Công nhân và những kỹ năng sống

Cập nhật: 07-09-2019 | 06:47:11

Công nhân ở trọ dành nhiều thời gian cho lao động nên việc tiếp cận những thông tin và tìm hiểu kiến thức cần thiết còn hạn chế. Việc nâng cao những kiến thức, kỹ năng sống luôn là lợi ích mà công nhân lao động (CNLĐ) cần chủ động trang bị cho bản thân.


Tỉnh đoàn tổ chức tuyên truyền phòng chống ma túy tại chi hội thanh niên công nhân ở phường Tân Bình (TX.Dĩ An) nhằm trang bị cho người lao động ở trọ có những thông tin, kiến thức cần thiết trong cuộc sống

Những kỹ năng sống để giúp công nhân hội nhập nhịp sống đô thị là điều trước tiên cần có. Công nhân cần biết cách ứng xử giữa đồng nghiệp với nhau, giữa công nhân cùng xóm trọ, trong mối quan hệ gia đình cũng như trong những tình huống ở nơi đông người. Nhiều CNLĐ vì còn e dè trong việc tiếp xúc với người cùng trọ nên thiếu đi sự kết nối, nghĩa tình, đời sống tinh thần xa quê sẽ buồn tẻ. Sống hòa đồng hơn khi xa nhà, tham gia các hoạt động chi hội, đoàn thể địa phương, tâm trạng vui vẻ, lạc quan ắt hẳn bổ ích, xua tan lo toan, vất vả trong cuộc sống mưu sinh. Cùng với đó, vẫn còn công nhân chưa biết cách ứng xử với các tình huống xảy ra hàng ngày dẫn đến ảnh hưởng cuộc sống và công việc gây nhiều sự việc đáng tiếc.

Anh Trương Tấn Tài, công nhân ở trọ tại phường Lái Thiêu (TX.Thuận An), nói: “Trong môi trường sống phòng trọ san sát nhau, hay áp lực kinh tế gia đình và những vấn đề xảy ra ở nơi công cộng tại các khu, cụm công nghiệp đông người luôn là những câu chuyện mà nhiều anh chị em CNLĐ vẫn thường đề cập với sự việc phát sinh không tốt. Chỉ cần mỗi người có ý thức tích cực, ứng xử văn hóa hơn và hành động tế nhị trong các mối quan hệ thì tôi nghĩ môi trường sống của CNLĐ ngày càng cải thiện”.

Có thể nói, an ninh trật tự, tệ nạn xã hội, an toàn phòng trọ, kiến thức tiêu dùng và sức khỏe là những vấn đề mà CNLĐ nhất định phải tự trang bị cho mình những hiểu biết cơ bản cần thiết nhất. Thực trạng cho thấy kỹ năng sống trong một số công nhân rất hạn chế, do vậy họ là đối tượng gánh nhiều rủi ro. Xa quê lập nghiệp mọi thứ còn lạ lẫm, đó cũng là lý do nhiều lao động dễ dàng sa vào cạm bẫy của kẻ xấu và còn rất nhiều công nhân do thu nhập còn hạn hẹp đã vay nặng lãi bên ngoài và vướng vào nợ nần. Không những vậy, trong thời gian qua, đối tượng là nữ công nhân sống thử, dẫn đến việc nạo phá thai sinh con rồi bỏ rơi, hoặc rơi vào tình trạng bạo hành, hôn nhân không hạnh phúc, đổ vỡ, trẻ em không có sự chăm lo, giáo dục… dẫn đến nhiều hệ lụy cho xã hội .

Chị Nguyễn Thị Hạnh, một công nhân ở TX.Dĩ An, nói: “Đối với nữ CNLĐ xa quê thì cần phải có nhiều kiến thức trong đời sống hàng ngày. Từ việc lựa chọn thực phẩm đến việc chăm sóc con cái, sức khỏe cho bản thân, hay là chuyện hôn nhân đều cần phải có kỹ năng, hiểu biết thì mới trọn vẹn mọi thứ. Chị em cũng cần có tinh thần vươn lên, học hỏi, trang bị cho bản thân những điều cần biết để cuộc sống tự tin hơn”.

Thời gian qua, các cấp Đoàn, Hội trong tỉnh đã tăng cường hoạt động tuyên truyền cho CNLĐ nhiều nội dung cần thiết như kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng tác phong công nghiệp, phòng chống các dịch bệnh, tuyên truyền phòng chống ma túy, các tệ nạn xã hội, văn hóa giao thông. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn, Hội còn phối hợp tăng cường tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy, bảo hiểm xã hội, giao thông, hôn nhân gia đình, lao động..., góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho CNLĐ nhà trọ. Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đều phối hợp với Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh tổ chức chuỗi chương trình tập huấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, các biện pháp phòng, tránh thai ngoài ý muốn và các bệnh lây truyền qua đường tình dục trong CNLĐ.

NHƯ Ý

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên