Từ đầu năm đến nay, ngành công nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá. Chỉ tính trong tháng 7, một số lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng hơn 10% so với tháng 6.
Tăng chủ yếu ở lĩnh vực chế biến - chế tạo
Theo Sở Công thương, trong tháng 7-2017, sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng khá so với tháng trước. Cụ thể, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh ước tăng 6,1% so tháng trước; tính chung trong 7 tháng qua tăng 8,79% so với cùng kỳ năm 2016. Một số lĩnh vực tăng khá như công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,17% so với tháng trước và tăng 13,09% so với cùng kỳ; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 0,57% so với tháng trước và tăng 19,57% so với cùng kỳ. ..
Hoạt động sản xuất tại Công ty Kumho Việt Nam (KCN Mỹ Phước, TX.Bến Cát). Ảnh: XUÂN THI
Các ngành công nghiệp của tỉnh có mức tăng trưởng khá chủ yếu là nhóm ngành công nghiệp chế biến - chế tạo. Cụ thể, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 13,55%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 10,55%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 7,46%; sản xuất sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại tăng 24,31%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 16,84%... so với cùng kỳ năm 2016.
Ông Trần Thanh Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị tự động Tiến Phát (TX.Thuận An), cho biết Bình Dương đang trở thành một trong những trung tâm sản xuất và phân phối hàng hóa lớn của cả nước. Không những thế, môi trường đầu tư của tỉnh tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư. Có thể nói, mỗi ngành công nghiệp đều có liên quan và bổ trợ trực tiếp cho nhau; càng nhiều ngành công nghiệp càng giúp tỉnh Bình Dương tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.
Ổn định nhân sự phục vụ đơn hàng cuối năm
Thống kế của ngành chức năng cho thấy, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng; chỉ tính trong tháng 7 nhu cầu lao động của DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,12% so với tháng trước. Nhu cầu về lao động trong tháng qua tăng đều ở các ngành, trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 4,37%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,06%... Tính chung trong 7 tháng qua, nhu cầu sử dụng lao động của các DN trên địa bàn tỉnh tăng 7,77% so với cùng kỳ; trong đó DN Nhà nước tăng 3,84%, DN ngoài Nhà nước tăng 14,15%, DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng 5,45%.
Trong lĩnh vực công nghiệp của tỉnh, trong tháng 7 một số ngành có chỉ số sử dụng lao động tăng so với cùng thời điểm năm trước (tháng 7-2016) như: Khai khoáng tăng 7,57%, dệt may tăng 2,95%, sản xuất da và các sản phẩm từ da tăng 19,9%, sản xuất giấy tăng 7,13%, sản xuất hóa chất tăng 5,16%...
Theo dự báo, từ nay đến cuối năm nhu cầu về lao động của các DN tiếp tục tăng. Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, cho biết đối với DN da giày, lao động lâu năm thạo nghề trở thành tài sản quý của mỗi DN, vì vậy việc giữ chân người lao động là vấn đề đang được DN rất quan tâm. Còn lãnh đạo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương thì cho rằng không riêng ngành gỗ, các ngành công nghiệp khác của tỉnh cũng đang gặp thách thức trong việc ổn định và tăng cường nguồn nhân lực phục vụ cho đơn hàng dịp cuối năm.
Ông Vương Siêu Tín, Giám đốc Công ty Gốm sứ Phước Dũ Long, chia sẻ vào mùa cao điểm (cuối năm) giao hàng, các DN rất lo lắng kiểu cạnh tranh lao động không lành mạnh, lôi kéo nhân lực của nhau. Để tuyển dụng và đào tạo một lao động lành nghề, DN tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc. “Từ nay tới cuối năm DN sẽ phải vừa “ngó đơn hàng”, vừa “ngó nhân công” mới bảo đảm được kế hoạch sản xuất”, ông Tín nói.
XUÂN VĨ