CPTPP được ký kết là cơ hội phát triển thương mại cho Việt Nam

Cập nhật: 09-03-2018 | 15:18:15

 

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI.

Sau nhiều thách thức, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được ký kết tại Chile với sự tham gia của 11 quốc gia thành viên; trong đó có Việt Nam.

Kết quả đạt được này sẽ tạo thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân tại các quốc gia thành viên.

CPTPP, với cam kết mở cửa thị trường sẽ là thông điệp mạnh mẽ chống lại xu hướng bảo hộ hiện nay trên thế giới; đồng thời, hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích kinh tế.

Phóng viên  đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI) về những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam khi CPTPP được triển khai thực hiện.

- Thưa bà, sau khi ký kết CPTPP, cơ hội nào sẽ dành cho Việt Nam?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Tiếp nối gần như toàn bộ nội dung cam kết của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), CPTPP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với các cam kết mở cửa mạnh mẽ thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư cũng như về các tiêu chuẩn cao về quy tắc bao trùm nhiều lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường…

Vì thế, CPTPP dự kiến sẽ mang tới cho Việt Nam nhiều cơ hội phát triển thương mại và đầu tư tương tự TPP.

Cụ thể, CPTPP dự kiến sẽ tạo ra những lợi thế lớn cho xuất khẩu Việt Nam, khi mở ra con đường ưu tiên cho hàng hóa Việt Nam với những ưu đãi thuế quan khi tiếp cận thị trường 10 nước đối tác.

Lợi thế này là rất đáng kể ở các thị trường mà Việt Nam chưa từng có FTA như Canada, Mexico, Peru… Ngay với cả các đối tác mà Việt Nam đã có FTA như Nhật Bản, Australia, New Zealand…, CPTPP cũng tạo thêm cơ hội mới, lựa chọn mới cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi tiếp cận các thị trường này.

Tất nhiên, cùng với đó, CPTPP cũng sẽ tạo ra sức ép thúc đẩy các cải cách mạnh về thể chế kinh tế trong nước, theo các tiêu chuẩn cao về đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm công…

Với các cam kết về đầu tư, mở cửa các thị trường dịch vụ mạnh hơn, CPTPP dự kiến thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời giúp cho cạnh tranh trong nhiều thị trường dịch vụ mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong các dịch vụ phục vụ sản xuất; hứa hẹn mang lại chất lượng cao hơn, giá hợp lý hơn cho người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ.

Tuy nhiên, so với TPP, CPTPP thiếu mất một thành viên quan trọng là Mỹ. Vì vậy, những kỳ vọng mà Việt Nam mong chờ nhất từ thị trường Mỹ trong TPP này cũng sẽ không còn trong CPTPP. Tác động tích cực của CPTPP đối với Việt Nam vì vậy cũng giảm hơn so với TPP, nhất là cơ hội về thuế quan ở thị trường khổng lồ này.

- Vậy ưu điểm vượt trội của CPTPP là gì so với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với nhiều đối tác khác trong khu vực và trên thế giới, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Việt Nam đã có 10 FTA đang có hiệu lực; trong đó, phần lớn là các FTA truyền thống chỉ xoay quanh các vấn đề về thương mại hàng hóa như thuế quan, quy tắc xuất xứ, hải quan, hàng rào kỹ thuật....

Các FTA thế hệ mới với khối Liên minh Á-Âu hay với Hàn Quốc… cũng gồm các nội dung về thương mại dịch vụ và nhiều khía cạnh khác được áp dụng ở phạm vi rộng hơn; mức độ mở cửa mạnh hơn đáng kể và các quy tắc trong các lĩnh vực cũng có tiêu chuẩn cao hơn nhiều.

Đó là chưa kể tới số lượng các thành viên CPTPP cũng lớn hơn so với bất kỳ FTA nào mà ta đã có trước đây, điều này sẽ giúp gia tăng đáng kể lợi ích của CPTPP so với các FTA khác, đặc biệt là về thương mại hàng hóa.

Với đặc điểm như vậy, CPTPP dự kiến sẽ mang lại những cơ hội lớn và vượt trội so với các FTA mà chúng ta đang có hiện tại. Chuyện còn lại là làm thế nào để tận dụng và hiện thực hóa được các cơ hội này trên thực tế.

- Xét ở góc độ các chính sách pháp luật hiện hành của Việt Nam thì việc thực thi CPTPP theo bà có khó khăn hay vướng mắc gì không?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang: CPTPP bao gồm nhiều cam kết về các vấn đề phía sau đường biên giới, với các tiêu chuẩn cao hơn so với mặt bằng chung trong các hiệp định của WTO ở nhiều lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, đầu tư, giải quyết tranh chấp, hải quan, phòng vệ thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn…

Thậm chí CPTPP còn bao gồm cả những cam kết về các vấn đề vượt ra ngoài WTO như mua sắm công, lao động, môi trường…

Do đó, dự kiến khi triển khai thực hiện CPTPP, chúng ta sẽ phải rà soát, sửa đổi hệ thống pháp luật trong khá nhiều lĩnh vực.

Vấn đề là nằm ở việc sửa đổi các quy định pháp luật nội địa theo hướng nào để vừa có thể bảo đảm tuân thủ cam kết CPTPP, vừa mang lại lợi ích tốt nhất cho Việt Nam.

Tiếp theo là việc tổ chức thực hiện các quy định này như thế nào, pháp luật trên văn bản là một chuyện, việc thực thi, hiện thực hóa pháp luật đó trên thực tế lại là cả một vấn đề khác.

Đối với doanh nghiệp, thực thi các quy định pháp luật theo cam kết tiêu chuẩn cao của CPTPP tất nhiên sẽ dẫn tới những chi phí bổ sung đáng kể, tạo ra sức ép lớn cho doanh nghiệp.

Tiêu chuẩn lao động cao hơn, tiêu chuẩn môi trường phức tạp hơn… là một trong số những ví dụ cho điều này. Đây mới chính là thách thức thực tiễn lớn nhất của việc thực thi các cam kết.

- Xin cảm ơn bà! 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=478
Quay lên trên