Ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên - Tổng Giám đốc Becamex IDC:

“Con người là yếu tố quan trọng nhất để kiến tạo thành phố thông minh…"

Cập nhật: 19-12-2016 | 09:56:57

 UBND tỉnh vừa phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Hà Lan tổ chức Hội thảo “Thành phố thông minh - Mô hình ba nhà” và công bố cơ cấu tổ chức Dự án Thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương cùng các chương trình hành động cụ thể trong năm 2017. Đây là sự kiện đánh dấu bước khởi đầu của sự hợp tác chính thức giữa tỉnh Bình Dương với Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF). Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển công nghiệp - TNHH MTV Becamex IDC:

Bình Dương đang nỗ lực xây dựng TPTM dựa trên nền tảng con người Ảnh: QUỐC CHIẾN

- Xin ông cho biết mô hình “ba nhà” có ý nghĩa, tác động như thế nào đối với quá trình hình thành TPTM Bình Dương trong tương lai?

- Ông Nguyễn Văn Hùng: Nhằm cụ thể hóa Chương trình số 22/CTr-TU ngày 15-8-2016 của Tỉnh ủy Bình Dương về “Phát triển đô thị Bình Dương theo hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lượng sống của nhân dân”, ngày 21-11-2016, UBND tỉnh đã chính thức phê duyệt Chương trình chiến lược đột phá của Bình Dương đến năm 2021 mà trọng điểm là Dự án TPTM Bình Dương. Để thực hiện dự án này, Bình Dương cần phải thực hiện mô hình “ba nhà”, tập trung vào sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước - nhà doanh nghiệp và nhà khoa học.

Sau nhiều cuộc khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng, lãnh đạo và các chuyên gia tỉnh Bình Dương và thành phố Eindhoven (Hà Lan) đã khẳng định tính khả thi trong việc ứng dụng mô hình “ba nhà” vào Bình Dương có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của địa phương. Cơ quan đại diện và cũng là đại sứ của hoạt động hợp tác này là Hội đồng cố vấn “ba nhà”, bao gồm lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và nhà trường - viện nghiên cứu. Đây không chỉ là tổ chức có ảnh hưởng đến các quyết định mà còn có ý nghĩa và tác động lớn đối với nhiều lĩnh vực trong quá trình thực hiện dự án. Toàn bộ dự án, trong đó có Hội đồng cố vấn “ba nhà” sẽ được đặt dưới sự chỉ đạo chung của Ban chỉ đạo dự án và chương trình hành động sẽ được thực thi bởi Ban điều hành và Văn phòng TPTM Bình Dương.

- Becamex IDC đóng vai trò như thế nào trong mô hình “ba nhà” và quá trình kiến tạo TPTM Bình Dương, thưa ông?

- Trong những năm gần đây, lãnh đạo tỉnh Bình Dương thấy rằng hội nhập quốc tế là rất cần thiết để đẩy nhanh quá trình phát triển của tỉnh, do đó tỉnh đã chủ động tìm kiếm các mối quan hệ giao lưu, hợp tác và đã có những biên bản ký kết ghi nhớ, hợp tác với các thành phố lớn trên thế giới, trong đó có biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng TPTM Bình Dương. Hội thảo “Thành phố thông minh - Mô hình ba nhà” là bước khởi đầu của sự hợp tác chính thức giữa tỉnh Bình Dương với ICF trong quá trình thực hiện Dự án TPTM Bình Dương.

Trong thời gian qua, Becamex có vai trò kết nối lãnh đạo tỉnh với lãnh đạo các thành phố của thế giới có kinh nghiệm xây dựng TPTM và ICF; kết nối các nhà đầu tư trên thế giới với Bình Dương. Hiện tại, Becamex đang tiếp tục mở rộng marketing và giao lưu nhằm thu hút các nguồn lực, thu hút các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới đến với Bình Dương, đặc biệt là các nhà đầu tư cho dự án TPTM Bình Dương. Bên cạnh đó, Becamex còn là đơn vị thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng trong quá trình thực hiện dự án, góp phần vào quá trình phát triển của Bình Dương cả hiện tại và tương lai.

Đối với mô hình “ba nhà”, Becamex tham gia với vai trò là một trong nhà doanh nghiệp trực tiếp tham gia thực hiện dự án; đồng thời là đơn vị được tỉnh giao nhiệm vụ đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất tại Bình Dương cũng như yêu cầu của nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư vào Bình Dương.

- Ông vừa nói Becamex là đơn vị thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng trong quá trình thực hiện Dự án TPTM Bình Dương. Vậy kết cấu hạ tầng của Bình Dương sẽ được thay đổi như thế nào trong thời gian tới?

- Đối với hạ tầng giao thông, trong ngắn hạn Bình Dương cần cải thiện kết nối với TP.HCM bằng đường bộ, đường thủy và mở rộng phương tiện giao thông công cộng. Đối với hạ tầng thông tin, cần lắp đặt mạng lưới wifi công cộng; xây dựng cấu trúc công nghệ thông tin an toàn, bảo đảm hiệu quả, bao gồm cả trung tâm quản lý dữ liệu. Đối với vấn đề cung cấp năng lượng, cần xây dựng mạng lưới đủ sức cung cấp năng lượng ổn định cho doanh nghiệp, bởi thu hút FDI phụ thuộc rất lớn vào việc cung cấp năng lượng ổn định và bảo đảm. Điều này càng mang tính quyết định khi chuyển đổi từ công nghiệp thâm dụng nhiều lao động sang công nghiệp công nghệ cao và sản xuất tiên tiến. Nói chung đối với hạ tầng, Bình Dương còn rất nhiều việc phải làm…

- Bên cạnh vấn đề hạ tầng như ông đã nói, Bình Dương còn phải triển khai các chương trình gì trong quá trình xây dựng TPTM, thưa ông?

- Xây dựng TPTM là quá trình liên tục và lâu dài. Trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ hệ thống giáo dục nâng chất để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế; lồng ghép các kỹ năng thực tế vào nội dung giảng dạy của tất cả các cấp giáo dục; đồng thời khảo sát nhu cầu lao động của thị trường, thu hút lao động tài năng, lành nghề ở trong nước và quốc tế đến làm việc. Bên cạnh đó, Bình Dương sẽ khuyến khích tư nhân và các tổ chức nhà nước đầu tư cho nghiên cứu phát triển; hoàn thiện các thử nghiệm thực tế; khuyến khích chuyển giao tri thức và đổi mới sáng tạo mở.

Song song đó, Bình Dương sẽ tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động sản xuất hiệu quả; khuyến khích doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và tăng cường khuyến khích người dân khởi nghiệp. Ngoài ra, Bình Dương sẽ xây dựng, tiếp thị và xúc tiến quảng bá thương hiệu, tạo cơ sở tốt hơn cho đầu ra hàng hóa. Cùng với đó, Bình Dương còn thực hiện các chương trình nhằm thu hút cư dân mới, người lao động trí thức nhằm tăng cường nguồn lực cho quá trình thực hiện dự án.

- Như ông đã nói, nguồn lực để xây dựng TPTM là người lao động trí thức, trong khi đó TPTM là thuật ngữ rất mới đối với đại đa số người dân. Để người dân nhận thức rõ hơn về TPTM, ông có thể nói cụ thể hơn về yếu tố con người trong quá trình kiến tạo, xây dựng TPTM?

- Trước hết tôi xin nói về khái niệm TPTM. Một TPTM có thể được hiểu như thành phố có khả năng tập hợp dữ liệu từ các thiết bị và mạng cảm biến nhúng trong mọi vật (kết cấu hạ tầng, lưới điện, các tòa nhà và các tài sản khác), sau đó chia sẻ dữ liệu thông qua hệ thống thông tin liên lạc và sử dụng các phần mềm thông minh để tạo ra thông tin có giá trị bằng dịch vụ kỹ thuật số cao cấp đáp ứng nhu cầu người dân và doanh nghiệp trong thành phố đó.

Trên thực tế, xây dựng TPTM không chỉ dừng lại ở mức độ thúc đẩy kỹ thuật công nghệ, mà còn phải ứng dụng công nghệ để mang lại lợi ích cho con người, tức cư dân của thành phố đó. Một TPTM là một thành phố cung cấp đầy đủ các tiện ích cho người dân thông qua hệ thống dữ liệu thông tin thông minh. Do vậy, yếu tố quan trọng nhất đối với một TPTM vẫn là con người. TPTM trên thực tế chính là tập hợp của những nhóm người thông minh biết tạo ra hệ thống vật chất kỹ thuật với công nghệ thông minh và sử dụng hệ thống vật chất kỹ thuật đã tạo ra, biến thành phố thành nơi có môi trường sống lý tưởng, nơi đáp ứng tốt nhất nhu cầu làm việc, học hành và cả vui chơi, giải trí.

- Xin cảm ơn ông!

 

 PHƯƠNG LÊ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=625
Quay lên trên