Công nghiệp hỗ trợ của Bình Dương: Nỗ lực phát triển hiệu quả

Cập nhật: 13-03-2019 | 08:31:42

Quyết định 598/QĐ- TTg của Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025 nêu yêu cầu tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong ngành điện tử, cơ khí, dệt may, da giày; lựa chọn mô hình thí điểm hỗ trợ một số doanh nghiệp CNHT trong lĩnh vực dệt may, da giày, linh kiện điện tử, ô tô... Là tỉnh công nghiệp, Bình Dương cũng đang tập trung phát triển CNHT, tạo đà cho công nghiệp tăng tốc trong giai đoạn mới.

Công nghiệp hỗ trợ của Bình Dương đang có điều kiện phát triển mạnh. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất vi linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Punch Industry Manufacturing Việt Nam (Khu công nghiệp Mỹ Phước III, TX.Bến Cát). Ảnh: THOẠI PHƯƠNG

Nhu cầu lớn

Theo thống kê, đến nay Bình Dương có 374 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực CNHT, trong đó có 57 DN có vốn đầu tư trong nước. Trước thực tế các nhà đầu tư đổ về Bình Dương ngày một nhiều, sản phẩm ngày càng đa dạng đã đặt ra nhu cầu cao hơn cho ngành CNHT của Bình Dương.

Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Bình Dương, cho hay những năm gần đây, ngành da giày đã nỗ lực nâng cao tỷ lệ nội địa hóa (đến nay chiếm 30 - 40%), tuy vậy nguồn nguyên liệu cung ứng tại chỗ, công nghệ thuộc da... vẫn lệ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại Trung Quốc - Mỹ đang diễn ra đem lại lợi thế cho ngành da giày nước ta. Để tận dụng cơ hội này, CNHT ngành da giày cần có sự bứt phá.

Hiện toàn tỉnh có hơn 34.000 DN, trong số này chỉ có 374 DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT. Như vậy, tính bình quân một DN CNHT phải “phục vụ” cho gần 100 DN khác. Kết quả khảo sát của Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) mới đây cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, linh phụ kiện trong ngành sản xuất chế tạo của Việt Nam là 33%, thấp hơn so với 67% của Trung Quốc, 57% của Thái Lan.

Thực trạng này đã khiến một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh gặp không ít khó khăn. Theo bà Trương Thị Thúy Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên Anh (TX.Dĩ An), lâu nay nguồn da nguyên liệu được các nhà máy thuộc da trong nước chào bán thường là da bò thuộc có chất lượng thấp, mảnh da nhỏ, nhiều thẹo nên khó đáp ứng các đơn hàng giày da xuất khẩu. Trong khi đó, việc nhập khẩu từng lô da phèn về để thuộc thành phẩm thì DN rất khó kiểm soát chất lượng, chủ yếu phụ thuộc vào uy tín của đối tác nước ngoài.

Hiện nay, ước tính nguồn cung của các nhà máy da thuộc trong nước chỉ đáp ứng 20 - 30% nhu cầu da nguyên liệu của DN da giày. Mỗi năm, các DN Việt Nam chi từ 170 - 230 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu giả da và từ 80 - 100 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu da từ thị trường Thái Lan, Ðài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Theo Sở Công thương, năng lực ngành CNHT của Bình Dương đã được cải thiện đáng kể, tuy vậy mới đáp ứng được từ 40 - 45% cho ngành dệt may, da giày, 10 - 20% cho sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ, 15% cho điện tử, tin học, viễn thông, 5% cho điện tử chuyên dụng và công nghệ cao...

Ông Lê Văn Tạch, kỹ sư, từng làm việc cho Toyota Việt Nam, cho hay hơn 90% linh kiện, phụ tùng ô tô lắp ráp trong nước hiện nay vẫn do các công ty mẹ hoặc từ công ty xuyên quốc gia ở nước ngoài cung cấp. Trong khi, để làm một chiếc ô tô phải cần từ 30.000 - 40.000 linh kiện; nếu có cơ chế chính sách hợp lý để thu hút các DN CNHT phục vụ ngành sản xuất ô tô, Bình Dương có nhiều khả năng trở thành trung tâm sản xuất ô tô lớn của cả nước. Chúng ta đang có tham vọng về một thương hiệu ô tô chính hiệu Việt Nam (như Vinfast), nếu CNHT “theo” không kịp sẽ rất khó cho cả ngành sản xuất ô tô trong nước, vì DN sẽ chọn con đường nhập khẩu ô tô hơn là sản xuất tại chỗ.

