Những ngày qua, Công an (CA) TX.Dĩ An đã triệt phá hàng loạt đường dây “tín dụng đen”. Qua công tác điều tra cho thấy các đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi có thủ đoạn ngày càng tinh vi nhằm “giăng bẫy” người có nhu cầu vay tiền.
Thượng úy Võ Văn Sơn, Đội phó Đội Cảnh sát hình sự CA TX.Dĩ An, cho biết để kiếm lợi bất chính từ việc cho vay tiền “nóng”, các nhóm cho vay nặng lãi thường phát tờ rơi, dán quảng cáo trên tường, trụ điện ở nơi công cộng và các khu dân cư. Ngoài ra, các đối tượng còn đăng quảng cáo trên các trang mạng xã hội. Người vay chỉ cần mang theo bản sao các loại giấy tờ tùy thân là có thể vay tiền. Một số người dân cần tiền kinh doanh hoặc đáo hạn ngân hàng cũng được cho vay “nóng” hoặc trả góp theo ngày với lãi suất từ 15 - 30%/tháng. Nếu không trả đủ lãi thì sẽ cộng dồn vào tiền gốc, cứ như vậy số tiền nợ ngày càng nhiều lên. Đến khi người vay không còn khả năng chi trả thì các đối tượng này sẽ dùng vũ lực đe dọa người vay nhằm gây sức ép trả nợ.
Tang vật Công an TX.Dĩ An thu giữ được tại cơ sở cầm đồ Quốc Huy
Điển hình như trường hợp anh Phạm Hồng S. (ngụ phường Bình Thắng) phải đến cơ quan chức năng “cầu cứu” vì vướng phải “tín dụng đen”. Theo trình báo của anh S., anh quen biết với Nguyễn Hữu Tân (SN 1981, ngụ phường Bình Thắng). Từ tháng 8 đến tháng 10-2018, anh S. đã vay của Tân 420 triệu đồng với lãi suất 30%/tháng nhưng không được ghi trong giấy mượn tiền mà Tân và anh S. chỉ thỏa thuận miệng với nhau. Khi vay tiền, Tân yêu cầu anh S. viết giấy mượn tiền và 30 ngày sau phải trả tiền cả lãi lẫn gốc. Sau đó anh S. đã trả cho Tân số tiền lãi là 419 triệu đồng. Đến tháng 12-2018, anh S. không vay tiền nữa và thống nhất với Tân số tiền phải trả thêm là 584 triệu đồng (tiền gốc 420 triệu đồng và 164 triệu đồng tiền lãi còn lại phải trả). Đến tháng 1-2019, anh S. đã trả cho Tân 420 triệu đồng tiền gốc và không còn khả năng trả thêm số tiền lãi còn lại. Sau đó anh S. đã đến CA TX.Dĩ An tố cáo hành vi cho vay nặng lãi của Tân.
Qua làm việc, Tân khai khi anh S. hỏi vay tiền, Tân đã tìm gặp đối tượng tên Khương Hùng (chưa rõ lai lịch) để vay 420 triệu đồng với lãi suất từ 20 - 25%/tháng. Sau đó, Tân cho anh S. vay lại với lãi suất 30%/ tháng để hưởng lợi. Từ tháng 8-2018 đến nay, anh S. đã trả lãi cho Tân 419 triệu đồng và 420 triệu đồng tiền gốc. Anh S. còn nợ Tân 164 triệu đồng tiền lãi. Hiện CA TX.Dĩ An đã tạm giữ Tân để điều tra hành vi cho vay nặng lãi với lãi suất 30%/tháng, tương đương 360%/năm, gấp 40 lần lãi suất so với quy định của pháp luật.
Mới đây, qua công tác quản lý đối tượng, CA TX.Dĩ An nghi vấn đối tượng Trần Quốc Huy (SN 1991, ngụ KP.Đông B, phường Đông Hòa) có biểu hiện cho vay nặng lãi nên tiến hành theo dõi. Từ các nguồn tin do người dân cung cấp và thu thập được, CA TX.Dĩ An xác định Huy mở cơ sở cầm đồ Quốc Huy ở KP.Đông B với mục đích thu lợi bất chính từ hoạt động cho vay nặng lãi “núp bóng” các hợp đồng cầm cố tài sản. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 11-3, CA TX.Dĩ An mật phục bắt quả tang Huy đang thu tiền lãi của anh Nguyễn Thanh Tr. (ngụ phường Đông Hòa) và mời về trụ sở làm rõ.
Qua đấu tranh, Huy khai nhận từ tháng 1-2018, Huy cho anh Tr. vay “nóng” 108 triệu đồng với lãi suất 10%/tháng. Theo đó, cứ 10 ngày, anh Tr. phải trả cho Huy 3,6 triệu đồng tiền lãi. Tiến hành khám xét khẩn cấp cơ sở cầm đồ của Huy, CA TX.Dĩ An thu giữ 36 hồ sơ cho vay tiền với tổng số tiền khoảng 1,2 tỷ đồng, 88 triệu đồng tiền mặt, 0,2g ma túy đá và 2 súng tự chế. Hiện CA TX.Dĩ An đang tiếp tục điều tra mở rộng.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn TX.Dĩ An năm 2018, thượng tá Võ Văn Hồng, Trưởng CA TX.Dĩ An, cho rằng hiện nay tình trạng cho vay nặng lãi tiếp tục diễn biến phức tạp. Đây là nguyên nhân phát sinh của các vụ án hình sự nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Với thủ tục nhanh, gọn, không cần phải có tài sản thế chấp đã khiến nhiều người dân rơi vào “bẫy” của các đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi. Tuy nhiên ở một góc nhìn khác, số người vay tiền để làm ăn chân chính không nhiều. Khi ký hợp đồng vay tiền, các nạn nhân đều biết mức lãi suất nhưng vì cần tiền để đáp ứng nhu cầu cá nhân, họ vẫn phớt lờ.
Theo thượng tá Hồng, để tội phạm “tín dụng đen” không còn đất sống, ngoài vai trò nòng cốt của lực lượng CA trong công tác đấu tranh, triệt xóa các băng, ổ nhóm cho vay nặng lãi, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn hoạt động và hệ lụy của “tín dụng đen” để người dân, nhất là công nhân lao động hiểu rõ mà biết cách phòng ngừa. Bên cạnh đó, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác phòng, chống tội phạm, khi phát hiện các vụ việc nghi vấn thì báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết. Khi có nhu cầu, người dân nên đến các tổ chức tín dụng có uy tín.
NGUYỄN HẬU