Ngành gỗ: Giải bài toán nguyên liệu

Cập nhật: 19-12-2016 | 08:25:49

Một vấn đề rất nóng của các doanh nghiệp (DN) sản xuất và chế biến gỗ hiện nay chính là nguồn nguyên liệu. Không nói quá, khi các DN cho rằng nguồn nguyên liệu chính là quân bài chiến lược trong kế hoạch phát triển sản xuất và xuất khẩu của hàng ngàn doanh nghiệp gỗ hiện nay.

Vai trò kép của Trung Quốc

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Việt Nam chia sẻ, giá trị xuất khẩu gỗ của Trung Quốc trong năm 2016 dự kiến là trên 22 tỷ USD, trong khi đó thị trường này vẫn là nơi tiêu thụ số lượng lớn nguyên liệu gỗ và sản phẩm gỗ. Năm 2015, tổng kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm gỗ vào thị trường này lên tới 19,5 tỷ USD, đỉnh điểm là năm 2014 Trung Quốc nhập khẩu hơn 24 tỷ USD sau đó có xu hướng giảm dần, nhưng đây vẫn là thị trường tiêu thụ gỗ lớn trên thế giới. Chính vì thế mỗi động thái, mỗi chiến lược mà quốc gia này đang áp dụng tạo ra sự quan tâm rất lớn cộng đồng DN gỗ toàn cầu. Và đối với Việt Nam, Trung Quốc chính là một trong những thị trường chính của gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam.

Hoạt động sản xuất và xuất khẩu gỗ đang cần nguồn nguyên liệu ổn định. Trong ảnh: Chế biến gỗ xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Lâm Việt. Ảnh: PHÙNG HIẾU

Ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends cho biết, điều đáng lo là nguồn nguyên liệu gỗ được xuất khẩu ồ ạt sang Trung Quốc trong khi nguồn gỗ phục vụ tại chỗ của Việt Nam đang dần khan hiếm phần lớn phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài… và một số quốc gia siết chặt quản lý rừng và nguyên liệu chế biến gỗ.

Chẳng hạn Myanmar ban hành cấm xuất khẩu gỗ tròn từ ngày 1-4-2014, ngày 13-5-2016 Thủ tướng Lào ban hành Quyết định số 15/PM về việc tăng cường quản lý giám sát khai thác và vận chuyển, kinh doanh gỗ. Tháng 4-2015, Trung Quốc ra quyết định cấm khai thác rừng tự nhiên ở Đông Bắc, Nội Mông và tiến tới chấm dứt hoàn toàn khai thác gỗ thương mại rừng tự nhiên vào năm 2017. Áp lực nguồn nguyên liệu cho ngành gỗ trong nước là rất lớn.

Cần có chính sách hợp lý

Hội thảo “Diễn biến nguồn cung nguyên liệu gỗ năm 2017” do Hiệp hội Chế biến gỗ Việt Nam và các Hiệp hội thành viên vừa tổ chức tại TP.HCM làm rất nhiều DN gỗ cả nước quan tâm. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định cho biết, ngành gỗ đang có bước tăng trưởng ổn định, năm 2015 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,9 tỷ USD, 10 tháng đầu năm 2016 đạt 5,59 tỷ USD tăng 5,7% so với cùng kỳ, dự báo ngành chế biến gỗ Việt Nam còn tiếp tục mở rộng thị trường đặt ra bài toán nguyên liệu gỗ rất lớn từ nguồn nhập khẩu và rừng trồng trong nước. Ông Lập cho biết thêm, thời gian gần đây tình trạng các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và thương nhân Trung Quốc đội lốt doanh nghiệp Việt Nam đã nổi lên với sự hình thành những hệ thống nhà máy và cơ sở thu mua nguyên liệu gỗ ở hầu khắp các vùng nguyên liệu gỗ cao su, gỗ keo tràm từ miền Nam đến khu vực miền Trung - Tây nguyên để xuất khẩu sang Trung Quốc. Vấn đề cạnh tranh khống chế thị trường cung cấp nguyên liệu này đang tạo ra nguy cơ khủng hoảng nguyên liệu tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định…

Ông Bùi Như Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho rằng, trong thời gian tới nguồn nguyên liệu gỗ trong nước sẽ giảm trong khi thị trường xuất khẩu gỗ Việt Nam đang dần mở rộng, chính vì thế Chính phủ cần có những chính sách linh hoạt kịp thời... Người trồng rừng đa phần không có đủ nguồn lực tài chính để chăm sóc và phát triển rừng đủ tuổi khai thác. Thông thường các hộ này thường bán rừng với thời gian sớm hơn khoảng 2 - 3 năm, gây rất nhiều lãng phí, vì gỗ nguyên liệu không đạt chất lượng. Hiện nay, các hộ trồng rừng nhỏ lẻ vẫn chưa có nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng. BIFA đề nghị tăng mức thuế xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ tròn và gỗ xẻ để hạn chế việc xuất khẩu nguyên liệu thô, giữ nguồn nguyên liệu cho sản xuất trong nước.

Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch BIFA đề xuất, Chính phủ cần tăng cường các giải pháp về thủ tục hành chính, kiểm tra giám sát của kiểm lâm, hải quan sở tại và chính quyền địa phương để hạn chế việc thương nhân nước ngoài thu gom, khống chế thị trường nguyên liệu gỗ trong nước và lẩn tránh thuế xuất khẩu bằng cách giảm giá bán, kê khai không đúng quy cách gỗ nguyên liệu xuất khẩu. Khi tình hình thị trường gỗ nguyên liệu trong nước ổn định trở lại, Chính phủ nên có giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế xuất khẩu các mặt hàng phù hợp với định hướng phát triển ngành gỗ trong tương lai.

PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1043
Quay lên trên