Giải pháp phát triển bền vững ngành công nghiệp

Thực hiện Quyết định số 2751/ QĐ-UBND ngày 26-11- 2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án định hướng phát triển các ngành CNHT trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020, đến nay đã có nhiều dự án về CNHT từ các tập đoàn lớn trên thế giới được triển khai tại tỉnh. Điển hình trong số này có thể kể đến Dự án Nhà máy sản xuất bố lốp, túi khí ôtô với vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD của Tập đoàn KOLON; dự án của Công ty CP Tetra Park Bình Dương (Singapore) chuyên sản xuất bao bì đóng gói vô trùng từ giấy, nhựa và nhôm để đóng gói thực phẩm…

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, để CNHT phát triển, Bình Dương cần xây dựng chính sách thuế theo hướng miễn thuế nhập khẩu các loại máy móc thiết bị phục vụ CNHT trong thời hạn từ 4 - 5 năm đầu, tính từ khi doanh nghiệp đi vào sản xuất; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân; miễn hoặc giảm đến mức thấp nhất tiền thuê đất, chấp nhận giảm thu ngân sách đối với các DN CNHT, coi đó là khoản nuôi dưỡng nguồn thu trong tương lai. Bình Dương cũng cần hình thành một quỹ hỗ trợ CNHT với nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước và của chính những DN sản xuất, lắp ráp sản phẩm có liên quan đến các ngành CNHT, coi đó là trách nhiệm hỗ trợ, tạo dựng ban đầu của Nhà nước đối với ngành CNHT.

Lãnh đạo Sở Công thương cho biết sở đang triển khai nhiều đề án quan trọng làm cơ sở để tham mưu UBND tỉnh các chính sách đẩy mạnh phát triển ngành CNHT. Trong thời gian tới, lãnh đạo sở sẽ làm việc với lãnh đạo các hiệp hội, ngành hàng trong tỉnh để nắm bắt nhu cầu cụ thể của các DN. Trên cơ sở đó, sở sẽ phối hợp với các ngành chức năng đề xuất UBND tỉnh các giải pháp đẩy mạnh hướng liên kết giữa DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài trên cơ sở hai bên cùng có lợi.

Hiện Bình Dương đang rất nỗ lực đưa CNHT phát triển có hiệu quả, tạo điều kiện thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào làm ăn tại tỉnh, qua đó góp phần để ngành công nghiệp tỉnh nhà phát triển bền vững. Trong xu thế hiện nay, các tập đoàn kinh tế, công ty nước ngoài, nhà đầu tư ưu tiên tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà máy tại những khu vực mà họ có thể tận dụng được một ngành CNHT tốt, đáp ứng được nhu cầu mua sắm linh kiện, chi tiết sản phẩm hay như các hợp đồng cung cấp, đặt hàng sản xuất các chi tiết, đơn vị sản phẩm phục vụ cho dây chuyền sản xuất, chuỗi giá trị sản phẩm. Với nền tảng hơn 20 năm phát triển công nghiệp, Bình Dương đang chủ động chào đón các nhà đầu tư vào lĩnh vực CNHT để đưa ngành công nghiệp tỉnh nhà phát triển lên tầm cao mới.

Theo Bộ Công thương, hiện nay, số DN CNHT chiếm khoảng 0,4% trong tổng số DN đang hoạt động trong cả nước, trong đó số DN trong nước chỉ chiếm khoảng 30%. Hầu hết các DN CNHT nước ta là DN tư nhân quy mô nhỏ, thiếu chiến lược kinh doanh bài bản và dài hơi, chưa thương hiệu, khả năng cạnh tranh thấp. Các nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam đều mong muốn có được nguồn cung ứng vật tư, nguyên liệu, năng lượng ổn định tại chỗ. Điều này giúp DN giảm chi phí sản xuất, giảm thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, tăng sức cạnh tranh, tối đa hóa lợi nhuận.

PHÙNG HIẾU

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=541
Quay lên trên