Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội và thực hiện sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh nhà và khu vực, trường Đại học Thủ Dầu Một vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép đào tạo thạc sĩ cho 5 ngành: Quản lý giáo dục, Ngôn ngữ Anh, Lịch sử Việt Nam, Quản trị kinh doanh và Kế toán. Chúng tôi có dịp trao đổi với Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một xung quanh những vấn đề này.
- Thưa Phó Giáo sư, được biết trường Đại học Thủ Dầu Một vừa được Bộ Giáo dục - Đào tạo cấp phép đào tạo thạc sĩ 5 ngành và sẽ chiêu sinh khóa đầu tiên trong tháng 8-2015. Xin Phó Giáo sư cho biết rõ hơn về một số thông tin xung quanh vấn đề này?
PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một |
- Là trường đại học công lập, thực hiện sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh nhà và khu vực Đông Nam bộ, trong những năm qua, cùng với việc xây dựng và phát triển, nhà trường đã chuẩn bị những điều kiện cần và đủ để có thể mở ngành đào tạo thạc sĩ, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao và đó cũng là con đường hướng đến mục tiêu xây dựng trường đại học nghiên cứu. Đến nay, nhà trường đã chuẩn bị những điều kiện cần và đủ và vừa được Bộ Giáo dục - Đào tạo cấp phép đào tạo thạc sĩ 5 ngành: Quản lý giáo dục, Ngôn ngữ Anh, Lịch sử Việt Nam, Quản trị kinh doanh và Kế toán. Nhà trường đã hoàn tất khung chương trình đào tạo, tổ chức nhân sự để chiêu sinh cho khóa đầu tiên vào tháng 8-2015.
- Tại sao nhà trường lại ưu tiên lựa chọn 5 mã ngành trên, thưa Phó Giáo sư?
- Việc lựa chọn 5 ngành này xuất phát từ kế hoạch, các điều kiện cần và đủ của nhà trường và nhất là từ thực tiễn nhu cầu lao động chất lượng cao tỉnh Bình Dương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tỉnh Bình Dương và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với mục tiêu phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa thì việc đào tạo các ngành Quản trị kinh doanh, Kế toán nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các lĩnh vực này, phục vụ trực tiếp quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Song song với việc phát triển kinh tế, các nhà lãnh đạo luôn có những tầm nhìn chiến lược về đầu tư cho nguồn lực giáo dục. Với cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên hiện nay, trường Đại học Thủ Dầu Một có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu đào tạo cho những nhà quản lý giáo dục các cấp. Việc mở mã ngành thạc sĩ Quản lý giáo dục ở trường Đại học Thủ Dầu Một là một yêu cầu mang tính cấp thiết, hiệu quả đối với sự nghiệp giáo dục tỉnh Bình Dương nói riêng và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Đối với ngành Ngôn ngữ Anh, trước xu hướng thời mở cửa, việc kinh doanh trao đổi thương mại với các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng rộng mở và đòi hỏi nguồn nhân lực có khả năng ngôn ngữ tốt, am hiểu nền văn hóa và lịch sử các nước. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương chỉ đạo của bộ, ngành về việc chuẩn hóa tiếng Anh cho đội ngũ giáo viên trong hệ thống các trường phổ thông cho nên tại Bình Dương hiện nay đang rất cần đội ngũ nhân lực có khả năng nghiên cứu, lý luận về ngôn ngữ tiếng Anh, có khả năng tham gia giảng dạy tại các trường phổ thông, cao đẳng và đại học.
Việc đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam tại trường Đại học Thủ Dầu Một có thể giải quyết từng bước nhu cầu nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ giáo viên lịch sử, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời rất phù hợp với nhu cầu và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của địa phương.
Ông Trần Thanh Liêm (ngồi bên phải), Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với lãnh đạo và cán bộ nhà trường về định hướng phát triển năm học 2014-2015
- Dư luận đang cho rằng, việc đào tạo thạc sĩ dưới nhiều hình thức như hiện nay sẽ không bảo đảm về mặt chất lượng? Trường Đại học Thủ Dầu Một sẽ làm gì để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như uy tín của nhà trường ngay trong những bước đi đầu tiên thưa Phó Giáo sư?
- Đối với trường Đại học Thủ Dầu Một, việc đào tạo thạc sĩ là sứ mệnh của nhà trường đối với xã hội và là công việc cần thiết để nhà trường phát triển theo định hướng nghiên cứu. Chúng tôi khẳng định không có tính thương mại trong những kế hoạch của nhà trường.
Chúng tôi xác định việc đào tạo thạc sĩ phải tiếp tục khẳng định với uy tín của nhà trường. Ngay từ những bước đầu tiên của công tác chuẩn bị, chúng tôi xác định phải đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu để tạo ra sản phẩm đúng với nhu cầu thực sự cho xã hội.
- Phó Giáo sư có thể chia sẻ cụ thể về định hướng chương trình đào tạo thạc sĩ của nhà trường?
- Chúng tôi sẽ tổ chức đào tạo theo đúng quy chế của Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành. Chương trình đào tạo được xây dựng theo định hướng nghiên cứu. Chúng tôi đặc biệt lưu tâm đến vấn đề phát triển tầm nhìn, tư duy của cá nhân để học viên sau tốt nghiệp có thể tự nghiên cứu trong lĩnh vực nghề nghiệp và liên ngành.
Tất cả các chương trình đào tạo của chúng tôi được thiết kế trên 3 cơ sở. Thứ nhất: Cung cấp cho người học con đường tiếp cận kiến thức chuyên ngành. Thứ hai: Phát triển tầm tư duy của mỗi cá nhân về vấn đề chuyên ngành và liên ngành trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình để xử lý vấn đề liên ngành đúng với trình độ và yêu cầu xã hội. Thứ 3: Người học phải đủ lực đề có thể học tiếp chương trình đào tạo tiến sĩ của bất cứ trường đại học nào.
Nhà trường đặc biệt chú trọng đến học phần phương pháp nghiên cứu khoa học. Và chúng tôi sẽ mời Trung tâm Tiền tiến sĩ thuộc Đại học Quốc gia đảm nhiệm học phần này nhằm để học viên tiếp cận với hướng nghiên cứu theo chuẩn quốc tế và tiếp cận với vấn đề khoa học mang tính liên ngành. Sau khi học xong học phần này, các học viên phải chọn vấn đề làm luận văn thạc sĩ và xuyên suốt với định hướng nghiên cứu đề tài của mình trong quá trình học.
Về đội ngũ giảng viên, chúng tôi sẽ phân công những cán bộ giảng dạy có kinh nghiệm, uy tín.
- Xin cám ơn Phó Giáo sư!
TIỂU MY