Huyện Bắc Tân Uyên nổi tiếng là vùng chuyên canh cây ăn trái có múi với nhãn hiệu tập thể đã được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận. Nhờ đó, vị thế, giá trị thương hiệu của trái cam, trái bưởi ở Bắc Tân Uyên được nâng cao và đứng vững trên thị trường. Đặc biệt, tại Bắc Tân Uyên, giờ đây nhiều người đều biết đến vườn cam xoàn hữu cơ duy nhất ở huyện của ông Trần Đình Có (tên thường dùng là Tư Có), ở xã Hiếu Liêm thực hiện đạt tiêu chuẩn Organic (Hà Lan).
Làm một mình mà không sợ… cô đơn
Toàn huyện Bắc Tân Uyên đến thời điểm này chỉ duy nhất vườn cam của ông Tư Có được công nhận đạt tiêu chuẩn và bán cho hệ thống “nông nghiệp hữu cơ”. Tiêu chuẩn này khó hơn nhiều lần tiêu chuẩn VietGAP mà huyện đang thực hiện.
Ông Tư Có vừa là Chủ nhiệm Hợp tác xã Nhân Đức, vừa là chủ trang trại cam xoàn hữu cơ. Ông chia sẻ, làm nông nghiệp tiêu chuẩn VietGAP đã khó, làm nông nghiệp hữu cơ còn khó hơn nhiều lần. Giải thích vì sao cả huyện ai cũng làm cây ăn trái có múi theo tiêu chuẩn VietGAP, còn ông lại chọn hướng sản xuất hữu cơ đầy khó khăn như vậy, ông chậm rãi phân tích: Làm nông nghiệp bây giờ phải gắn với nhu cầu thị trường theo hướng “bán cái mà khách hàng cần, chứ không phải bán cái mình có”. Huyện Bắc Tân Uyên là vùng chuyên canh cây ăn trái có múi. Thời gian qua, việc nhiều gia đình nông dân ở đây chọn trồng cây bưởi nhiều hơn, dù năng suất chỉ bằng 1/5 so với cây cam trên cùng một đơn vị diện tích, vì họ sợ điệp khúc “được mùa thì dội chợ” như nhiều nơi đang mắc phải.
Ông Tư Có bên trang trại cam xoàn hữu cơ của mình. Ảnh: DUY CHÍ
Dù vậy, ông lại “đi ngược”, chọn cây cam để trồng. Rồi sau đó, ông chọn hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, không giống như nhiều gia đình khác trong huyện. “Kết hợp cả hai lý do này sẽ thấy, cái mà người ta không chọn, đường mà không ai đi chính là khoảng trống của thị trường. Khoảng trống đó rõ ràng là cái mà khách hàng cần trong kinh tế thị trường. Chính vì vậy, tôi quyết định làm một mình mà không sợ cô đơn”, ông Tư Có tâm tình.
Giảm 60% chi phí, giá trị tăng mạnh
Đồng Tháp, Tiền Giang và các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long là lãnh địa của cây cam xoàn, nhưng lão nông Tư Có lại đi ngược lên Gia Lai, Đắc Lắc tìm chọn giống. Bởi ông cho rằng đất ở đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế đặc hữu về cây ăn trái, nhiều nhà vườn đã lạm dụng thuốc hóa học để phun xịt khiến cây giống bị thoái hóa nhanh, cộng với tình hình biến đổi khí hậu thất thường, điều kiện thoát nước kém, mực nước dâng khiến bộ rễ của cây bị ảnh hưởng. Trong khi đó, vùng Đông Nam bộ nói chung, huyện Bắc Tân Uyên nói riêng có điều kiện khí hậu, đất đai rất tốt; vườn cam của ông được ứng dụng công nghệ cao, máy móc hỗ trợ đắc lực nên được các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài quan tâm hỗ trợ.
Sau nhiều lần trao đổi, làm việc về chương trình nông nghiệp hữu cơ, đến năm 2014 ông Tư Có bắt tay vào thực hiện quy trình trồng cam hữu cơ Organic tiêu chuẩn Hà Lan. Rất tự tin về khả năng chịu đựng trước “độ khó” do tổ chức Organic đưa ra, tuy vậy ông Tư Có chỉ trồng hết 1/2 diện tích hữu cơ, tương đương 20 ha và kêu gọi xã viên tham gia thêm 11 ha nữa theo phương châm “không dồn hết trứng vào một giỏ”; 1/2 diện tích còn lại gia đình tiếp tục trồng cam, bưởi tiêu chuẩn VietGAP để “lấy ngắn nuôi dài”.
4 năm sau (năm 2018), vườn cam 20 ha sản xuất hữu cơ của ông cho thu hoạch 200 tấn trái, giá bán trung bình 40.000 đồng/kg. Năm 2019, sản lượng vườn cam của ông tăng lên 300 tấn nhưng vẫn không đủ hàng cung cấp cho hệ thống; 1/2 diện tích còn lại ông vừa cho thuê chăn nuôi gà kỹ thuật cao thu trên 250 triệu đồng/tháng vừa duy trì vườn bưởi tiêu chuẩn VietGAP.
Chia sẻ kinh nghiệm trồng cam hữu cơ, ông cho hay trước khi ông ký kết hợp đồng sản xuất với Trung tâm hữu cơ Organic Việt Nam, đơn vị này đến kiểm tra đất tại vườn cây của ông, nếu đủ điều kiện, đạt tiêu chuẩn sẽ ký hợp đồng hợp tác. Để ký được hợp đồng, từ cây giống đến quy trình sản xuất, ông phải tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu sạch và không dùng hóa chất, thuốc trừ sâu trong suốt quá trình chăm sóc vườn cây. Tiêu chuẩn hữu cơ bắt buộc người trồng cam phải cải tạo đất thành 1 hàng, 1 liếp; khoảng cách giữa hàng với liếp phải đủ cho xe cơ giới ra vào bón phân, thu hoạch; số lượng cây trong hàng cũng giảm từ 2.400 cây xuống chỉ còn 400 cây/đơn vị.
Cùng với đó, cam phải trồng xen một vài cây khác nhằm bảo đảm đa dạng sinh thái và không được làm sạch cỏ dại; chất hữu cơ trong hàng phải đạt độ dày 40cm; nước tưới cho cây phải bơm từ sông lên qua nhiều hệ thống tự chảy, chứa; lọc tự nhiên bằng lục bình đến phơi nắng kết hợp với lọc bằng phèn chua, vôi sống để xử lý tiệt trùng. Điều quan trọng nữa là nước đã qua xử lý được dẫn trực tiếp vào hệ thống vừa kết hợp tưới nhỏ giọt vừa tưới phun sương đề “tắm” cho cây nhằm bảo đảm độ ẩm, xua đuổi côn trùng khi mới hình thành và phát triển bộ lá...
Để phòng bệnh và tránh vi khuẩn, côn trùng đeo bám, thâm nhập, gốc cây luôn được ông quét vôi trắng. Rải rác bên ngoài và xen kẽ các hàng cây, ông bố trí hệ thống bẫy côn trùng dùng đèn sáng ban đêm để bắt toàn bộ hoặc sẽ bắt con đực bằng chất gây mùi khi phát hiện trong vườn xuất hiện loại ong hút chích làm hại cây, trái. Trong quá trình sản xuất, ông không sử dụng phân bón, hóa chất; tất cả phân bón đưa vào sử dụng đều có nguồn gốc hữu cơ như cây mía, bả mía, cỏ mục, vỏ xoài... Nguyên liệu hữu cơ được ông đưa về tập kết trong một khu đất rộng có sức chứa đến 10.000 tấn, được sơ chế, phối trộn và ủ theo quy trình và bón đúng thời gian, công thức do trung tâm hữu cơ đưa ra.
“Nghe mô tả thì có vẻ tốn kém nhưng thực ra chất hữu cơ mang về sử dụng đã được tôi tính trong khoảng 10.000 đồng/ kg sản phẩm mà trung tâm hữu cơ đã thu của trang trại. Chúng tôi chỉ đầu tư nhà xưởng, cơ giới để vận chuyển, chăm sóc vườn cam. Từ chỗ không dùng phân bón, thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại... chi phí sản xuất vườn cam hữu cơ của tôi đã giảm đến 60% nhưng chất lượng trái cây thì hoàn toàn khác biệt. Với giá bán trung bình 30.000 đồng/kg như hiện nay, cam sản xuất hữu cơ mang lại cho tôi lãi cao hơn vì chi phí thấp hơn đến 60%”, ông Tư Có nói.
Trở về với thiên nhiên
Để minh chứng cho quy trình sản xuất hữu cơ vừa tiết kiệm chi phí vừa bảo đảm thân thiện môi trường, ông Tư Có đưa chúng tôi ra vườn cây, rồi giới thiệu về vườn cây của mình: Nhiều người không hiểu tưởng nhà vườn lười biếng không chịu làm cỏ, nhưng yêu cầu sản xuất hữu cơ là phải bảo đảm kiểm soát đa dạng sinh học.
Những cây trồng xen trong hàng cam như ổi, xoài đều bị côn trùng cắn trụi vì số lượng cây quá ít, trong cỏ có nhiều côn trùng sinh sống, kể cả ếch, nhái, chim. Hệ sinh thái được bảo đảm như thế sẽ rất khó xảy ra dịch bệnh nhờ có vùng đệm an toàn, nếu dịch bệnh có hình thành thì bản thân các sinh vật trong hệ sinh thái sẽ có những cảnh báo trước cho chúng ta biết để phòng ngừa, xử lý như sự xuất hiện côn trùng lạ, sinh vật tụ lại một chỗ hoặc có những biểu hiện bất thường...
Đam mê với quy trình sản xuất hữu cơ, ông Tư Có tâm tình, cây cam trồng thưa, hàng cách hàng cũng thưa để xe cơ giới ra vào vừa thuận tiện cho sản xuất cũng vừa có ý nghĩa kiểm soát, điều hòa hệ sinh thái. Bởi vì cơ giới ra vào sẽ cán lên thảm thực vật, vừa khống chế phát triển vừa kích thích phát sinh cây, lá non nuôi dưỡng côn trùng, bảo đảm mật số cân bằng, ổn định. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là trở lại gần gũi môi trường, thân thiện với thiên nhiên để phát triển bền vững.
Bước qua cái tuổi “cổ lai hy”, dù có chậm chạp so với tuổi trẻ nhưng mọi động tác, quyết định của ông Tư Có đều rất chính xác. Với tay hái vội trái cam xoàn trên cây dù trời đã tối, ông Tư Có nói: “Các em ăn trái cam anh hái thử xem, nó khác thế nào so với chỗ khác”? Nói xong, ông đưa chúng tôi vài trái, ăn xong mọi người không thấy xót ruột vì vị ngọt, độ giòn của trái cam hữu cơ, lại không phải nhả xác như nhiều loại cây có múi khác. Quả thật, khi dân gian đã đặt cho ai biệt danh thì người đó phải rất nổi bật và xứng đáng với biệt danh đó. Với lão nông Tư Có, ông không chỉ là nhà nông cao tuổi, lão luyện với nghề mà còn là tác giả của nhiều cách tính mà chưa đạt độ “lão” chắc sẽ ít ai nghĩ ra. |
DUY CHÍ