Thực hiện công tác phòng, chống thiên tai (PCTT), thời gian qua tỉnh Bình Dương đã nỗ lực thực hiện các phương án ứng phó, các giải pháp cần thiết bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu thiệt hại. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thực hiện hiệu quả công tác khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai.
Tích cực triển khai phương án ứng phó
Những năm gần đây, tuy không bị ảnh hưởng trực tiếp của các trận bão, áp thấp nhiệt đới nhưng trên địa bàn tỉnh thường xảy ra một số loại hình thiên tai như lốc xoáy, mưa đá, ngập úng… Chỉ tính trong năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 23 trận thiên tai, ước tổng giá trị thiệt hại về tài sản là 22,244 tỷ đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 trận mưa kèm lốc xoáy, ước tổng giá trị thiệt hại về tài sản khoảng 11,054 tỷ đồng.
Ông Lê Cảnh Dần, Phó trưởng ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết thực hiện Luật PCTT, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2733/QĐ-UBND ngày 23- 10-2015 về phương án phòng, tránh, ứng phó khi áp thấp nhiệt đới, bão, bão mạnh đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Bình Dương và Quyết định số 3285/QĐ- UBND ngày 15-12-2015 về phương án phòng tránh, ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh, hàng năm ban chỉ huy các cấp rà soát, cập nhật tình hình, xây dựng kế hoạch PCTT phù hợp với thực tế.
Ông Phạm Hồng Hà (thứ hai từ trái qua), Bộ trưởng Bộ Xây dựng, các thành viên trong Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và lãnh đạo tỉnh khảo sát công trình trục thoát nước Chòm Sao - Suối Đờn. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Theo đó, phương án phòng tránh, ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng chi tiết ứng phó với bão, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất… theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Trong đó, các biện pháp cần thiết bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu thiệt hại được tỉnh đặc biệt quan tâm, như xác định rõ 135 địa điểm xung yếu, có nguy cơ bị ảnh hưởng do thiên tai, 148 địa điểm an toàn sơ tán người dân trong 3 tình huống thiên tai tổ hợp của bão, lũ, xả lũ hồ chứa.
Bên cạnh đó, trong công tác PCTT theo phương châm “4 tại chỗ” ứng phó với bão lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất… nhất là các biện pháp cần thiết bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu thiệt hại, các huyện, thị, thành phố và các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã xây dựng phương án ứng phó theo đúng phương châm, đầy đủ trình tự.
Kịp thời khắc phục khó khăn
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo đánh giá, công tác PCTT của tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn. Cụ thể như mức báo động trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai theo Quyết định số 632/ QĐ-TTg ngày 10-5-2010 của Thủ tướng Chính phủ quá dày, điều này gây ảnh hưởng, bất cập đến công tác chỉ đạo PCTT do phải thực hiện theo quy định của Nghị định số 160/2018/NĐ-CP.
Đến nay, 91/91 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã thành lập đội xung kích phòng, chống thiên tai với 4.431 người. Thành phần nòng cốt của các đội xung kích này là lực lượng dân quân và các tổ chức, đoàn thể. |
Để thực hiện tốt công tác PCTT trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 94/2014/NĐ-CP. Ban chỉ huy cũng kiến nghị xây dựng quy chế phối hợp giữa 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và các bộ, ngành có liên quan để thống nhất trong thực hiện Quyết định số 16/QĐ-TTg ngày 7-2-2017 của Thủ tướng Chính phủ nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối công trình và chất lượng nước hồ Dầu Tiếng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có sông Bé, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Thị Tính chảy qua. Toàn tỉnh có 82 điểm sạt lở bờ sông làm mất đất sản xuất, 113 hộ dân có nhà ở nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở (sông Đồng Nai) thuộc diện cần phải di dời. Ông Dần cho biết nguyên nhân sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh phần lớn do dòng chảy và khai thác cát dưới lòng sông. Bờ sông Đồng Nai đoạn từ cầu Rạch Tre đến Thị ủy Tân Uyên là vùng sạt lở nghiêm trọng nhất trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã có dự án xây dựng bờ kè chống sạt lở sông Đồng Nai đoạn từ cầu Rạch Tre đến Thị ủy Tân Uyên với tổng chiều dài 805m, tổng mức đầu tư 293,5 tỷ đồng.
Đối với các điểm sạt lở trên địa bàn nông thôn trong tỉnh, khu vực này dân cư thưa, mức độ sạt lở bình thường, xảy ra từ các năm trước. Đến nay, khu vực này đã ổn định, không sạt lở thêm. Chính quyền địa phương đã vận động người dân đóng cọc cừ dừa, cừ tràm, trồng cây chắn sóng như dừa nước, mù u, sơn trắng… để chống sạt lở.
Phát biểu tại buổi kiểm tra công tác PCTT của tỉnh, ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đã ghi nhận những kết quả nổi bật của tỉnh Bình Dương trong công tác PCTT; lãnh đạo tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo trong công tác PCTT và chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả; thành lập được các đội xung kích. Ông cũng đề nghị tỉnh thường xuyên cập nhật tình hình, không chủ quan trước các diễn biến khí hậu; kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình, an toàn trong thi công; tiếp tục tăng cường diễn tập PCTT…
Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT do ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm trưởng đoàn vừa tiến hành kiểm tra thực địa tình hình thực hiện PCTT tại công trình đê bao An Sơn - Lái Thiêu. Đây là dự án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư xây dựng và bàn giao cho tỉnh quản lý vào năm 2012, với chức năng tiêu thoát nước và ngăn triều cho gần 2.700 ha, tưới cho 1.749 ha. Dự án có cao trình 2,2m. Năm 2017, tỉnh tiếp tục đầu tư nâng cấp thêm gần 1.700m đê bao đoạn từ rạch Bình Nhâm đến đường Châu Văn Tiếp thành đường ven sông Sài Gòn, kết hợp chỉnh trang đô thị, tạo cảnh quan trong khu vực với cao trình lên hơn 2,5m. Đoàn cũng khảo sát công trình trục thoát nước Chòm Sao - Suối Đờn, tình hình tiêu thoát nước giao thông nội vùng của toàn lưu vực... |
PHƯƠNG LÊ