Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp: Hướng mở nhiều kỳ vọng...

Cập nhật: 12-09-2014 | 09:00:53

Hiện nay, các ngân hàng (NH) trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực kích cầu thị trường thông qua các chương trình ưu đãi lãi suất hướng đến doanh nghiệp (DN), nhất là DN vừa và nhỏ. Tuy vậy, để đưa được đồng vốn ra thị trường là rất khó khăn do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu, các DN còn tồn hàng nhiều nên chưa mặn mà vay vốn. Chương trình kết nối NH - DN được triển khai chính thức tại Bình Dương từ ngày 12-9 là giải pháp cụ thể nhằm giải quyết “điểm nghẽn” giữa NH và DN. Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Bình Dương Nguyễn Phú Cường cho biết:

 Thực hiện chương trình kết nối NH-DN được kỳ vọng đưa vốn ra thị trường mạnh hơn. Trong ảnh: Sản xuất sợi tại Công ty Cổ phần Thiên Nam Ảnh: TRỊNH BÌNH

Chương trình kết nối NH - DN là một sáng kiến hay của TP.HCM. Thời gian qua, mô hình này đã được triển khai tại nhiều địa phương trong cả nước và đã khẳng định tính đúng đắn, thiết thực. Mục tiêu của chương trình này nhằm gắn kết giữa cơ quan quản lý nhà nước, NH và DN dưới hình thức ký kết hỗ trợ vốn vay, trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho DN. Mặt khác, NHNN Chi nhánh Bình Dương cùng với các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị, thành phố tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với DN trên địa bàn thông qua hội nghị, hội thảo hoặc giao ban trực tiếp để thông tin, phổ biến cơ chế, chính sách về tiền tệ, tín dụng và các cơ chế, chính sách, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của NHNN về tiền tệ tín dụng và hoạt động ngân hàng cũng như giải đáp, phản hồi các ý kiến, kiến nghị của DN.

- Việc triển khai chương trình này tại Bình Dương thực hiện ra sao, thưa ông?

- Tại Bình Dương, dù triển khai sau nhưng cách làm của chúng tôi tương đối đồng bộ và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng nhập cuộc. Hôm nay (12-9), chương trình được khởi động đầu tiên tại địa bàn huyện Phú Giáo, sau đó sẽ tiếp tục được nhân rộng ra 8 huyện, thị, thành phố còn lại trên địa bàn tỉnh. Trong chương trình có sự tham gia của cơ quan quản lý, NH thương mại, DN, đặc biệt là sự tham gia của cấp ủy, UBND địa phương sẽ góp phần quan trọng giúp DN nắm rõ hơn các chính sách, gói hỗ trợ của Nhà nước, từ đó có hướng tiếp cận, khắc phục khó khăn, phục hồi và tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh.

- Tham gia chương trình kết nối NH - DN, DN có được hưởng những ưu đãi gì?

- Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam, UBND tỉnh Bình Dương, từ cuối năm 2013 đến nay, NHNN Chi nhánh Bình Dương đã chỉ đạo các NH thương mại trên địa bàn thực hiện nhiều đợt cắt giảm lãi suất. Hiện mức lãi suất vay VND các lĩnh vực áp dụng cho các DN ở mức từ 7 -12%/ năm, tùy theo DN thỏa thuận với NH, năng lực tài chính và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DN. Dự kiến, khi tham gia chương trình này, lãi suất vay cho các DN sẽ được NH xem xét điều chỉnh ở mức hợp lý. NHNN Chi nhánh Bình Dương sẽ tiếp thu ý kiến, kiến nghị của DN để làm sao hỗ trợ tốt nhất cho DN tiếp cận được nguồn vốn vay ngắn, trung, dài hạn với mức lãi suất thấp hơn nữa; đồng thời đề nghị các NH thương mại khai thác tốt hơn nữa tiềm năng các nguồn vốn giá rẻ để cho các DN vay với lãi suất ưu đãi.

- Thưa ông, trong 8 tháng qua, tăng trưởng tín dụng của Bình Dương vẫn khá chậm. Liệu chương trình này có thể tác động đẩy tăng trưởng tín dụng tăng như mục tiêu đề ra từ 12 - 14% trong năm 2014?

- Thời gian gần đây, kinh tế trong nước đã có nhiều khởi sắc nhưng vẫn còn khó khăn như còn nhiều hàng tồn kho, nhiều DN mong đợi sự hỗ trợ từ ngân sách và NH, trong khi lạm phát vẫn còn là mối lo trung hạn. Trong khi đó, khu vực NH đang chịu áp lực tín dụng cẩn trọng để ngăn lạm phát, bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhưng chất lượng cao và phải hạ lãi suất vay, giảm điều kiện tín dụng, cho vay dễ dàng hơn để hỗ trợ DN... Tình hình này khiến dư nợ cho vay 8 tháng đầu năm nay có tốc độ tăng trưởng chưa đạt kỳ vọng, chỉ tăng 6,2% so với đầu năm.

Chương trình kết nối NH - DN trên địa bàn tỉnh là giải pháp tốt để triển khai cơ chế, chính sách của NHNN Việt Nam. Đặc biệt là chính sách tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nói chung và tín dụng đối với 4 nhóm lĩnh vực ưu tiên nói riêng là xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, DN vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ sẽ được triển khai bằng chương trình kết nối NH - DN.

Trong thời gian tới, NHNN Chi nhánh Bình Dương sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể, hiệp hội ngành hàng và UBND các huyện, thị, thành phố, các tổ chức tín dụng trên địa bàn khảo sát nắm bắt tình hình thực tế tại DN. Đồng thời, các NH thương mại sẽ chủ động tìm kiếm khách hàng, xem xét cho vay và lập danh sách khách hàng vay tham gia chương trình kết nối. Mặt khác, các NH thương mại chủ động tiếp cận DN, có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, hiệu quả để đáp ứng nhu cầu vốn và dịch vụ NH nhanh chóng, thúc đẩy DN phát triển.

Với những giải pháp này, chúng tôi kỳ vọng DN sẽ tiếp thêm nhiều nguồn vốn giá rẻ, lượng khách hàng vay vốn, từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng dư nợ tín dụng như mục tiêu đề ra 12 - 14% trong năm nay.

 

 THANH HỒNG

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=788
Quay lên trên