Nhân chuyến tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU tại Brussels, Vương quốc Bỉ, chiều 14-12 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen
Chuyến thăm chính thức Đại công quốc Luxembourg, Vương quốc Hà Lan, Vương quốc Bỉ và tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từ ngày 9-15/12/2022 đã thành công tốt đẹp.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả chuyến thăm, trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng.
- Xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa và kết quả nổi bật của chuyến thăm chính thức Đại công quốc Luxembourg, Vương quốc Hà Lan và Vương quốc Bỉ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính?
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Chuyến thăm chính thức Đại công quốc Luxembourg, Vương quốc Hà Lan và Vương quốc Bỉ từ ngày 9-15/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công rất tốt đẹp.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa ta với ba nước ngày càng phát triển; Việt Nam và ba nước sẽ kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao vào năm 2023. Đây là chuyến thăm Luxembourg đầu tiên của lãnh đạo cấp cao ta sau 20 năm và trao đổi đoàn cấp cao đầu tiên giữa ta với Hà Lan trong ba năm qua.
Các nước đều là đối tác hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu về thương mại, đầu tư; có nhiều thế mạnh phù hợp mục tiêu an ninh, phát triển của ta về ứng phó với biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, công nghệ cao…
Các nước coi trọng vị thế, vai trò của Việt Nam ở khu vực, đã có các khuôn khổ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược về biến đổi khí hậu và nông nghiệp bền vững với ta, quyết tâm cùng ta đẩy mạnh toàn diện quan hệ hợp tác nhân dịp chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ.
Ba nước tổ chức đón tiếp Thủ tướng Chính phủ và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam với nghi lễ trang trọng. Thủ tướng ta đã gặp gỡ, trao đổi với hầu hết lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, Quốc hội và Hoàng gia, cho thấy các nước đánh giá cao chuyến thăm và coi trọng quan hệ với Việt Nam.
Lãnh đạo cấp cao các nước đều bày tỏ ấn tượng về thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, đánh giá cao vị thế quốc tế ngày càng cao của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Các nước khẳng định mong muốn cùng ta đưa quan hệ hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, phát triển kinh tế bền vững sau đại dịch, xử lý hiệu quả các vấn đề quốc tế và cùng ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Các nước đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển năng động nhất, nhiều tiềm năng nhất trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn.
Cộng đồng doanh nghiệp của cả ba nước rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Lãnh đạo các nước ủng hộ việc triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), và bày tỏ mong muốn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVPIA) sớm được phê chuẩn để thúc đẩy hơn nữa đầu tư của châu Âu vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực mới, công nghệ cao, chiến lược.
Ta đã tranh thủ thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực ba nước có thế mạnh nhằm phục vụ các mục tiêu an ninh-phát triển của ta.
Với Luxembourg, đó là việc kết nối tiếp cận nguồn vốn đầu tư và tài chính với điều kiện ưu đãi, nhất là tài chính xanh, thông qua việc sớm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược về tài chính xanh.
Với Hà Lan và Bỉ là đẩy mạnh hợp tác về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, thành lập các trung tâm công nghệ cao theo mô hình ba bên (Chính phủ, Viện nghiên cứu, doanh nghiệp) như Trung tâm đổi mới sáng tạo Brainport của Hà Lan.
Ngoài ra, ta đã đẩy mạnh kết nối về logistics, thu hút đầu tư chất lượng cao của ba nước vào hạ tầng chiến lược, tăng cường hợp tác chuyên ngành giữa các bộ, ngành địa phương và doanh nghiệp của ta với ba nước về quản lý nước, ứng phó với biến đổi khí hậu...
Trong khuôn khổ chuyến thăm, tại mỗi nước, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì diễn đàn doanh nghiệp, gặp và làm việc với lãnh đạo các vùng cùng 20 tập đoàn, doanh nghiệp lớn; đã có 30 thỏa thuận hợp tác giữa các bộ ngành, địa phương, viện nghiên cứu và giữa các doanh nghiệp được ký kết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và ông Jan Jambon, Bộ trưởng-Thủ hiến vùng Flanders chứng kiến lễ ký kết ý định thư hợp tác giữa Vinfast (Việt Nam) và Facil (Bỉ).
Ta và các nước nhất trí phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế như khuôn khổ hợp tác ASEAN-EU, ASEM, Liên hợp quốc, nhất là khi Việt Nam và cả ba nước Luxembourg, Bỉ, Hà Lan đều là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc để đóng góp cho hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.
Về Biển Đông, lãnh đạo các nước khẳng định ủng hộ việc đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trong khu vực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982; ủng hộ tiến trình đàm phán COC công bằng, thực chất, hiệu quả giữa ASEAN và Trung Quốc.
Các nước cam kết ủng hộ ta về tài chính, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế để cắt giảm khí thải, chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững.
Có thể nói chuyến thăm chính thức ba nước của Thủ tướng Chính phủ đã thành công về mọi mặt, là dấu mốc quan trọng trong quan hệ của Việt Nam với ba nước, gia tăng sự tin cậy chính trị, đẩy mạnh toàn diện quan hệ hợp tác trong giai đoạn phát triển mới ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, phục vụ các lợi ích an ninh-phát triển của ta và đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
- Xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa và kết quả Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN-EU cũng như sự tham gia và đóng góp của Việt Nam?
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm có ý nghĩa đặc biệt. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo ASEAN gặp gỡ với đầy đủ lãnh đạo các nước thành viên EU, cho thấy hai bên đều hết sức coi trọng, cam kết mạnh mẽ thúc đẩy mối quan hệ đối tác này; là cơ hội tốt để các lãnh đạo hai bên đề ra những định hướng quan trọng nhằm phát triển mạnh mẽ hơn nữa quan hệ ASEAN-EU thời gian tới.
Kết quả nổi bật là Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung, nhấn mạnh:
- ASEAN và EU đều coi trọng vai trò và vị trí của nhau, cam kết tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược trên cơ sở đề cao luật pháp quốc tế, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi.
- Hai bên đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, ổn định chuỗi cung ứng, hợp tác an ninh biển, kết nối, hỗ trợ nâng cao năng lực y tế, chuyển đổi số, quản lý thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, phát triển xanh và bền vững...
Nhân dịp này, EU công bố đóng góp 10 tỷ euro hỗ trợ triển khai chiến lược Cửa ngõ toàn cầu thông qua các dự án hợp tác, khởi động Sáng kiến Nhóm Châu Âu về kết nối bền vững tại ASEAN, đồng thời triển khai Chương trình Sáng kiến Xanh trị giá 30 triệu euro hỗ trợ hợp tác ASEAN-EU thời gian tới.
- Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác đa phương, chia sẻ các giá trị và lợi ích chung, thúc đẩy luật pháp quốc tế, giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu.
Các nước khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kêu gọi thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC, xây dựng Bộ COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Về sự tham gia và đóng góp của đoàn Việt Nam tại Hội nghị:
Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đã tham gia chủ động, tích cực, đóng góp quan trọng và có trách nhiệm cho thành công chung của Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN-EU, cả trong quá trình chuẩn bị tổ chức, tham gia thảo luận tại Hội nghị cũng như xây dựng văn kiện.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu đề cao ý nghĩa đặc biệt của hội nghị cấp cao kỷ niệm lần này và chia sẻ về một số định hướng:
- Hai bên cần kiên trì với mục tiêu, đổi mới tư duy, hành động kiên quyết, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác cân bằng, bình đẳng, hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn đồng hành với doanh nghiệp EU đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời đề nghị EU khẩn trương gỡ bỏ “thẻ vàng” với thuỷ sản Việt Nam và sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU.
- Nhấn mạnh cách tiếp cận toàn cầu ứng phó các thách thức, Thủ tướng nhắc lại cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững.
Thủ tướng đề nghị EU hỗ trợ tối đa Việt Nam thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Nhóm G7, trông đợi EU chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, công nghệ mới xanh, sạch và rẻ, tham gia sâu rộng hợp tác đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn..., hợp tác với ASEAN phát triển tiểu vùng, trong đó có Mekong
- Trước những biến chuyển của tình hình, Thủ tướng đề nghị ASEAN và EU lấy hoà bình, ổn định là mục đích, coi đối thoại, hợp tác là công cụ trên cơ sở thượng tôn pháp luật. Thủ tướng đề nghị ASEAN, EU và các nước cùng phấn đấu xây dựng Biển Đông thành vùng biển hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.
Theo TTXVN