Cử tri tin tưởng sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả

Cập nhật: 16-10-2023 | 16:43:09

Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trên cả nước đã tiếp xúc cử tri, thông báo chương trình kỳ họp đồng thời nắm bắt và lắng nghe tâm tư, ý kiến, nguyện vọng của cử tri, nhân dân.

Qua tổng hợp những ý kiến từ cơ sở, có thể thấy cử tri bày tỏ vui mừng trước những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là trong 9 tháng năm 2023; tin tưởng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, có các giải pháp, chính sách hiệu quả, toàn diện trên tất cả lĩnh vực.

Thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đồng bộ

Cử tri cho rằng năm 2023 là một năm có nhiều khó khăn. Tình hình thế giới diễn biến phức tạp, nhưng Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra những chủ trương, chính sách mạnh mẽ giúp ổn định kinh tế; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Đời sống nhân dân được cải thiện. Cử tri đề nghị tăng cường hơn nữa các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội một cách đồng bộ, góp phần tăng trưởng kinh tế, tăng cường an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Cử tri đặc biệt ấn tượng với những thành công về hoạt động đối ngoại, tiêu biểu là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cho thấy vị thế đất nước ta ngày càng được củng cố nâng cao trên trường quốc tế. Cử tri cũng đánh giá cao kết quả Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) vừa kết thúc, cùng nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, Chính phủ.

Chia sẻ với cử tri một số kết quả quan trọng về chính trị, kinh tế-xã hội, nhất là hoạt động đối ngoại thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định quan điểm nhất quán, đường lối đối ngoại và phong cách "Ngoại giao Cây Tre" gốc vững chắc, nhưng thân mềm dẻo, có tình, có lý, có trước, có sau của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về Việt Nam. Trong đó, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2023, Việt Nam xếp hạng 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022; xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc; xếp hạng giá trị thương hiệu quốc gia tăng 1 bậc, xếp thứ 32/100 với trị giá 431 tỷ USD, có mức tăng trưởng nhanh trên thế giới...

Phân tích bối cảnh, tình hình thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ mục tiêu tổng quát trước mắt là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn; chú trọng an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị-xã hội, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại; giữ gìn môi trường hòa bình, điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.

Để thực hiện mục tiêu đó, Chính phủ điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, hài hòa giữa các chính sách, nhất là các chính sách tài khóa, tiền tệ; thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện quyết liệt Chương trình Phục hồi và Phát triển Kinh tế-Xã hội, 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia.

Chính phủ tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu là công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, chú trọng tận dụng thời cơ, phát triển các ngành, lĩnh vực mới nổi, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, như trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, năng lượng sạch, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…

Bảo đảm chất lượng tốt nhất các dự án luật

Công tác xây dựng pháp luật luôn là nhiệm vụ trọng tâm của mỗi kỳ họp. Dự kiến, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tinh thần chuẩn bị dự án luật với chất lượng tốt nhất, chỉ thông qua khi chất lượng dự án Luật bảo đảm... Vấn đề này thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.

Cử tri Nguyễn Ngọc Hải, phường Hải Sơn, quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng, đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung thống nhất các quy định về biển đảo và ban hành quy định cho phép chỉ thực hiện giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai đối với các dự án đầu tư lấn biển để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Ghi nhận ý kiến của cử tri, theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang trình Quốc hội xem xét có quy định riêng về chế độ sử dụng đất cho hoạt động lấn biển. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hải Phòng có nghiên cứu tiếp tục đóng góp vào nội dung này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng trao đổi, giải đáp, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Theo chương trình, dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Chủ tịch Quốc hội cho biết công tác rà soát, nhất là đối với chung cư mini đang được thực hiện, tinh thần là bảo đảm nhu cầu thực tế của người dân nhưng không hợp thức hóa các sai phạm, phải quy định rất chặt chẽ loại hình nhà ở này. Cùng với đó là yêu cầu ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí và có những điều khoản chuyển tiếp đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân, cũng như công tác bảo đảm an ninh, an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Đầu tư phát triển hạ tầng số

Tại các buổi tiếp xúc, cử tri bày tỏ, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn đang diễn ra quyết liệt, đạt hiệu quả cao, thể hiện sự quyết tâm lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân làm trong sạch bộ máy, củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Việc xử lý cán bộ vi phạm có nhiều bước tiến lớn, toàn diện. Việc điều tra, xét xử không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo đột phá mới trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý cán bộ vi phạm.

Cử tri mong muốn Đảng và chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương tiếp tục kiên quyết, kiên trì, không ngừng nghỉ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Việc điều tra, xét xử các vụ án phải đến cùng, công khai, nghiêm minh, có tính răn đe cao. Việc thu hồi tài sản do tham ô, tham nhũng phải minh bạch, kịp thời, triệt để.

Cử tri và nhân dân đồng tình, ủng hộ chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tập trung vào chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thực sự là công bộc của nhân dân.

Về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết hạ tầng, trong đó có hạ tầng số là 1 trong 3 đột phá chiến lược được Đại hội XIII xác định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri là đại diện lực lượng đoàn viên, thanh niên, sinh viên và nguồn nhân lực trẻ trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Để đảm bảo sự liên kết, đồng bộ, thống nhất giữa các ứng dụng chuyên ngành, Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành nhiều nghị định, quyết định. Đặc biệt, tại Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã xác định nền tảng số là giải pháp đột phá, giúp chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam. Hiện nay, các bộ, ngành, các cấp đang triển khai rất tích cực và có kết quả đáng ghi nhận, nhất là hạ tầng điện và sóng.

Thủ tướng cho rằng bên cạnh nỗ lực của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, người trẻ ngày nay hoàn toàn có thể tự học tập và nâng cao năng lực số thông qua việc thường xuyên sử dụng công nghệ số mỗi ngày, các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn trực tuyến, xem các thông tin, tin tức về chuyển đổi số mỗi ngày trên các phương tiện truyền thông đại chúng, học tập từ trường học...

Liên quan đến chính sách cải cách tiền lương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ do khó khăn bởi tình hình dịch COVID-19 nên phải tạm dừng việc thực hiện lộ trình cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018. Trong khi chờ tiếp tục thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương, Quốc hội đã quyết định tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng từ ngày 1/7/2023 để góp phần giúp cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định vấn đề tiếp tục thực hiện lộ trình cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27. Đến nay, nước ta đã chuẩn bị được khoảng 500.000 tỷ đồng cho công tác cải cách chính sách tiền lương theo nguyên tắc mức lương mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng.

Dự kiến, sau năm 2024, mỗi năm, mức lương sẽ tăng 5-7% để tiến tới trong thời gian ngắn lương khu vực công ngang bằng với mức lương ở khu vực sản xuất. Từ nay đến thời điểm dự kiến thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương vào ngày 1/7/2024, các cơ quan hữu quan đang tập trung để hoàn thiện dự thảo chính sách, hệ thống thang bảng lương…

Trước các kỳ họp, đại biểu Quốc hội tiến hành tiếp xúc cử tri, báo cáo nội dung chương trình và tiếp thu ý kiến góp ý của cử tri để tổ chức kỳ họp thành công. Đây là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của các đại biểu Quốc hội nhằm nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri, từ đó đề xuất với Quốc hội, các cơ quan bộ, ngành trung ương và địa phương xem xét, giải quyết những vấn đề bức thiết đang đặt ra từ thực tiễn cuộc sống./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên