có đúng quy định của pháp luật không, việc đầu tư xây dựng các công trình đó có thực hiện đúng quy trình của pháp luật đầu tư xây dựng, xem xét có việc thông đồng giữa nhà thầu, nhà tư vấn, thẩm định, thiết kế với các cán bộ của cơ quan nhà nước để tăng khống khối lượng, tăng tổng đầu tư gây thất thoát vốn cho nhà nước. Tất cả những vấn đề sai phạm sẽ được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Theo Phó Thủ tướng, việc huy động các nguồn lực để đầu tư các công trình hạ tầng nói chung, đặc biệt là hạ tầng giao thông bằng hình thức BOT, là chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước, nhằm huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, do nhu cầu vốn đầu tư lớn nhưng khả năng đáp ứng của ngân sách còn hạn hẹp. Thời gian qua, cùng với các nguồn vốn đầu tư của nhà nước, việc thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội vào lĩnh vực hạ tầng giao thông đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần làm thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông của đất nước, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng bên cạnh những dự án đầu tư theo hình thức BOT phát huy hiệu quả tốt, không ít dự án đã bộc lộ nhiều hạn chế về chất lượng đầu tư còn thấp, mức phí cao, thời gian thu phí dài, vị trí đặt trạm thu phí chưa hợp lý, gây bức xúc trong dư luận. Nhiều nơi có sự phản ứng mạnh mẽ của người dân.

Trước tình hình trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để lập lại trật tự kỷ cương trong đầu tư xây dựng nói chung, đặc biệt là xây dựng hạ tầng giao thông bằng hình thức BOT như yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải rà soát lại tất cả các dự án BOT để xác định đúng tổng mức đầu tư, kiểm soát chất lượng công trình, từ đó xác định chi phí và thời gian thu phí hợp lý, khắc phục bất cập về vị trí trạm thu phí nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư, đặc biệt là lợi ích của người dân sử dụng dịch vụ đường bộ.

Nói về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Thủ tướng yêu cầu trước hết hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng nói chung, đặc biệt là đầu tư xây dựng theo hình thức hợp tác công tư, nhằm huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đảm bảo công khai, minh bạch, khắc phục các kẽ hở làm thất thoát vốn và tài sản của nhà nước như sửa đổi Nghị định 15/2015/NĐ-CP đầu tư theo hình thức đối tác công tư, Nghị định 30/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư, nghiên cứu soạn thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trình Quốc hội thông qua. Đồng thời, tiếp tục rà soát các dự án BOT và xử lý, khắc phục các tồn tại, xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quy định pháp luật.

Theo Phó Thủ tướng, trên cơ sở Quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông của từng giai đoạn, tiến hành xây dựng Kế hoạch đầu tư và cân đối nguồn lực cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải. Trong đó, xác định rõ các tuyến đường, các công trình đầu tư bằng hình thức BOT, công bố công khai để các nhà đầu tư và người dân biết để đăng ký, giám sát trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng. Chỉ đầu tư BOT trên các tuyến mới, không đầu tư trên các tuyến độc đạo, đảm bảo người dân có sự lựa chọn trong việc sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng đối với các dự án BOT từ khâu quy hoạch, kế hoạch, lập, thẩm định phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, tổng mức đầu tư, dự toán công trình, đến quá trình thi công, nghiệm thu, bàn giao, đưa công trình vào khai thác, vận hành, sử dụng đảm bảo giảm giá phí, thời gian thu phí…

Thực hiện lựa chọn nhà đầu tư bằng hình thức đấu thầu, đảm bảo tính công khai, minh bạch, cạnh tranh. Trước hết, tất cả các đoạn tuyến cao tốc Bắc-Nam đều phải đấu thầu. Xử lý nghiêm mọi vi phạm trong quá trình đầu tư xây dựng các công trình BOT theo đúng quy định của pháp luật, Phó Thủ tướng cho hay.

Để khắc phục tình trạng bất cập của các dự án đầu tư theo hình thức xây dựng-chuyển giao (BT), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát tất cả các dự án BT đang triển khai. Xem xét việc quản lý, thực hiện đầu tư các dự án BT trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật (như xác định giá trị quyền sử dụng đất giao cho nhà đầu tư tại thời điểm giao đất, giá trị công trình BT). Nếu phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, hoàn thiện pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, trong đó có các quy định về đầu tư bằng hình thức BT theo hướng kiểm soát chặt chẽ quá trình đầu tư xây dựng, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư (thông qua đấu thầu); đảm bảo xác định đúng giá trị tài sản, giá trị quyền sử dụng đất, chống thất thoát vốn và tài sản của nhà nước. Có cơ chế khuyến khích các địa phương chủ động bố trí nguồn vốn để giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch tại các dự án đô thị để đấu giá, tạo nguồn vốn đầu tư trực tiếp các công trình hạ tầng thay vì phải đầu tư theo hình thức BT.

Hoàn hiện pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư

Phát biểu kết thúc phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Giao thông Vận tải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, cụ thể, ngắn gọn theo tinh thần đổi mới trong hoạt động chất vấn của Quốc hội, phản ánh được những ý kiến, trăn trở, bức xúc của người dân.

Lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn trước Quốc hội, mặc dù mới đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng nhưng với kinh nghiệm đã từng công tác trong ngành giao thông vận tải, với những kết quả, biện pháp chỉ đạo, điều hành thời gian qua, Bộ trưởng đã cơ bản bao quát được vấn đề, nắm chắc được tình hình, thực trạng, trả lời làm rõ hầu hết các vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu, thẳng thắn nhận trách nhiệm với những tồn tại, hạn chế, tuy nhiên cũng còn một số nội dung đại biểu chưa hài lòng, nên đã tranh luận để tiếp tục làm rõ.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến nhiệm vụ, lĩnh vực đã được chất vấn. Rà soát, đánh giá toàn bộ thực trạng hệ thống kết cấu giao thông, quy hoạch giao thông, trong đó chú trọng hệ thống đường sắt quốc gia; khẩn trương nghiên cứu các phương án khả thi đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam để báo cáo Quốc hội cho ý kiến vào năm 2019.

“Cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước; trong đó tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình lớn, quan trọng, thiết yếu, nhất là tại các khu vực có tiềm năng phát triển và giải quyết các ách tắc, quá tải. Bảo đảm kết nối thông suốt giữa các trung tâm kinh tế lớn, các đầu mối giao thông cửa ngõ, các tuyến có nhu cầu vận tải lớn. Quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông tại các vùng khó khăn. Có giải pháp thu hút mạnh các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm lợi ích thỏa đáng của nhà nước, nhà đầu tư, nhân dân," Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, bảo đảm chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống nhân dân; dứt điểm hoàn thành một số dự án giao thông lớn, dự án đã chậm tiến độ; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc kéo dài tiến độ, tăng vốn dự án. Sử dụng có hiệu quả, đúng pháp luật vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ trung hạn đã bố trí cho ngành giao thông. Có phương án đầu tư phát triển ngành đường sắt cân đối với các loại hình vận tải khác để giảm tải cho vận tải đường bộ; ưu tiên các tuyến kết nối các vùng, để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách.

Thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp, giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tăng cường tuần tra, kiểm soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông; xử lý nghiêm minh các trường hợp tiêu cực, thiếu trách nhiệm để xảy ra vi phạm; làm tốt công tác đăng ký, đăng kiểm, đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ triển khai hiệu quả Nghị quyết số 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông BOT; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đặt trong tổng thể hoàn hiện pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ để huy động vốn, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông./.  

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=239
Quay lên trên