Công nghiệp hỗ trợ: Tìm cơ hội trong khó khăn

Cập nhật: 20-08-2020 | 05:42:43

 Hiện Bình Dương là một trong những địa phương có ngành công nghiệp phát triển, trong đó có sự đóng góp quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Tuy nhiên, CNHT của tỉnh hiện vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 khiến các doanh nghiệp (DN) CNHT cũng đối mặt không ít khó khăn. Để thúc đẩy CNHT phát triển, tỉnh đang tập trung nguồn lực hỗ trợ cho DN CNHT vượt khó.

 May mặc, da giày đang rất cần nguồn nguyên phụ liệu trong nước để thay thế nhập khẩu. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình

 Dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề, nhất là ở khối sản xuất khi phụ thuộc vào nguồn cung nguyên phụ liệu nhập khẩu. Trước tình hình đó, ngành công thương của tỉnh đang thúc đẩy tái cơ cấu các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trong đó xác định trọng tâm là khu vực CNHT.

Do tình hình xuất khẩu bị gián đoạn tại các thị trường xuất khẩu chủ lực, đặc biệt là việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất từ thị trường Trung Quốc giảm đã làm cho một số ngành may mặc, da giày, chế biến gỗ,… bị ảnh hưởng nặng. Trong khi nguồn vật tư chưa được khắc phục, các khách hàng lớn ở châu Âu, Mỹ… liên tiếp hủy, hoặc hoãn đơn hàng, thì dịch bệnh Covid-19 lại xuất hiện trở lại khiến cho các DN càng thêm khó.

Theo đại diện Sở Công thương, hiện trên địa bàn có gần 2.300 DN sản xuất, kinh doanh các sản phẩm CNHT. Đứng trước những khó khăn về nguyên, phụ liệu trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, các DN nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc sử dụng nguồn cung từ các DN trong nước. Mặc dù, thời gian qua năng lực ngành CNHT của tỉnh đã được cải thiện đáng kể, tuy vậy mới chỉ đáp ứng được từ 40-45% cho ngành dệt may, da giày; 10-20% cho sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ; 15% cho điện tử, tin học, viễn thông; 5% cho điện tử chuyên dụng và công nghệ cao...

Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Bình Dương chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, việc một vài DN đầu tư sản xuất nguyên liệu không giải quyết được nhu cầu thực tế. Thêm vào đó, nguồn cung nguyên, phụ liệu trong nước vẫn là tiêu chí các DN may mặc xuất khẩu hướng đến, song hiện tỷ lệ đáp ứng vẫn thấp. Trong khi đó, những sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao thì DN đều phải nhập từ nước ngoài mới đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng, nhất là các thương hiệu lớn. Do đó các bộ, ngành, địa phương cần có chiến lược phát triển nguyên phụ liệu cụ thể; đồng thời có cơ chế chính sách ưu đãi thuế quan tốt hơn đối với các dự án đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu và CNHT mới có thể giải quyết nút thắt về vấn đề quy tắc xuất xứ, giúp DN tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Để nâng cao hiệu quả hỗ trợ DN CNHT, Sở Công thương cũng tăng cường kết nối chặt chẽ với các hiệp hội để nắm bắt nhu cầu. Đồng thời, sở phối hợp cùng Ban quản lý các KCN tổ chức chương trình kết nối cung-cầu, tạo điều kiện cho các DN sản xuất CNHT tăng cơ hội tiếp cận các đối tác trong và ngoài nước, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tiếp tục tháo gỡ những khó khăn và thúc đẩy ngành CNHT phát triển, thời gian qua, tỉnh đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các DN phát triển. Đến nay, đã có nhiều dự án về CNHT từ các tập đoàn lớn trên thế giới được triển khai. Điển hình là dự án nhà máy sản xuất bố lốp, túi khí ô tô với vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD của Tập đoàn KOLON và dự án của Công ty CP Tetra Park Bình Dương (Singapore) chuyên sản xuất bao bì đóng gói vô trùng từ giấy, nhựa và nhôm để đóng gói thực phẩm…

Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết để phát triển công nghiệp bền vững, đi vào chiều sâu, Bình Dương đã và đang tích cực hỗ trợ các DN phát triển CNHT, giúp tăng giá trị các sản phẩm công nghiệp do DN trong nước sản xuất. Trong thời gian tới, Bình Dương sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.

 Hiện Bình Dương đã thu hút được hơn 2.300 DN sản xuất, kinh doanh liên quan đến lĩnh vực CNHT. Bình Dương đang nỗ lực xây dựng chiến lược phát triển lâu dài cho CNHT. Trong đó, trọng tâm xây dựng chương trình phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; xây dựng quy chế quản lý thực hiện chương trình phát triển CNHT; thực hiện các chương trình đào tạo, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý cho DN CNHT…

 NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=749
Quay lên trên