Chuyện nông dân Tân Bình hiến đất

Cập nhật: 11-06-2019 | 08:45:12

Phường Tân Bình, TX.Dĩ An đang phát triển mạnh mẽ về công nghiệp, đô thị. Để có bộ mặt một Tân Bình khang trang như hôm nay là cả một quá trình nỗ lực không ngừng của địa phương này. Trong điều kiện nhu cầu phát triển hạ tầng kỹ thuật của địa phương rất lớn nhưng nguồn vốn eo hẹp, TX.Dĩ An và phường Tân Bình đã linh động vận động người dân hiến đất, hiến công cùng nhau cải tạo bộ mặt đô thị.

Thương đất như con

Vào một chiều cuối tháng 5, chúng tôi được ông Trần Văn Minh dẫn đi thăm ruộng. Khoảng ruộng rộng mấy chục ha của gần 30 hộ nông dân tọa lạc ngay tại khu phố Tân Phước, phường Tân Bình. Nơi đây đang thực hiện Dự án nâng cấp mở rộng suối Cây Sao. Con đường dẫn vào đám ruộng của ông Minh lởm chởm gạch cát. Xe cơ giới, máy xúc đang tất bật với công việc nạo vét, mở rộng lòng suối Cây Sao.

Đoạn đường đang thi công có chiều dài gần 600m, mặt đường rộng 5m. Trời mưa, con đường trở nên trơn trượt, rất khó đi. Ông Minh vừa chạy xe vừa ngoái đằng sau đợi chúng tôi. Đám ruộng xanh mơn mởn của ông Minh đang vào mùa đậu bắp. Việc nông khiến ông Minh đầu tặt mặt tối. Ông nói với chúng tôi: Ngày trước đường này chỉ rộng nửa mét, đủ để một chiếc xe máy chạy qua. Lòng suối Cây Sao quá nhỏ, có mưa lớn là nước ngập tràn bờ, phá nát ruộng hoa màu của hàng chục hộ nông dân đang sản xuất, canh tác nơi đây. Mấy năm trước, phong trào nuôi cá rộ lên ở khu phố Tân Phước. Nhiều hộ nông dân đào ao nuôi cá, thu nhập rất khá, thế nhưng vẫn nơm nớp lo âu mỗi khi vào mùa mưa; những cơn mưa lớn bất thường, nước ngập ao hồ, cá trôi đi hết, bao nhiêu tiền của, công sức của người nông dân cuốn theo những cơn mưa như vậy.

 Ông Trần Văn Minh bên thửa ruộng vừa hiến 400m2 đất để thực hiện Dự án nâng cấp mở rộng suối Cây Sao. Ảnh: PHÙNG HIẾU

 Ông Minh thủng thẳng vừa be bờ chân ruộng vừa trò chuyện với chúng tôi. Theo ông Minh, mỗi năm người nông dân nơi đây trồng 2 vụ hoa màu, 1 vụ hoa tết. Mỗi năm gia đình ông kiếm được khoảng 40 triệu đồng từ miếng ruộng có diện tích 4.000m2. Đường sá đi lại khó khăn, mùa mưa ngập lụt... nên bà con nông dân nơi đây phải vất vả lắm mới đủ miếng ăn. Ông Minh kể, vài năm trước thôi, con đường dẫn vào cánh đồng mênh mông này chỉ đi lọt một chiếc xe máy; muốn lội vào ruộng bằng xe máy phải nhường nhau mà đi. Chính vì thế, việc làm nông ở đây khó khăn, vất vả hơn nơi khác rất nhiều.

Gần đây, thị trường đất đai ở Dĩ An sôi động hẳn lên, nhiều tay cò đất tới tận ruộng ông Minh đặt vấn đề mua đất nhưng ông đều từ chối. “Đất của ông bà, tổ tiên để lại, cho dù con cháu nay đã có việc làm ổn định ở các công ty, nhưng tui vẫn cố gắng giữ đất. Đối với người nông dân, thương đất như thương con vậy. Nhưng vì nghĩ cho cái chung, cho tương lai sau này nên gia đình chúng tôi sẵn sàng hiến đất”, ông Minh nói không một chút do dự.

Theo giá thị trường, đất ở khu vực này có giá khoảng 2 triệu đồng/m2. Ông Minh đã hiến tới 400m2 đất để thực hiện Dự án nâng cấp mở rộng suối Cây Sao. Tính ra bằng tiền ông đóng góp 800 triệu đồng, tức là ông phải làm ruộng 20 năm mới kiếm được số tiền này. Những giọt mồ hôi thấm đẫm trên chiếc áo ông mặc. Ông cười hớn hở khoe với chúng tôi: “Vụ đậu bắp này tui kiếm ít nhất cũng được 5 triệu đồng”.

Nghĩ vì cái chung

Ông Nguyễn Trần Phi Long, Chủ tịch UBND phường Tân Bình, cho biết ngay khi có chủ trương thực hiện Dự án nâng cấp mở rộng suối Cây Sao của thị xã, cán bộ phường đã xuống tận nhà các hộ gia đình tuyên truyền, vận động, phân tích cái lợi của dự án khi đưa vào sử dụng. Dự án hoàn thành sẽ làm cho bộ mặt của khu phố Tân Phước thay đổi, đường sá khang trang, thuận lợi hơn... tạo cơ hội cho bà con phát triển kinh doanh, dịch vụ. Nhờ đó, ngay khi dự án chưa động thổ, đông đảo bà con nông dân ở khu vực này đã nhiệt tình ủng hộ; 100% hộ nông dân hiến đất trị giá gần 20 tỷ đồng để triển khai dự án.

Theo ông Long, trong thời gian thực hiện dự án, phường thường xuyên cắt cử cán bộ chuyên trách bám sát theo dõi tiến độ công trình, đồng thời là cầu nối giữa đơn vị thi công và các hộ bị ảnh hưởng dự án để bảo đảm dự án thực hiện đúng kế hoạch đã đề ra.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Hồ Văn Long đã hiến gần 800m2 đất để làm Dự án nâng cấp mở rộng suối Cây Sao. Ông Long năm nay ngoài 60 tuổi, sức khỏe không còn như trước nên gần 1 ha ruộng ông phải xẻ nhỏ ra cho người khác thuê lại trồng hoa màu. Ông giữ lại vài ngàn mét vuông đất để trồng hoa màu và cỏ để nuôi bò. Hai người con của ông người làm công nhân may, người làm thợ điện... Nói như ông Long, thì “truyền thống làm nông bao đời của gia đình tới thời tôi là chấm dứt”.

Ông Long tâm sự: “Hiến cả ngàn mét đất, tiếc đứt ruột đó! Nhưng ai cũng hiến đất không lấy tiền hỗ trợ, đền bù... mình không làm theo thì coi sao đặng?”. Rồi ông tươi cười nói: “Nay thấy dự án triển khai, con đường dẫn vào suối Cây Sao được mở rộng 5m, xe cộ bon bon vào ra ruộng tui cũng thấy mát lòng”. Ông Long là một trong hàng chục hộ nông dân nơi đây hiến gần 10.000m2 đất để dự án được triển khai đúng tiến độ.

Từ xuất phát điểm là một địa phương thuần nông, hạ tầng kỹ thuật còn nhiều hạn chế, đến nay phường Tân Bình đã thay đổi cơ cấu kinh tế và chỉnh trang bộ mặt đô thị. Trong đó, chỉnh trang đô thị đóng vai trò quan trọng, bởi đây chính là nhân tố nền tảng tạo ra thay đổi nhận thức, thay đổi về cơ cấu kinh tế của địa phương này.

Nhờ tích cực tuyên truyền và đổi mới phương thức vận động quần chúng theo hướng thực hiện tốt quy chế dân chủ, phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ, đảng viên nên thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể phường Tân Bình đã thành công trong việc vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện phong trào làm đường nông thôn, chỉnh trang đô thị, tạo đà cho kinh tế phát triển.

Dự án nâng cấp mở rộng suối Cây Sao sắp tới sẽ hoàn thành. Điều đáng mừng chính là các hộ nông dân tại khu vực này đã chủ động chuyển đổi vật nuôi cây trồng phù hợp với tình hình mới. Đến nay, một số hộ đã chuyển sang làm nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao; số khác chuyển hướng kinh doanh, buôn bán, làm dịch vụ... Đó là quy luật tất yếu của sự phát triển, khi mà ngành nông nghiệp không còn giữ vai trò chủ đạo, khi mà Tân Bình đang phát triển mạnh mẽ về công nghiệp và đô thị thì người nông dân cũng phải thay đổi cho phù hợp với thực tế.

Điều đáng trân trọng nữa chính là những người nông dân như ông Minh, ông Long... không vì lợi ích riêng mà sẵn sàng hy sinh vì cái chung để góp phần cải tạo bộ mặt nông thôn, đô thị của Tân Bình, từng bước tiếp nhận cơ hội mới, thời cơ mới tạo nguồn thu nhập cao hơn, ổn định hơn trong giai đoạn hiện nay.

Nhờ làm tốt chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, không riêng gì Dự án nâng cấp mở rộng suối Cây Sao mà hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn phường Tân Bình đều được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Hiện nay, trên 80% các tuyến đường của phường đã được nhựa hóa. Toàn phường có hơn 40 tuyến đường lớn, trong đó có trên 30 tuyến đường phân cấp cho phường đã được đầu tư cùng sự góp sức từ người dân, góp phần làm thay đổi diện mạo của địa phương.

Có thể thấy, nếu không có cách làm linh động, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, biết dựa vào sức dân thì phường Tân Bình khó có được bộ mặt hạ tầng khang trang như ngày hôm nay. Hiện trong cơ cấu kinh tế của phường, nông nghiệp chỉ còn chiếm dưới 10%, công nghiệp và thương mại - dịch vụ chiếm tới hơn 90%. Đóng góp vào kết quả này là nhờ vào hạ tầng giao thông phát triển.

PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=547
Quay lên trên