Cơ sở sản xuất sử dụng người lao động mãn hạn tù được vay vốn ưu đãi

Cập nhật: 14-11-2023 | 08:50:02

 Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng đối tượng lao động này được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với ông Võ Văn Đức, Giám đốc NHCSXH - Chi nhánh Bình Dương.

 Giải ngân các chương trình tín dụng chính sách tại điểm giao dịch xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên

 - Thưa ông, mục đích của chính sách này là gì?

- Công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù thể hiện sâu sắc chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước, vừa bảo đảm an ninh trật tự, thay đổi nhận thức, sự kỳ thị của xã hội và cũng là cơ hội rất tốt để người mãn hạn tù không còn tự ti. Kịp thời hỗ trợ người mãn hạn tù và doanh nghiệp sử dụng lao động mãn hạn tù nhằm tận dụng tối đa nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh hiện nay.

- NHCSXH tỉnh đang triển khai quyết định này như thế nào, thưa ông?

- Việc triển khai chính sách này liên quan đến nhiều ngành, vừa qua NHCSXH tỉnh đã phối hợp với Công an tỉnh tập huấn cho các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện một cách hiệu quả. Đồng thời, NHCSXH tỉnh chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với ngành công an, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận diện đối tượng, lập hồ sơ, giải ngân kịp thời cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách, đưa chính sách nhanh đi vào cuộc sống. Hiện nay, các phòng giao dịch NHCSXH huyện, thị, thành phố đều đang phổ biến chương trình tín dụng, nội dung chính sách đến các tổ tiết kiệm và vay vốn, hội đoàn thể để người thuộc đối tượng được biết, đã có một số đối tượng được giải ngân tín dụng chính sách này.

- Chính sách mới có những điểm nào đáng chú ý, thưa ông?

- Từ ngày 10-10-2023, người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu, đủ điều kiện theo Quyết định số 22 sẽ được vay vốn tại NHCSXH trên địa bàn nơi cư trú hợp pháp. Mức vay để học nghề tối đa 4 triệu đồng/tháng, vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm tối đa 100 triệu đồng/người và 2 tỷ đồng/dự án đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh. Lãi suất bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo từng thời kỳ, hiện nay là 6,6%/năm (0,55%/tháng).

Đối với người chấp hành xong án phạt tù thực hiện phương thức cho vay thông qua hộ gia đình, đại diện hộ gia đình của người chấp hành xong án phạt tù là người đứng tên vay vốn và giao dịch với NHCSXH. Trường hợp trong hộ gia đình không còn thành viên nào từ đủ 18 tuổi trở lên hoặc thành viên còn lại không còn sức lao động, không có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật thì người chấp hành xong án phạt tù trực tiếp đứng tên vay vốn, NHCSXH thực hiện cho vay theo phương thức ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, NHCSXH thực hiện cho vay trực tiếp.

- Quy trình xét duyệt những trường hợp bảo đảm vay vốn theo nguyên tắc nào, thưa ông?

- Người chấp hành xong thời hạn án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận; người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá quy định tại Luật Đặc xá. Phải bảo đảm các điều kiện vay vốn bao gồm có nhu cầu vay vốn, có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, do công an cấp xã lập và được UBND cấp xã xác nhận. Người vay không còn dư nợ tại NHCSXH đối với các chương trình tín dụng khác có cùng mục đích sử dụng vốn vay. Thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa 5 năm.

- Công tác tuyên truyền, tiến độ giải ngân trên địa bàn tỉnh đến nay ra sao, thưa ông?

- Ngay sau khi quyết định được ban hành, NHCSXH tỉnh đã tổ chức tuyên truyền chính sách qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các buổi họp giao ban tại tất cả các điểm giao dịch trên địa bàn tỉnh. Bước đầu, đã giải ngân cho 7 người chấp hành xong án phạt tù để đầu tư sản xuất, kinh doanh với số tiền 550 triệu đồng.

- Thưa ông, để các khoản vay được bảo đảm đúng, hiệu quả, công tác kiểm tra, giám sát như thế nào?

- Việc thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội đặc thù thông qua hình thức phân công, phân cấp trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc xác nhận đối tượng thụ hưởng chính sách, được thực hiện dân chủ, công khai trong cộng đồng dân cư. Phương thức ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội đã giúp nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được chuyển tải đến đúng đối tượng thụ hưởng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất và bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Phương thức ủy thác huy động được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, của cộng đồng và toàn xã hội, phát huy được thế mạnh của tổ chức hội, nhất là trong thông tin, tuyên truyền, vận động, giám sát và phản biện xã hội trong việc thực thi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, trong quy trình cho vay luôn có sự đồng hành tích cực của Ban điều hành khu, ấp trong việc tuyên truyền, giám sát hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, quản lý và xử lý nợ, phản ánh nguyện vọng chính đáng của người dân trong khu, ấp.

- Xin cảm ơn ông!

THANH HỒNG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=754
Quay lên trên