Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch mạnh mẽ

Cập nhật: 17-07-2021 | 10:43:54

Trong 6 tháng đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và cung cầu nông sản trên địa bàn. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã chủ động trong công tác quản lý, điều hành sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn đạt được những kết quả khả quan.

Chủ động phòng dịch trên cây trồng, vật nuôi

Ngành NN&PTNT tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch, xây dựng nông thôn mới, chú trọng công tác quản lý an toàn thực phẩm tại vùng sản xuất. Hướng dẫn người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất theo quy trình VietGAP và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng - vật nuôi, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

So với cùng kỳ, tình hình sinh vật gây hại trên các loại cây trồng giảm, không gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển cây trồng. Tổng diện tích nhiễm bệnh khoảng 6.664ha, trong đó, diện tích lúa 413ha; rau 652ha; cây ăn trái 893ha; cao su 2.452ha; khoai mì 2.203ha, điều 68ha; tiêu 37ha… Ngành NN&PTNT phối hợp các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị, thành phố tăng cường công tác điều tra, dự báo, tập huấn hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên các loại cây trồng.

Trong công tác giám sát, kiểm sát dịch bệnh vật nuôi, các năm qua đã khống chế dịch bệnh lở mồm long móng, không xảy ra diện rộng, phát hiện dịch sớm, xử lý ổ dịch triệt để. Đối với dịch tả heo châu Phi, ngành NN&PTNT đã tập trung triển khai các biện pháp phòng chống nhằm giảm thiểu thiệt hại. Nhờ vậy, tỷ lệ đàn heo tiêu hủy chỉ chiếm khoảng 13% tổng đàn heo toàn tỉnh. Đến thời điểm hiện tại, Bình Dương đã có 4 huyện được công nhận an toàn dịch bệnh lở mồm long móng, dịch tả heo cổ điển; 5 vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm và Newcastle và 1 vùng an toàn dịch bệnh dại. Như vậy, Bình Dương có 10 vùng/22 vùng an toàn dịch bệnh trên cả nước; có 17 trang trại được cơ quan có thẩm quyền công nhận an toàn dịch với bệnh dịch tả heo châu Phi.

Đẩy mạnh liên kết theo chuỗi

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được đẩy mạnh, đạt được kế hoạch đề ra. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn ngày một nâng lên; an sinh xã hội được quan tâm và thực hiện tốt… Tính đến nay, 100% xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 7 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 1 huyện, 2 thị xã đã được công nhận huyện đạt chuẩn NTM và thị xã hoàn thành nhiệm vụ NTM. 3 huyện còn lại là Phú Giáo, Bắc Tân Uyên và Bàu Bàng đã được Hội đồng thẩm định của Trung ương thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, công nhận huyện đạt chuẩn NTM.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Theo đó, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tiếp tục chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả hơn như cây ăn quả, các loại rau, hoa... theo hướng công nghệ cao. Ngành NN&PTNT tiếp tục bám sát diễn biến thời tiết, thông tin thị trường, kịp thời điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai...

Mặt khác, Bình Dương cũng đang đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, trọng tâm là phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ. Đồng thời thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh, phong trào thi đua “Đổi mới, phát triển các HTX nông nghiệp theo Luật HTX, góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng NTM”.

Từ nay đến cuối năm, ngành NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh liên kết theo chuỗi để nâng cao giá trị gia tăng nông sản; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và triển khai công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm hàng hóa nông sản và vật tư nông nghiệp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai. Tham gia lập và tích hợp các nội dung thuộc lĩnh vực ngành quản lý vào quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=320
Quay lên trên