Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng 24-6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) và thảo luận về dự án Luật An toàn thông tin.
Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ vẫn kiểm toán toàn diện như Luật hiện hành
Với 87,85% đại biểu Quốc hội tán thành, dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi) gồm 9 Chương, 73 điều đã được Quốc hội biểu quyết thông qua.
Luật này quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Kiểm toán nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán viên nhà nước; quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với hoạt động kiểm toán nhà nước.
Luật áp dụng đối với kiểm toán nhà nước; cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đối với hoạt động kiểm toán nhà nước.
Trước khi biểu quyết thông qua dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội đã nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi).
Về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán (Điều 7), có ý kiến đề nghị, cân nhắc tính bắt buộc của Báo cáo kiểm toán và cho rằng chỉ có giá trị bắt buộc thực hiện sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn hoặc cơ quan hành pháp, bộ chuyên ngành, quản lý Nhà nước, Bộ Công an, tòa án xác định đó là sai phạm.
Có ý kiến đề nghị cần có ý kiến của cơ quan cấp trên thì đối tượng được kiểm toán mới thực hiện kết luận, kiến nghị của kiểm toán nhà nước.
Vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quan điểm, việc quy định Báo cáo kiểm toán có tính bắt buộc nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của kiểm toán nhà nước trong việc đưa ra các kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán, khắc phục tình trạng thực hiện kết luận, kiến nghị của kiểm toán nhà nước những năm qua chưa nghiêm do tồn tại của Luật hiện hành.
Theo quy định của Hiến pháp, kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Do vậy, Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước cũng mang tính độc lập, không một cơ quan nào có thể can thiệp và kiểm toán nhà nước phải chịu trách nhiệm trước kết luận, kiến nghị của mình. Vì vậy, việc quy định Báo cáo kiểm toán phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn hoặc cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp xác định có sai phạm là không phù hợp với tinh thần của Hiến pháp.
Khi có căn cứ cho rằng kết quả kiểm toán ghi trong báo cáo kiểm toán của kiểm toán nhà nước là trái pháp luật, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đơn vị được kiểm toán thì đơn vị được kiểm toán có quyền khiếu nại theo Điều 69 của Dự thảo luật.
Về đơn vị được kiểm toán (Điều 55), một số ý kiến đề nghị, những doanh nghiệp nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống nên để cho kiểm toán độc lập kiểm toán, khi thấy cần thiết Kiểm toán nhà nước chỉ thẩm tra kết quả kiểm toán của tổ chức kiểm toán độc lập.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng về nguyên tắc, ở đâu có tài chính công, tài sản công là phải được kiểm toán theo quy định tại khoản 2 Điều 118 của Hiến pháp, không phân biệt đối tượng quản lý, sử dụng.
Tuy nhiên, để phù hợp với năng lực của kiểm toán nhà nước hiện nay và tình hình quản lý doanh nghiệp nói chung trong nền kinh tế, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật quy định đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ vẫn kiểm toán toàn diện như Luật hiện hành; đối với doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, giao cho Tổng kiểm toán nhà nước trong trường hợp cần thiết thì quyết định lựa chọn mục tiêu, tiêu chí, nội dung và phương pháp kiểm toán phù hợp.
Cần bổ sung quy định về chế độ bảo mật thông tin
Tại buổi thảo luận, các đại biểu tập trung vào các nội dung chính gồm tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Luật, bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng; quản lý mật mã dân sự; kinh doanh an toàn thông tin; trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thông tin.
Thảo luận về Luật An toàn thông tin, các đại biểu Huỳnh Thành Đạt (Thành phố Hồ Chí Minh) và đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) đều đề nghị đổi tên Luật An toàn thông tin thành Luật An toàn thông tin mạng. Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng đồng tình với ý kiến đổi tên Luật như trên sẽ phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nhấn mạnh tấn công mạng là nguy cơ hàng ngày hàng giờ, đặc biệt là tại các cơ quan hành chính Nhà nước, song vẫn chưa có giải pháp kiểm soát chế độ bảo mật. Vì vậy, cần dành chương riêng có chế định về vấn đề bảo mật.
Về tin nhắn rác, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (thành phố Hà Nội) nêu rõ tin rác gửi đến số điện thoại rất nhiều vì vậy cần quy định tổ chức, cá nhân có trách nhiệm về tính toàn vẹn của thông tin.
Thực tế là nhiều thiết bị thông tin khi mua sẵn có nhiều lỗ hổng bảo mật, cần có quy định để đảm bảo kiểm tra tận gốc thiết bị thông tin. Hệ thống giám sát an toàn thông tin quốc gia phải được đặt lên hàng đầu.
Đại biểu đề nghị đẩy mạnh tuyên truyền xã hội về an toàn thông tin. Cùng quan điểm, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nhấn mạnh các nhà cung cấp dịch vụ phải công khai minh bạch các ứng dụng, liên kết cho người sử dụng dịch vụ. Ngoài ra, cần nghiên cứu quy định về bố trí ngân sách cho đảm bảo an toàn thông tin, phòng là chính vì phòng thì ít tiền nhưng chữa thì vô cùng tốn kém; đồng thời các thủ tục hành chính cần chặt chẽ hơn, nhất là việc cấp giấy phép.
Theo nhiều đại biểu, hiện nay số lượng người sử dụng Internet ở Việt Nam cao nhất Đông Nam Á; 90% người dùng thường xuyên bị tin nhắn rác làm phiền, khoảng 6.500 trang web bị tấn công vì vậy vấn đề bảo vệ về thông tin cá nhân trên mạng là rất quan trọng, nhất là khi sử dụng dịch vụ người dùng phải chia sẻ thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ.
Đại biểu Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) cho rằng việc tin nhắn quảng cáo sim, bất động sản gây ảnh hưởng đến cá nhân khi sử dụng điện thoại, gây nhiều bức xúc trong xã hội nhưng hiện tại Luật chưa có quy định nào để giải quyết vấn đề này, vì vậy đề nghị tiếp tục nghiên cứu bổ sung nội dung này cho phù hợp.
Các đại biểu cũng đề nghị Luật cần giải thích rõ hơn một số từ ngữ như “thông tin mạng” hay một số hành vi ở điều 7; về vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng cần có sự phân loại rõ thông tin nào sẽ được nhà nước bảo vệ.
Về tên gọi “Mật mã dân sự” là chưa phù hợp vì chưa bao quát được phạm vi điều chỉnh, có ý kiến đề xuất có thể gọi là “mật mã thương mại” hoặc “mật mã sử dụng trong thương mại”...
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết tại buổi thảo luận đã có 19 ý kiến phát biểu của các đại biểu, nhiều nội dung mang tính kỹ thuật rất sâu. Đa số ý kiến đều tán thành với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra dự án Luật An toàn thông tin của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Tuy nhiên, dự án Luật vẫn còn những khiếm huyết nhất định cần được rà soát, bổ sung, điều chỉnh, làm rõ các qui định, các chương, điều.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần nghiên cứu thêm các vấn đề: Các hành vi bị nghiêm cấm, các chế tài xử phạt, ứng cứu sự cố an toàn thông tin, việc ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn an ninh quốc gia, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn trên mạng...
Ngoài ra, các quy định về việc giám sát hệ thống an toàn thông tin; việc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng còn hời hợt, cần nghiên cứu thêm; vấn đề về phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin, về quản lý nhà nước; về an toàn thông tin của các bộ, ngành, chính phủ, chức năng của Quốc hội cần được tiếp tục làm rõ. Bên cạnh đó, cần rà soát các qui định của Luật với các qui định của công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia...
Theo chương trình, buổi chiều Quốc hội thảo luận về dự án Luật Khí tượng thủy văn; nghe Tờ trình về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân tối cao và họp tại Đoàn để thảo luận về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao./.
Theo TTXVN