Khi các địa phương phía nam của tỉnh như TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An, TX.Dĩ An đã nhộn nhịp những dự án công nghiệp - đô thị thì những địa phương phía bắc của tỉnh vẫn còn in đậm dấu ấn nông nghiệp. Thế nhưng, trong những năm gần đây, với sự định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh cùng sự đồng thuận của nhân dân, các địa phương phía bắc đã nỗ lực phát triển khu, cụm công nghiệp (CCN) để đón đầu cơ hội, mời gọi nhà đầu tư.
Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư đã đến làm ăn tại các địa phương phía bắc của tỉnh. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Bonfiglioli Việt Nam, KCN Mỹ Phước III (TX.Bến Cát) Ảnh: XUÂN THI
Vươn mình mạnh mẽ
Nếu điểm lại những khu, CCN tập trung tại các huyện, thị phía bắc của tỉnh cách đây hơn 10 năm, dễ nhận ra khi ấy đây chỉ là những vùng đất rộng lớn với hàng ngàn ha đất nông nghiệp kém màu mỡ. Ấy vậy mà giờ đây, những khu, CCN ở đây đã nhanh chóng xuất hiện nhiều dự án lớn cùng hàng ngàn nhà máy, nhà xưởng sản xuất quy mô. Có được điều này, ngoài nỗ lực lớn của tỉnh còn là sự đầu tư hiệu quả của các chủ đầu tư phát triển khu công nghiệp (KCN). Chính vì thế, những KCN sau khi ra đời đều đã chứng tỏ được năng lực, vai trò của mình dưới con mắt của nhà đầu tư đến Bình Dương làm ăn.
Ông Trần Thành Trọng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sáng Ban Mai (KCN Mỹ Phước, TX.Bến Cát) nhớ lại: “Năm 2003, chúng tôi định mở một nhà máy sản xuất ở Bình Dương, thích hợp nhất là ở Bến Cát. Tuy nhiên, khi đó nơi đây còn vắng vẻ, dấu ấn công nghiệp hóa chưa rõ nét nên chúng tôi vẫn còn lưỡng lự. Chỉ 5 năm sau, khi trở lại vùng đất Bến Cát này, chúng tôi đã nhận thấy những nét thay đổi nhanh chóng đến không ngờ. Giờ thì Bến Cát đã là “bến vàng” thực sự trong mắt các nhà đầu tư”.
Cũng có góc nhìn tương tự, ông Hà Bửu Thục, Giám đốc Công ty Xây dựng Tân Hồ Tú (TP.Thủ Dầu Một) cho biết: “Tôi ra trường, làm việc và lập nghiệp ở Bình Dương từ trước năm 2000 trong lĩnh vực xây dựng nhà xưởng nên cảm nhận sự đi lên rất rõ của các địa phương phía bắc của tỉnh. Đặc biệt, trong những năm gần đây, các KCN phía bắc của tỉnh như Việt Hương 2, An Tây, Rạch Bắp… đều có sức phát triển đột phá, thu hút hàng trăm công ty đến đầu tư. Đây là tín hiệu tốt cho quá trình phát triển bền vững của Bình Dương”.
Sau thành công của các KCN phía nam của tỉnh, Bình Dương chủ trương đưa công nghiệp về phía bắc, một mặt để tạo lực thúc đẩy phát triển kinh tế các huyện còn khó khăn, mặt khác để chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây. Thực hiện chủ trương này, chỉ trong thời gian ngắn, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) đã xây dựng xong hạ tầng các KCN Mỹ Phước tại huyện Bến Cát (nay là TX.Bến Cát). Nhờ có sự định hướng, chỉ đạo nhất quán từ sớm của lãnh đạo tỉnh, các KCN phía bắc của tỉnh thời gian qua liên tục nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư. Đến nay, các KCN Mỹ Phước 1, 2, 3 và 4 đã thu hút hơn 400 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD. Nhiều dự án có vốn đầu tư lớn tập trung vào đây như Tập đoàn Kumho Asiana, chuyên sản xuất vỏ xe ô tô đầu tư 360 triệu USD; Công ty Giấy Graft Vina đầu tư 180 triệu USD; Tập đoàn Maruzen Foods Corporation đầu tư 104 triệu USD; Công ty Colgate - Palmolive Việt Nam đầu tư 41 triệu USD; Công ty TNHH Tomoku Việt Nam đầu tư gần 50 triệu USD…
Sự thành công của các KCN Mỹ Phước là tiền đề vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương quyết tâm phát triển công nghiệp ở các địa phương phía bắc. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, sự có mặt của các KCN Singapore Ascendas Protrade, Việt Hương 2, Tân Bình, Bàu Bàng, các CCN Tân Mỹ, Tam Lập, Thanh Tuyền… ở những địa phương phía bắc của tỉnh đã tạo quỹ đất sạch lớn với hạ tầng bài bản, đồng bộ sẵn sàng đón nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới tìm về Bình Dương làm ăn.
Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư
Trong số các khu, CCN phía bắc của tỉnh, Bàu Bàng đang trở thành điểm nhấn đầy thú vị trong công tác thu hút đầu tư. Dù mới được thành lập nhưng đến nay, KCN Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng) đã nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước. Chỉ trong năm 2015, KCN Bàu Bàng tiếp nhận dự án công nghiệp phụ trợ rộng 400 ha, có vốn đầu tư lên đến 274 triệu USD của Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (sẽ nâng lên 1 tỷ USD vốn đầu tư sau khi hoàn thành các giai đoạn). Ngoài ra, Tập đoàn DDK (Đài Loan, Trung Quốc) cũng đã đạt được thỏa thuận với Becamex IDC thuê lại 80 ha đất tại KCN này để thành lập một liên doanh đầu tư dự án tại Việt Nam. Dự án này sẽ có vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD để phát triển cơ sở hạ tầng, thu hút khoảng 60 doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực đến đầu tư.
Trong khi đó, đến nay, KCN Singapore Ascendas Protrade (TX.Bến Cát) đã thu hút một dự án đầu tư trong nước với số vốn 46 tỷ đồng và 22 dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực điện tử, công nghiệp phụ trợ với số vốn 118 triệu USD. Với lợi thế to lớn của mình, KCN Singapore Ascendas Protrade đã nhận được sự tin tưởng đầu tư của Tập đoàn Chenglong (Đài Loan, Trung Quốc). Tập đoàn đã quyết định đầu tư nhà máy sản xuất giấy trị giá 1 tỷ USD tại đây. Được biết, dự án nhà máy giấy của Tập đoàn Cheng Long là dự án FDI thứ 2 của tỉnh đạt mốc 1 tỷ USD và là dự án lớn nhất về công nghiệp từ trước đến nay đầu tư vào Bình Dương.
Có thể nói, qua dòng chảy thời gian, thương hiệu công nghiệp Bình Dương ngày càng vươn xa, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Chính điều này, cộng với nhiều nguồn lực lớn khác về hạ tầng, chính sách… khiến cho các khu, CCN phía bắc của tỉnh ngày càng phát huy lợi thế. Điều này được thể hiện qua dòng chảy FDI đổ về đây rất lớn trong thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, việc hình thành các KCN tập trung trên địa bàn tỉnh nói chung và các KCN ở phía bắc nói riêng đã giúp Bình Dương thu hút mạnh vốn đầu tư phát triển công nghiệp theo kế hoạch, quy hoạch và bảo đảm được sự hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường. Trong thời gian tới, tỉnh nhà tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư từ xã hội để làm nền tảng phát triển công nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đồng thời xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, phát triển giao thông nối kết vùng; nâng tầm dịch vụ để phục vụ tốt nhất cho các nhà đầu tư...
Theo phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Bình Dương đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, sẽ điều chỉnh giảm diện tích một số khu, CCN phía nam của tỉnh như: KCN Tân Đông Hiệp B, Sóng Thần III, Đại Đăng, Phú Tân và Kim Huy. Trong khi đó, hầu hết các khu, CCN phía bắc của tỉnh sẽ được tăng diện tích như: KCN Lai Hưng từ 400 ha lên 600 ha, KCN Cây Trường từ 300 ha lên 700 ha, KCN Nam Tân Uyên từ 620 ha lên 966 ha, KCN Rạch Bắp từ 279 ha lên 639 ha, KCN Việt Hương II từ 250 ha lên 262 ha. Sự điều chỉnh này cộng với sự góp mặt mới của một số KCN mới sẽ hình thành như Bình Dương Riverside, Việt Nam - Singapore III, Tân Lập I, Vĩnh Lập… sẽ là cú hích mạnh mẽ thúc đẩy quá trình lan tỏa công nghiệp về phía bắc của tỉnh Bình Dương thêm mạnh mẽ, đúng với tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.
KHÁNH VINH - PHÙNG HIẾU