Công nghiệp tiếp tục bứt phá mạnh mẽ

Cập nhật: 05-10-2020 | 08:39:06

Bài 1: Hạt nhân tăng trưởng

Trong nhiệm kỳ qua, cùng với các thành tựu kinh tế - xã hội, ngành công nghiệp của tỉnh ngày càng phát triển vượt bậc. Bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh, dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước đã chảy mạnh vào tỉnh, Bình Dương tiếp tục xác định công nghiệp tiếp tục là ngành chủ lực của nền kinh tế.

Hạ tầng công nghiệp hiện đại

Là một trong những địa phương có ngành công nghiệp phát triển mạnh nhất cả nước, Bình Dương đã đạt nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt là quy hoạch, phát triển các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh. Từ KCN đầu tiên của Bình Dương là Sóng Thần 1 được hình thành từ năm 1995 với diện tích 180 ha, đến nay sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã có 48 KCN, cụm công nghiệp với tổng diện tích lên đến hơn 10.000 ha, chiếm 1/4 diện tích KCN toàn miền Nam. Bình Dương đã và đang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất công nghiệp.

Bình Dương tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN gắn với đô thị hóa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Trong ảnh: KCN Việt Nam - Singapore 2. Ảnh: XUÂN THI

Ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, từ năm 1997, Bình Dương đã sớm chú trọng phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN gắn với đô thị hóa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội. Chính sự ra đời của các KCN đã đưa công nghiệp của tỉnh bứt phá, tạo tiền đề cho thương mại - dịch vụ và đô thị phát triển theo. Các KCN của tỉnh với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có vị trí thuận lợi, liền kề các trục giao thông quan trọng kết nối với TP.Hồ Chí Minh và các vùng lân cận, đã thu hút được nhiều DN lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư.

Hiện nay, toàn tỉnh có 31 KCN với tổng diện tích 12.721 ha, trong đó có 29 KCN đã đi vào hoạt đông với tổng diện tích 11.021 ha, tỷ lệ lấp kín đạt trên 70%. Hiện các KCN đã thu hút 2.914 dự án, bao gồm 2.262 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 24 tỷ đô la Mỹ và 652 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 72.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều KCN đã trở thành thương hiệu, giúp Bình Dương thu hút được nhiều DN lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư. Hầu hết các DN lớn đầu tư tại Bình Dương chọn lựa vào các KCN tập trung.

Ông Kim Heun Tae, Tổng Giám đốc Công ty TNHH NTI Vina, KCN Việt Nam - Singapore 2, cho biết hầu hết các KCN ở Bình Dương đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư với quỹ đất “sạch”, hạ tầng đồng bộ, giúp nhà đầu tư triển khai nhanh dự án để nắm bắt cơ hội cạnh tranh và dễ dàng nâng vốn mở rộng sản xuất. Các KCN kết nối ra bên ngoài, kết nối vùng thuận lợi, giúp cho hàng hóa của DN vận chuyển thông suốt, nhanh chóng.

Chủ động, định hướng

Có thể thấy, nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng và phù hợp với quy hoạch, kinh tế của tỉnh phát triển nhanh chóng theo hướng công nghiệp - dịch vụ với tỷ trọng tương ứng là 66,5 - 22,78%, nông nghiệp chỉ còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu kinh tế; giúp kinh tế của tỉnh phát triển theo kế hoạch, quy hoạch cụ thể và bảo đảm hài hòa giữa các mục tiêu tăng trưởng.

Theo UBND tỉnh, chỉ tính riêng trong năm 2019 sản xuất công nghiệp trong toàn tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, các DN duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững tốc độ tăng trưởng, tích cực thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm và phát triển thị trường. Nhờ đó chỉ số phát triển công nghiệp của tỉnh tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, đạt 9,86%, đây là mức tăng thuộc tốp đầu của cả nước. Riêng 9 tháng năm 2020, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, toàn bộ nền kinh tế đều chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19 cả từ hai phía cung và cầu, nhưng công nghiệp của Bình Dương vẫn tiếp đà tăng trưởng tốt, tiếp tục thể hiện vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Có được kết quả này, một trong những nguyên nhân quan trọng là hầu hết các dự án đầu tư vào Bình Dương trong thời gian qua đều thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Vấn đề này rất phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương trong hành trình vươn lên thành một tỉnh dẫn đầu về công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà tỉnh đã đề ra.

Giai đoạn 2015-2020, Bình Dương xác định công nghiệp là ngành chủ lực, vì thế tỉnh đã có nhiều chính sách ưu tiên công nghiệp để chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho phù hợp. Kết quả Bình Dương đang là địa phương có công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, góp phần đưa tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao hơn bình quân chung. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng trưởng cao hơn kế hoạch, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Trong đó, công nghiệp phát triển đúng định hướng và tiếp tục là ngành chủ lực của nền kinh tế.

Theo UBND tỉnh, để công nghiệp của tỉnh đi vào chiều sâu, tới đây tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp mũi nhọn, chế biến chế tạo, cung cấp nguyên phụ liệu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm công nghiệp. Bình Dương cũng sẽ xây dựng kế hoạch từng bước chuyển đổi công năng các khu, cụm công nghiệp phía nam của tỉnh phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, dịch vụ. Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung thực hiện đúng lộ trình phát triển các KCN đã có chủ trương của Chính phủ.

Trong thời gian tới, ngành công nghiệp của Bình Dương được nhận định sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa, xứng đáng là ngành kinh tế chủ lực, phát triển đúng định hướng. Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp, kế hoạch sản xuất “sạch” hơn trong công nghiệp. Bên cạnh đó, các DN sản xuất trên địa bàn tỉnh cũng cần sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng, nguyên liệu đầu vào, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, bảo đảm cho sự phát triển bền vững. (Còn tiếp)

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh, tạo động lực để phát triển đô thị, dịch vụ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 9,64%/năm, bảo đảm đúng định hướng; cơ cấu ngành chuyển biến tích cực. Công nghiệp hỗ trợ bước đầu có sự phát triển, gắn với liên kết chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia; phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, công nghiệp chế tạo; từng bước chuyển dịch phát triển công nghiệp từ phía nam lên phía bắc tỉnh. Các KCN không ngừng hoàn thiện, nâng cấp và mở rộng kết nối, đáp ứng yêu cầu thu hút DN đầu tư.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=845
Quay lên trên