Chuyện kể ở khu cách ly phòng dịch

Cập nhật: 07-08-2020 | 08:59:26

“Bác sĩ, bác sĩ ơi! có người... cứu, cứu”, 2 giờ khuya, dãy A, tòa nhà ở xã hội Becamex - Mỹ Phước (TX.Bến Cát) vang lên tiếng kêu thất thanh, những cán bộ y, bác sĩ túc trực trong khu cách ly choàng tỉnh, vội vã chạy xuống phòng chức năng mặc đồ bảo hộ, chuẩn bị vật dụng y tế cứu người bị bệnh. Đêm hôm ấy, toàn bộ ca trực làm nhiệm vụ cách ly tập trung công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về nước phải thức trắng đêm…


Các chiến sĩ nhiệt tình khuân vác đồ cho bà con kiều bào ngay khi xuống xe

Dõi theo sức khỏe bà con kiều bào

Sau tiếng kêu trong đêm, dãy phòng y tế của khu cách ly nhà ở xã hội Becamex - Mỹ Phước vội vã tiếng bước chân của đội ngũ y, bác sĩ. Anh Vũ Như Thành mặt mày tái nhợt, thân nhiệt nóng như lửa, bụng đau dữ dội đang vật vã trên chiếc băng ca. Tổ trực y tế nhận bệnh nhân trong tình trạng khẩn cấp. Một số y, bác sĩ trẻ trước đó làm công tác tiếp nhận sắp xếp nơi ăn, nơi nghỉ, điều tra dịch tễ lấy mẫu xét nghiệm 321 công dân Việt Nam từ New Zealand về nước đã thấm mệt, ngủ quên vội choàng tỉnh. Họ chạy vào phòng chức năng mặc đồ bảo hộ rồi kéo thêm chiếc xe đựng vật dụng y tế để cứu người. Đó là ca bệnh đặc biệt và đáng nhớ nhất đối với bác sĩ Lê Thành Trung trong suốt quãng thời gian khoác trên mình chiếc áo blouse trắng.

Bác sĩ Lê Thành Trung, công tác tại Trung tâm Y tế TX.Bến Cát, chia sẻ với chúng tôi về kỷ niệm trong những ngày tình nguyện làm nhiệm vụ ở khu cách ly tập trung 321 công dân Việt Nam từ New Zealand về nước. Bác sĩ Trung cho biết: “Tôi được giao nhiệm vụ quản lý chung khu cách ly nhà ở xã hội Becamex - Mỹ Phước. Đêm hôm ấy, sau khi nghe tiếng kêu, cả ê kíp trực lên dây cót tinh thần, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 là rất cao nhưng tất cả anh em ai nấy cũng nghĩ rằng cứu người là trách nhiệm, y đức của người y, bác sĩ. Xét về mặt chuyên môn bệnh không khó nhưng đây là ca bệnh được ghi nhận trong khu cách ly tập trung nên phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình lây nhiễm. Trong khi đó, những bà con Việt Nam từ New Zealand mới về nước chiều qua vẫn chưa có kết quả xét nghiệm Covid-19 lần 1. Cuộc hội chẩn của ca trực diễn ra chóng vánh gồm tôi, bác sĩ Thơ, bác sĩ Duy, bác sĩ Tài nhưng cần phải có cuộc hội chẩn ngoại viện báo cáo tình hình diễn biến lâm sàng của ca bệnh về Ban giám đốc Trung tâm Y tế TX.Bến Cát. Ngay trong đêm, ca trực tiến hành lấy mẫu máu, làm các xét nghiệm với kết quả bạch cầu tăng cao, nghi bệnh nhân nhiễm trùng, đau ruột thừa. Tuy nhiên, do trang thiết bị y tế trong khu cách ly không cho phép tổ y tế giữ bệnh, chúng tôi xin chỉ đạo chuyển gấp bệnh nhân về cơ sở y tế để tiến hành làm các xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán bệnh. Ngay sau đó, bệnh nhân Vũ Như Thành được chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiến hành phẫu thuật. Đúng như chẩn đoán của ca trực, bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp và được mổ trong đêm…”.


Các chiến sĩ sử dụng dây kéo vận chuyển đồ ăn lên cho bà con kiều bào

“Thế đấy, 14 ngày tình nguyện phục vụ trong khu cách ly, nhiều ca bệnh đã làm y, bác sĩ bối rối”, bác sĩ trẻ Nguyễn Đức Thơ, tổ trưởng tổ y tế khu cách ly tập trung nhà ở xã hội Becamex - Mỹ Phước tiếp lời bác sĩ Lê Thành Trung. Đối với bác sĩ Nguyễn Đức Thơ, kỷ niệm trong khu cách ly là hình ảnh cô gái với khuôn mặt phù nề, sống mũi biến dạng, nước mắt giàn giụa bẽn lẽn bước vào phòng y tế. Cô gái khẩn khoản nói không thành tiếng qua chiếc khẩu trang màu xanh: “Xin cho em ra khu cách ly, cho em về… nếu không cái mũi của em bị hoại tử, biến dạng vì nhiễm trùng sau phẫu thuật thẩm mỹ”. Các y, bác sĩ tổ y tế thay phiên giải thích, thuyết phục cô gái điều trị nội khoa, chống nhiễm trùng tại chỗ nhưng cô vẫn một mực đòi về nhà. Ấy vậy mà sau 5 ngày điều trị, cô gái mừng ra mặt, thầm cảm ơn bác sĩ. Trước khi lên xe về quê, hoàn thành cách ly cô còn len lén đưa cho chúng tôi những tấm thiệp xinh xinh tự tay làm.

