Cuối năm, cảnh giác với “tín dụng đen”

Cập nhật: 14-11-2023 | 11:35:27

Sau thời gian mở đợt cao điểm tấn công tội phạm “tín dụng đen”, Công an (CA) tỉnh đã phát hiện, triệt xóa một số đường dây cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết cách phòng tránh tội phạm “tín dụng đen”, cũng như tạo điều kiện, hỗ trợ công nhân lao động tiếp cận nguồn vốn tín dụng “xanh”.


Công an huyện Phú Giáo phát tờ rơi tuyên truyền về tội phạm “tín dụng đen” cho người dân trên địa bàn

Triệt xóa nhiều đường dây cho vay lãi nặng

Trước tình hình tội phạm “tín dụng đen”, CA tỉnh đã mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm loại tội phạm này trên địa bàn tỉnh, thời gian từ ngày 15-9-2023 đến 15-3-2024. Sau gần 2 tháng thực hiện đợt cao điểm, Phòng Cảnh sát hình sự CA tỉnh và CA các địa phương đã phát hiện, triệt xóa một số đường dây hoạt động “tín dụng đen” với thủ đoạn tinh vi.

Điển hình mới đây, cơ quan cảnh sát điều tra CA TP.Tân Uyên đã tạm giữ hình sự đối tượng Lê Văn Quyết (SN 1999, quê Gia Lai) để điều tra hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và “Cưỡng đoạt tài sản”.

Theo điều tra ban đầu, đối tượng Quyết cho vay với lãi suất 200%/năm, yêu cầu người vay quay lại hình ảnh khỏa thân, cầm cố giấy chứng minh nhân dân, khi không đòi được tiền gốc và lãi thì đối tượng sẽ gửi hình ảnh “nóng” để đe dọa người vay phải trả tiền. Trong lúc đối tượng Quyết đang cưỡng đoạt 30 triệu đồng của người vay tên V.T.T.H. tại một quán cà phê thuộc phường Vĩnh Tân, TP.Tân Uyên thì bị lực lượng CA bắt quả tang.

Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự CA tỉnh đã bắt giữ Trần Đức Hữu (SN 1986, quê Hải Phòng) và Nguyễn Thị Thắm (SN 1989, ngụ Bình Dương) để điều tra làm rõ hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Theo điều tra, Trần Đức Hữu kinh doanh quán nhậu trên địa bàn TP.Dĩ An. Thông qua các mối quan hệ, Hữu và Thắm cho những người đang có nhu cầu vay tiền với hình thức vay trả góp (tiền lãi và tiền gốc trong thời gian 25 ngày) và vay trả lãi theo ngày, không trừ vào tiền gốc.

Qua xác minh, cơ quan điều tra xác định Hữu và Thắm đã cho nhiều người vay tiền với lãi suất từ 282% đến 475%/năm, thu lợi bất chính trên 100 triệu đồng.

Ngăn chặn từ xa

Theo số liệu của Phòng Cảnh sát hình sự CA tỉnh, trong năm 2022 và 9 tháng năm 2023, CA tỉnh đã phát hiện, điều tra làm rõ 13 vụ, bắt khởi tố 19 đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, kết hợp với đấu tranh có hiệu quả với tội phạm “tín dụng đen” mà loại tội phạm này đã giảm đáng kể; người dân đã hiểu rõ phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này để biết cách phòng tránh. Tuy nhiên do tình hình kinh tế khó khăn, kéo theo nhu cầu vay vốn tăng cao nên tội phạm “tín dụng đen” hoạt động tinh vi hơn với nhiều biến tướng.

“Trước tình hình trên, CA tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Đồng thời, lực lượng cảnh sát hình sự cũng tập trung đấu tranh triệt xóa, xử lý nghiêm các loại tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự CA tỉnh cho biết.

Song song đó, ngành chức năng cũng đang có nhiều chính sách giúp công nhân lao động không vướng vào “tín dụng đen” và hạn chế các hình thức cho vay phi pháp. Cụ thể như thông qua Tổ chức tài chính vi mô CEP đã hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp cho người lao động, giúp công nhân có thêm nguồn vốn vượt qua khó khăn mà không phải tìm đến “tín dụng đen”. Đến nay, tại Bình Dương đã có 2 chi nhánh của CEP đang hoạt động trợ vốn cho người lao động.

Ngoài ra, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã thành lập “Quỹ hỗ trợ công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tỉnh Bình Dương” nhằm giúp cho các trường hợp công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động và rủi ro khác với mức từ 4 triệu đồng đến 10 triệu đồng/trường hợp. Song song đó, LĐLĐ tỉnh đang tích cực cung cấp thông tin doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng để người lao động biết, tìm việc làm thích hợp để có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Tổ chức Tài chính vi mô CEP (Liên đoàn Lao động TP.Hồ Chí Minh) và LĐLĐ 9 tỉnh phía Nam, trong đó có Bình Dương vừa ký cung cấp gói vay 50.060 tỷ đồng cho công nhân nhằm phòng, chống “tín dụng đen”.

Nội dung ký kết trọng tâm là ba nhóm giải pháp CEP cùng LĐLĐ các tỉnh sẽ triển khai thực hiện trong giai đoạn 2023- 2028 là tăng khả năng tiếp cận sản phẩm dịch vụ CEP cho người lao động; nâng cao kiến thức tài chính, giúp người lao động tránh “tín dụng đen” và quản lý hiệu quả tài chính cá nhân; bổ sung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn của người lao động.

Gói vay phòng chống “tín dụng đen” này được cam kết thực hiện trong 5 năm (2023-2028). Theo đó, trong giai đoạn này, CEP sẽ cung cấp cho hơn 1,41 triệu lượt vay vốn của công nhân, hộ gia đình công nhân với số tiền gần 50.060 tỷ đồng.

NGUYỄN HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên