Tại phiên họp lần thứ 12 của Ủy ban Bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực hệ thống sông Đồng Nai vừa qua, lãnh đạo các địa phương lưu vực sông Đồng Nai đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc quản lý, BVMT và chia sẻ nguồn nước mặt sông Đồng Nai.
Thời gian qua, các địa phương đã có nhiều nỗ lực BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Trong ảnh: Sông Đồng Nai đoạn chảy qua phường Thái Hòa,TX.Tân Uyên. Ảnh: QUỲNH NHIÊN
Giải quyết tốt những vấn đề chính
Tại phiên họp, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã thống nhất những vấn đề chính trong đánh giá việc triển khai Đề án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai năm 2018, kế hoạch triển khai năm 2019 và giai đoạn 2019-2020. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương tập trung vào những vấn đề như kiểm soát chất lượng nước thải từ hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, dân sinh và nuôi trồng thủy sản; tiếp tục thống kê, cập nhật nguồn thải có lưu lượng xả thải từ 200m3/ngày trở lên trên phạm vi toàn bộ lưu vực sông nhằm đánh giá toàn diện mức độ tiếp nhận chất thải của hệ thống lưu vực sông Đồng Nai…
Qua phiên thảo luận về các chuyên đề “Cơ chế phối hợp giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường nước ở các điểm nóng liên tỉnh, các khu vực giáp ranh”, “Vai trò của hệ thống quan trắc tự động và công tác giám sát môi trường trên lưu vực sông Đồng Nai”, các đại biểu đã đúc kết kinh nghiệm trong công tác phối hợp giải quyết những vấn đề nóng mang tính liên vùng, liên tỉnh, thống nhất phương pháp trao đổi thông tin, phối hợp kiểm soát tốt những khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường… Từ đó, các bộ, ngành, địa phương thấy được vai trò của việc ứng dụng hệ thống quan trắc tự động để giám sát hữu hiệu các thành phần môi trường, kịp thời đánh giá, nhận định những diễn biến phức tạp, khó lường của ô nhiễm môi trường để đề xuất giải pháp thích ứng phù hợp, hạn chế tác hại đến các đối tượng, khu vực dễ tổn thương…
Theo kế hoạch, năm 2019, căn cứ mục tiêu của Đề án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020 tại Quyết định số 187/2007/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh, thành phố thuộc Ủy ban BVMT lưu vực sông Đồng Nai sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch triển khai đề án cho giai đoạn đến năm 2020 và từng năm. Đồng thời, các địa phương tiếp tục rà soát, ban hành mới hoặc bổ sung kế hoạch triển khai đề án trên địa bàn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch...
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, với sự quyết tâm cao của chính quyền 11 tỉnh, thành phốthuộc lưu vực sông Đồng Nai, cùng sự quyết tâm của các bộ, ngành vàỦy ban BVMT sông Đồng Nai, các mục tiêu của đề án tổng thể BVMT lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2020 sẽ sớm trở thành hiện thực.
Cách làm hiệu quả của Bình Dương
Hiện nay, toàn tỉnh Bình Dương có 213 công ty có lượng thải trên 200m3/ngày - đêm trên lưu vực sông Đồng Nai. Tại phiên họp, đại diện các bộ, ngành và địa phương đã đánh giá cao kết quả do hệ thống quan trắc tự động tại tỉnh Bình Dương mang lại.
Ông Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết đến nay toàn tỉnh có 88 nguồn thải đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, hệ thống camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động; có 5 doanh nghiệp đã lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động. Thời gian qua, hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động cùng hệ thống camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động đã hỗ trợ rất nhiều cho công tác kiểm soát ô nhiễm nói riêng và công tác quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh nói chung.
Cụ thể, hệ thống quan trắc nước thải tự động, hệ thống camera quan sát và thiết bị lấy mẫu tự động giúp cho tỉnh giám sát được tình hình vận hành hệ thống xử lý nước thải của 88 chủ nguồn thải, kiểm soát liên tục chất lượng nước thải của hơn 80% tổng lượng nước thải công nghiệp và gần 30% tổng lượng nước thải đô thị trên địa bàn tỉnh. Hệ thống này cũng giúp ngành tài nguyên và môi trường có thể lấy mẫu phân tích nước thải tại những thời điểm các chủ nguồn thải không vận hành hệ thống xử lý hoặc xả lén nước thải ra ngoài môi trường làm cơ sở pháp lý để xử lý các chủ nguồn thải vi phạm BVMT. Thời gian qua, thông qua hệ thống quan trắc tự động đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Điển hình như trong năm 2018, qua hệ thống này đơn vị đã xử lý 13 trường hợp vi phạm với tổng số tiền 14,1 tỷ đồng.
Theo đánh giá, việc lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống quan trắc tự động, camera quan sát và thiết bị lấy mẫu nước thải tự động đã góp phần nâng cao nhận thức về BVMT cho các chủ nguồn thải lớn trên địa bàn tỉnh. Từ khi lắp đặt các thiết bị giám sát, chủ các nguồn thải, nhất là chủ đầu tư các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đã chú trọng hơn trong công tác vận hành hệ thống xử lý nước; tình trạng xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường cơ bản đã được khắc phục. Kết quả quan trắc cho thấy, số nguồn thải thường xuyên xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường trước đây là khoảng 40 - 50% thì hiện nay đạt trên 90%.
Có thể thấy, hệ thống quan trắc nước thải tự động đã đem lại hiệu quả về môi trường cũng như về kinh tế. Hiệu quả về môi trường là góp phần làm giảm thiểu và phòng tránh sự cố môi trường từ các nguồn thải lớn gây ra; còn hiệu quả về kinh tế là giảm chi phí nhân lực cũng như vật lực trong quá trình thanh, kiểm tra. Ngoài ra, số liệu quan trắc được từ hệ thống là nguồn cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ cho công tác nghiên cứu của ngành tài nguyên - môi trường.
TIỂU MY