Những ngày cuối năm, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang tích cực chăm sóc đàn gia súc, gia cầm để phục vụ nhu cầu thị trường Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ổn định nên hoạt động chăn nuôi phát triển tốt. Dự kiến, nguồn cung thực phẩm tươi sống trên địa bàn tỉnh trong dịp tết sắp tới sẽ dồi dào và bảo đảm chất lượng.
Các gia đình chăn nuôi trong tỉnh đang tích cực chăm sóc đàn gia súc, gia cầm chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới. Trong ảnh: Trang trại chăn nuôi gia cầm của ông Nguyễn Quang Minh, huyện Dầu Tiếng. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Nguồn cung dồi dào
Lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có đàn bò thịt hơn 12.080 con, đàn heo hơn 140.000 con và đàn gia cầm hơn 6,5 triệu con. Dịp cao điểm này các chủ chăn nuôi đang nỗ lực để có đủ nguồn thực phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Quy mô chăn nuôi ở các địa phương trong tỉnh cũng từng bước được nâng cao nhờ những mô hình nông nghiệp kỹ thuật cao, ứng dụng mô hình chuồng trại kín, trại lạnh trong chăn nuôi heo và gà.
Tại trang trại của ông Nguyễn Quang Minh ở xã An Lập, huyện Dầu Tiếng hiện đang nuôi gà trại lạnh với quy mô 64.000 con để chuẩn bị xuất bán cho dịp tết và sau Tết Nguyên đán sắp tới. Ông Minh cho biết, mô hình nuôi gà của gia đình được áp dụng theo hình thức nuôi gà trại lạnh gia công, mỗi trại gà được xây dựng kiên cố bằng khung thép, bê tông; cửa ra vào nhà lạnh có các thiết bị cảm ứng tự động điều chỉnh nhiệt độ và bảo đảm luôn duy trì nhiệt độ khoảng 22 - 240C. Chính vì thế đã tạo được môi trường chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh do chuồng trại được cách ly tốt với môi trường tự nhiên bên ngoài. Bên cạnh đó, nhờ đầu tư chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật nên hầu như lứa gà nào cũng đạt và vượt chỉ tiêu tăng trọng bình quân. Giá gà thịt những tháng gần đây ổn định nên ông hy vọng dịp tết sắp tới nguồn thu từ gà sẽ cao hơn cùng kỳ các năm trước.
Hướng đến nguồn thực phẩm an toàn
Theo các hộ chăn nuôi, công việc được ưu tiên nhất hiện nay là bảo đảm khẩu phần dinh dưỡng phù hợp cho mỗi đàn, đồng thời theo dõi sát tình hình dịch bệnh để kịp thời phòng, chống, chữa trị, không để dịch bệnh làm ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng và chất lượng thịt khi xuất chuồng. Tại những trang trại chăn nuôi, mỗi khu chuồng trại đều có hố sát trùng để người và phương tiện qua lại bảo đảm an toàn dịch bệnh; vôi bột được rắc xung quanh khu vực chăn nuôi và hạn chế khách tham quan vào chuồng trại..., nhờ đó chất lượng vật nuôi thương phẩm khi xuất chuồng sẽ được nâng lên.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cũng đang thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với gia súc và gia cầm giai đoạn 2015- 2020” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với mục tiêu xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với cúm gia cầm. Riêng tại huyện Bắc Tân Uyên, hiện nay có 25 trang trại chăn nuôi gà, trong đó có 19 trang trại ứng dụng công nghệ cao, nuôi gà trại lạnh với tổng đàn đạt 1,26 triệu con, cũng đang xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh gia cầm. Với mục tiêu đáp ứng các yêu cầu về an toàn dịch bệnh để bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Hiện tại, Chi cục Thú y tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chấp hành nghiêm các quy định chăn nuôi an toàn, chủ động các biện pháp phòng chống, ngăn chặn có hiệu quả sự phát sinh và lây lan dịch bệnh trong thời điểm cuối năm. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan duy trì hoạt động kiểm soát thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc và không để thực phẩm giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường; kiểm tra giám sát, bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, nhất là trong dịp tết sắp tới.
QUỲNH NHIÊN