Công tác khuyến công ngày càng thiết thực, đi vào chiều sâu

Cập nhật: 23-10-2020 | 07:49:49

Trong dịch bệnh Covid-19, công tác khuyến công ngày càng thiết thực hơn, đi vào chiều sâu, góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) có thêm động lực phát triển.

 Nguồn vốn khuyến công hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp ngành cơ khí chính xác. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Thành Danh Đạt, TP .Thuận An

 Bám sát thực tế

Theo đánh giá của Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và phát triển công nghiệp tỉnh, hiệu quả mang lại từ nguồn vốn khuyến công là rất thiết thực, góp phần hỗ trợ DN đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất, giải quyết thêm nhiều việc làm cho lao động và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời tập trung hỗ trợ cơ sở CNNT nâng cao công nghệ sản xuất, thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Qua đó, giúp cơ sở CNNT chủ động được các khâu sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng, bảo quản tốt sản phẩm sau thu hoạch, góp phần giảm chi phí sản xuất, tạo doanh thu, lợi nhuận cho đơn vị, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và đầu ra ổn định cho nguồn nguyên liệu của địa phương.

Đặc biệt, trong hoạt động hỗ trợ, đơn vị chức năng chú trọng các hoạt động sáng tạo, các chỉ số tác động về giá trị gia tăng, tiến bộ về công nghệ, xã hội, môi trường. Tạo mọi điều kiện cho các cơ sở CNNT thuận lợi trong tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số thông qua chính sách khuyến công. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Theo kế hoạch, trong năm 2020, chương trình khuyến công của tỉnh tập trung nâng cao chất lượng các đề án khuyến công, chọn những đề án có sức lan tỏa lớn để tận dụng được tiềm năng, thế mạnh, hỗ trợ phát triển các sản phẩm CNNT tiêu biểu tại địa phương. Trong đó, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất, từng bước tổ chức có hiệu quả; trợ giúp các cơ sở CNNT thiết kế mẫu mã, bao bì, đóng gói sản phẩm được đẩy mạnh... góp phần tạo ra năng lực sản xuất mới cho các cơ sở CNNT, bảo đảm an ninh trật tự xã hội, đóng góp vào tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Sự hỗ trợ của chương trình khuyến công đã giúp các cơ sở CNNT được đầu tư, trang bị thêm nhiều máy móc, thiết bị, ứng dụng công nghệ mới tiên tiến, hiện đại tham gia vào quá trình sản xuất, góp phần hình thành nên các sản phẩm ngày càng chất lượng.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thùy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vị Hảo đánh giá cao các chương trình khuyến công của tỉnh đối với DN trên địa bàn tỉnh trong thời gian dịch bệnh. Nguồn vốn hỗ trợ từ đề án đã giúp công ty đầu tư thiết bị tiến tiến, sản xuất những sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Hiện tại, sản phẩm DN này đã được xuất khẩu sang thị trường các nước như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật, châu Âu, Nga... “Trước đây, khi chưa đầu tư máy dò kim loại Square và máy dán màng nhôm bằng sóng cao tần tự động, sản phẩm sản xuất ra công ty phải mang mẫu đến đơn vị có chức năng tiến hành dò và phân tích thành phần kim loại, nếu sản phẩm không đạt, công ty phải loại bỏ hoàn toàn lô sản phẩm đã sản xuất, gây lãng phí rất lớn. Đồng thời, đầu tư máy dán màng nhôm tự động sẽ tăng năng suất sản xuất, bảo vệ chất lượng sản phẩm, nâng cao tính thẩm mỹ và an toàn trong vận chuyển. Khi các máy móc thiết bị trên được vận hành, công ty bảo đảm chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất, tránh lãng phí khi phát hiện sản phẩm không đạt do phân tích thành phần kim loại. Đặc biệt là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm do máy hoạt động hoàn toàn tự động và khép kín. Ước tính doanh thu bảo đảm tăng từ 10 - 15%, dự kiến thời gian thu hồi vốn đầu tư là 18 tháng”, bà Thùy chia sẻ.

Thực tế cho thấy, việc hỗ trợ DN ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất đã giúp nâng cao năng lực, phát triển sản xuất và tăng sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần tạo đầu ra ổn định và giá trị tăng thêm. Ông Lê Hoàng Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Tanoi, cho biết nhờ đổi mới thiết bị máy móc, các DN, cơ sở sản xuất có thể tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, cạnh tranh tốt trên thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo lãnh đạo công ty, để tạo ra sản phẩm tốt, có độ chính xác, độ bền cao đòi hỏi phải đầu tư nhiều máy móc hiện đại. Và chính nguồn kinh phí khuyến công đã tiếp sức cho DN có thêm điều kiện về vốn để đầu tư máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất. Điều này thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành đến sự phát triển của công ty, là nguồn động viên lớn để công ty đi vào sản xuất ổn định.

Hiện nay, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, trung tâm sẽ tăng cường tiếp xúc các DN, tập trung rà soát nhu cầu của các cơ sở CNNT, ưu tiên hỗ trợ các ngành, sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn.

Ngày càng đi vào nề nếp

Có thể thấy, trong những năm qua chương trình khuyến công đã làm tốt vai trò đồng hành cùng phát triển với DN trên địa bàn tỉnh. Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, công tác khuyến công được trung tâm bảo đảm thực hiện đúng ngành nghề, đúng đối tượng thụ hưởng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách phát triển công nghiệp, thương mại, hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại, tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp để DN nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác; hỗ trợ DN phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu. Đồng thời, khuyến khích các thành phần kinh tế tích cực đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất, cải tiến, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững. Cụ thể, công tác khuyến công sẽ tập trung hỗ trợ phát triển sâu ngành công nghiệp chế biến, hỗ trợ các cơ sở DN khởi nghiệp với sản phẩm mới, đặc trưng thế mạnh của địa phương.

Theo đánh giá, thời gian tới, dự lường việc triển khai thực hiện các hoạt động khuyến công sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi những tác động của nền kinh tế trong và ngoài nước. Hoạt động sản xuất công nghiệp có xu hướng chậm lại do hoạt động thương mại trên thế giới đang có chiều hướng chững lại. Hàng hóa sản xuất trong nước, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng sẽ phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu theo lộ trình giảm thuế của các hiệp định thương mại tự do...

Trước tình hình đó, ngành công thương tiếp tục tập trung hỗ trợ các nội dung, hoạt động hiệu quả của chương trình như xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến. Chú trọng hỗ trợ phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp ưu tiên làm nền tảng cho hiện đại hóa nông thôn, có giá trị tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn và phải tạo được nhiều việc làm hơn nữa cho lao động nông thôn, gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=580
Quay lên trên