V-League đã ngày càng hấp dẫn và tiến bộ hơn khi đặt dưới sự điều hành của VPF
Trước nhất cần phải khẳng định Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) là một sản phẩm mang tính tất yếu của cơ chế bóng đá chuyên nghiệp. Chúng tôi cho rằng đáng lý ra, VPF phải ra đời sớm hơn nữa, thậm chí có thể là từ năm 2000, ngay trước khi bóng đá Việt Nam bắt đầu từ bỏ cơ chế bao cấp tiến lên chuyên nghiệp. Nhưng muộn còn hơn không. Ra đời chưa đầy 1 tuổi (thành lập ngày 7-12-2011) nhưng VPF đã cho thấy được vai trò, tính hiệu quả của nó trong bối cảnh bóng đá Việt Nam cứ mãi dò dẫm con đường lên chuyên dù đã mang “cái mác V-League” hơn 1 thập niên qua.
Đầu tiên, việc làm thành công nhất của VPF chính là đòi lại thành công bản quyền truyền hình các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) bán cho AVG với thời hạn… 20 năm. Đây là vấn đề gây nhức nhối trong dư luận xã hội và người hâm mộ bóng đá Việt Nam trong suốt 1 thời gian dài (hơn 7 tháng). Bởi những lãnh đạo của VFF đã bán bản quyền truyền hình 4 giải đấu quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam cho 1 đơn vị trong thời gian rất dài “vắt qua 20 năm” trong khi giá trị hợp đồng lại không cao - đã gây bất lợi cho sự phát triển - không chỉ là về quyền lợi tài chính - bóng đá Việt Nam. Vì thế, việc VPF giành lại hợp đồng bản quyền truyền hình từ tay AVG mà không phải tốn một đồng nào, đã mang đến cơ hội tác nghiệp thuận lợi cho tất cả các nhà đài - đồng nghĩa với người hâm mộ cả nước được tiếp cận nhiều hơn với các trận đấu ở giải V-League, hạng Nhất, Cúp Quốc gia, Siêu cúp Quốc gia là một thắng lợi của VPF.
Tiếp theo, VPF còn thành công trong việc vận động các ông bầu, các nhà tài trợ góp tiền vào các hoạt động của bóng đá Việt Nam thông qua VPF. Chỉ mới hoạt động chưa đầy 1 năm mà VPF đã chuyển vào tài khoản của VFF đến 10 tỷ đồng, tức là gần gấp rưỡi so với mức giá 6 tỷ đồng/1 năm tiền bản quyền truyền hình mà AVG trả cho VFF! Mới đây ít ngày, lãnh đạo VPF đã cam kết sẽ rót gần 50 tỷ đồng vào mùa bóng 2013 để cứu trợ V-League trong thời điểm khó khăn về kinh tế thông qua tiền thưởng thể hiện qua thứ hạng. Ví dụ, đội vô địch V-League 2013 sẽ nhận thêm 5 tỷ đồng, các đội đứng thứ 2, 3, 4 lần lượt được nhận thêm từ 2 - 4 tỷ đồng. Những đội xếp từ 11 - 14 có 1 - 1,5 tỷ đồng nữa…
Nếu tính luôn những thành quả mà VPF mang lại cho bóng đá nữ (cam kết tài trợ 10 tỷ đồng/ năm cho đến năm 2015), với trọng tài Việt Nam (nâng cao gấp nhiều lần so với thu nhập trước khi VPF ra đời; được sử dụng trang thiết bị hiện đại của thế giới vào chuyên môn) hay nỗ lực kéo khán giả đến sân (đã đông hơn nhiều so với mùa giải 2011 do VFF tổ chức); tăng cường hợp tác quốc tế (trong đó có học tập J-League) thì VFF quả là có rất nhiều “công lao hạng mã”, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, VPF vẫn chưa thể khắc phục những hạn chế như giải quyết triệt để tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” khi nhiều ông chủ các CLB tham gia đội ngũ quản lý và điều hành của VPF. Ngoài ra, tình trạng một ông chủ nhiều đội bóng đá cùng 1 giải vẫn chưa được xử lý hay tình trạng tiêu cực xảy ra giữa các đội bóng ở giải hạng Nhất, V-League; một số trọng tài bị kỷ luật do dính líu đến tiêu cực… vẫn là nỗi nhức nhối hiện nay. Vậy, nhìn trên toàn cục những mặt mạnh và tồn tại của VPF, có cần phải giải tán VPF để đi ngược lại xu thế của bóng đá chuyên nghiệp? Hỏi tức là đã trả lời!
LONG VĨNH