Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2018 được đánh giá là cơ hội lớn, mở ra nhiều triển vọng cho ngành da giày Việt Nam trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).
Khẳng định chất lượng
Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu giày dép lớn nhất vào thị trường EU. Lượng đơn hàng xuất khẩu năm 2017 tăng từ 8 - 10% so với năm 2016, nhờ chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn của thị trường EU. Đối với các doanh nghiệp da giày của Bình Dương, các sản phẩm xuất khẩu đang dần khẳng định được lợi thế cạnh tranh trên thương trường quốc tế và được khách hàng của EU ưa chuộng.
Công đoạn thiết kế sản phẩm tại Trung tâm Công nghệ giày Việt – Ý.
Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Một thuận lợi nữa là năm 2017 giá nguyên liệu của ngành da giày ổn định, không tăng so năm trước, góp phần tạo nên thành công của ngành da giày tỉnh Bình Dương. Kết quả nổi bật, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày của Bình Dương trong năm nay tăng 19,2% so với năm 2016.
Bà Trương Thúy Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương - Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát (TX.Dĩ An), cho biết từ đầu năm đến nay hoạt động xuất nhập khẩu của công ty tiếp tục tăng trưởng ổn định; lượng đơn hàng xuất khẩu tăng khoảng 10%, doanh thu tăng 10% so với năm 2016. Đánh giá chung về tình hình xuất khẩu từ đầu năm đến nay của ngành da giày tỉnh Bình Dương, bà Liên cho biết thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã rất nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của khách hàng về số lượng và chất lượng đơn hàng.
Đột phá từ thị trường Ý
EVFTA có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội trong quan hệ thương mại song phương. Riêng đối với xuất khẩu da giày của Việt Nam sẽ có cơ hội tăng trưởng mạnh, do hầu hết các dòng thuế nhập khẩu ba lô, túi, cặp và hơn 40% các dòng thuế nhập khẩu giày dép vào thị trường EU sẽ giảm về 0% trong vòng 7 năm khi hiệp định có hiệu lực.
Tại chuyến thăm và làm việc tại Trung tâm Công nghệ giày Việt - Ý (TX.Dĩ An) mới đây, ông Ivan Scalfarotto, Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Ý, cho biết Chính phủ Ý luôn ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Ý hợp tác với Việt Nam trong phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; nâng cao chất lượng sản phẩm trong các lĩnh vực mà Ý có thế mạnh như may mặc, giày da, sản xuất đồ gỗ... Vì vậy, mục đích chuyến thăm và làm việc của đoàn là để đánh dấu một cột mốc phát triển mới theo hướng bền vững và lâu dài giữa hai nước trong lĩnh vực da giày. Bởi đây là một ngành công nghiệp được đánh giá rất quan trọng và then chốt đối với nền kinh tế của cả hai quốc gia và nhận được sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ hai nước.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO), cho rằng ngành da giày Việt Nam đang có cơ hội lớn để tăng cường quan hệ thương mại với Ý nói riêng và EU nói chung. Ý là trung tâm thời trang của thế giới, cho nên việc mở rộng quan hệ thương mại Việt Nam - Ý trong lĩnh vực da giày là rất cần thiết. Trung tâm Công nghệ giày Việt - Ý ra đời là cầu nối giữa hai nước Việt Nam và Ý. Ngành da giày luôn là lĩnh vực được các doanh nghiệp Ý quan tâm đầu tư tại thị trường Việt Nam. Với kinh nghiệm của một quốc gia đạt được nhiều thành tựu trong ngành da giày, Ý sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm qua việc hợp tác và ra đời Trung tâm Công nghệ giày Việt - Ý, nhằm chuyển giao công nghệ, tư vấn và hỗ trợ đào tạo giảng viên nguồn cho ngành công nghiệp sản xuất da giày Việt Nam.
“Năm 2016, Việt Nam xuất khẩu sản phẩm da giày sang Ý đạt kim ngạch hơn 380 triệu USD, chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU. Trung tâm Công nghệ giày Việt - Ý nhằm góp phần thúc đẩy sự nghiên cứu và phát triển sản phẩm da giày Việt Nam; đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật cao, ứng dụng máy móc hiện đại - công nghệ tiên tiến hàng đầu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực thiết kế, sản xuất giày dép của Việt Nam có sức cạnh tranh mang tầm quốc tế”, ông Thuấn nhấn mạnh.
Nhận định về cơ hội xuất khẩu của các doanh nghiệp ngành da giày Việt Nam trong thời gian tới, theo ông Phạm Văn Xô, Chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Bình Dương, năm 2018 ngành da giày có nhiều triển vọng khi xuất khẩu sang thị trường EU. Để được hưởng các ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường này, các doanh nghiệp phải đáp ứng được những quy định về nguồn gốc xuất xứ, quy tắc xuất xứ cho các bộ phận đối với sản phẩm da giày, cũng như nắm rõ về những rào cản kỹ thuật trong thương mại, nhất là các quy định về hạn chế hóa chất độc hại, quy định về an toàn sản phẩm tiêu dùng; bên cạnh đó là các biện pháp phòng vệ (chống bán phá giá, chống trợ cấp giá) được áp dụng tại EU...
PHƯƠNG LÊ