Còn đối với anh Nguyễn Ngọc Quý, thành viên tổ phục vụ ăn uống, vệ sinh trong khu cách ly tập trung nhà ở xã hội Becamex - Mỹ Phước nhớ mãi khoảnh khắc lúc nửa đêm anh cùng với 76 y, bác sĩ, chiến sĩ, lực lượng dân quân sẵn sàng vào vị trí túc trực. Sau hơn 3 tiếng vào vị trí, 5 giờ sáng hàng chục xe ô tô nối đuôi nhau tiến vào khu vực cách ly. Bà con kiều bào vẫy tay chào chúng tôi trong niềm vui được trở về quê hương đất Việt. Cảnh sát, lực lượng điều phối, tổ khử khuẩn, tổ tiếp nhận, tổ sàng lọc, bộ phận sắp xếp phòng, hành lý làm việc cật lực. Buổi cơm trưa đầu tiên của cán bộ, nhân viên khu cách ly bắt đầu khi đồng hồ đã điểm sang 14 giờ chiều.

Xúc động những lời cảm ơn chân thành

Những việc làm đầy trách nhiệm xuất phát từ trái tim của cán bộ y bác sĩ, chiến sĩ đã ghi dấu ấn đẹp, tạo niềm tin yêu cho bà con kiều bào trở về quê hương. Trong những lần vào khu cách ly, tôi được chứng kiến cảnh một em bé đang khóc, một phụ nữ khoảng 25 tuổi đang dỗ dành và một chiến sĩ mặc đồ bảo hộ kín mít, tay xách hộp sữa, đang phụ giúp cho bé ăn. Chị Nguyễn Ngọc Tú chia sẻ: “Sau những năm xa quê nơi xứ người, giờ về quê hương nơi chôn rau cắt rốn, người đón mình không phải là người thân mà là những cán bộ, y bác sĩ, chiến sĩ. Những việc làm, lời nói, cử chỉ của các anh khiến cho mẹ con tôi có cảm giác được che chở, bảo vệ. Khi chúng tôi đang ngủ cũng là lúc các anh nơi đây đứng ngoài trời hứng sương, canh gác cho chúng tôi giấc ngủ yên bình. Để có khu nhà vệ sinh sạch đẹp cho chúng tôi sử dụng, các anh không ngần ngại thức dậy làm việc từ lúc 3 giờ sáng gom từng bịch rác, chà rửa từng nhà vệ sinh, cảm động và thương các anh lắm”.

Vào giây phút chia tay hoàn thành cách ly, tôi nghe đâu đó những tiếng khóc sụt sùi. Chị Nguyễn Thị Hồng Hoa xúc động viết trong tâm thư cảm ơn của mình: “Bên cạnh sự an toàn của chúng tôi là sự vất vả, tình cảm thân thương và trách nhiệm của Ban quản lý và cán bộ nhân viên khu cách ly. Ai ai cũng đều cảm nhận được sự vất vả, sự quan tâm chia sẻ của cán bộ, nhân viên khu cách ly qua những lời hỏi thăm ân cần, những cử chỉ tiếp đón thân thiện và những giọt mồ hôi ướt đẫm trán, lưng áo. Dù mệt mỏi qua những chuyến bay dài và trong điều kiện thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhưng với chúng tôi, đó là những giây phút thật sự xúc động khi được Tổ quốc đón chào và quan tâm chăm sóc”.

Hay cô Huỳnh Ngọc Hạnh òa khóc trong niềm vui khi biết tin cô và tất cả 321 công dân Việt Nam từ New Zealand về nước xét nghiệm đều cho kết quả âm tính với Covid-19. Cô vội vàng lấy mẫu giấy trong giỏ, viết nguệch ngoạc: “Ngày mai chúng tôi về với gia đình nhưng những kỷ niệm về các anh, các chị, các em, những người thâu đêm không ngủ để canh gác, lo lắng cho sức khỏe, sinh hoạt của chúng tôi, chắc chắn sẽ không dễ quên được. Những mẩu chuyện về khu cách ly cũng sẽ cùng chúng tôi về với gia đình và bạn bè, để từ đó lan tỏa những điều tốt trong cuộc sống”.

Những ngày tháng 8, tiết trời thay đổi khi nắng, lúc mưa trong khi dịch bệnh Covid-19 đang có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Chúng tôi rảo xe một vòng quanh khu cách ly tập trung nhà ở xã hội Becamex - Mỹ Phước với niềm tin mãnh liệt trong nay mai dịch bệnh Covid-19 sẽ được đẩy lùi. Cụm từ “khu cách ly tập trung” sẽ được dỡ bỏ ở khu nhà ở xã hội Becamex - Mỹ Phước này và thay vào đó là những dãy phòng rực sáng ánh điện của những gia đình người lao động đang góp sức dựng xây quê hương Bình Dương ngày càng văn minh, giàu đẹp.

 KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên