Liên quan đến nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột bị doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký độc quyền 10 năm, UBND tỉnh Đăk Lăk vừa tổ chức cuộc họp và xin ý kiến Thường vụ Tỉnh ủy về vấn đề đòi lại thương hiệu.
>>Vụ nguy cơ mất thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột: Sai một li đi... ngàn dặm
Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại tỉnh Đăk Lăk Huỳnh Ngọc Chương xác nhận với PV, tỉnh bắt đầu tiến hành rà soát lại vụ việc này. Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh sẽ làm đầu mối.
"UBND tỉnh nhận định đây là một vụ việc lớn nên Ủy ban phải xin ý kiến Thường vụ Tỉnh ủy, cách xử lý cũng hết sức tế nhị", ông Chương nói thêm. Theo ông, hiện cà phê Buôn Ma Thuột xuất khẩu chủ yếu qua các nước châu Âu, châu Mỹ; xuất qua Trung Quốc không nhiều.
Người dân thu hoạch cà phê ở Buôn Ma Thuột. Là doanh nghiệp có thâm niên xuất khẩu cà phê, Giám đốc Công ty cà phê Thu Hà (Gia Lai) Ngô Tấn Giác đặt nghi vấn: "Quy trình chứng nhận nhãn hiệu độc quyền Buôn Ma Thuột của Trung Quốc có thể đã phạm sai sót nghiêm trọng". Cà phê Thu Hà của ông Giác đã được đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu ở 34 quốc gia, nên có nhiều kinh nghiệm đối với vấn đề bản quyền nhãn hiệu.
Theo ông Giác, nhãn hiệu hiệu cà phê BUON MA THUOT được đăng ký tại Trung Quốc vừa bằng tiếng Hoa, vừa có cả tiếng Việt không bỏ dấu, ai cũng dễ dàng nhận ra đó là vùng cà phê nổi tiếng của Việt Nam. Theo lẽ thường, khi địa danh không phải của nước mình, cơ quan chuyên trách sở hữu trí tuệ của Trung Quốc phải tiến hành so sánh, đối chiếu trước khi cấp thương hiệu độc quyền. Ông Giác cho rằng, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cần yêu cầu Trung Quốc rà soát lại quy trình chứng nhận thương hiệu độc quyền Buôn Ma Thuột tại nước này.
Trong khi đó, nhiều luật sư cho rằng Việt Nam hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. Phó Chủ tịch Hội luật gia TP.HCM, Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhận định, để đòi lại quyền đối với chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk có thể thực hiện thông qua tiến hành khiếu nại, yêu cầu cơ quan cấp văn bằng phía Trung Quốc hủy bỏ nhãn hiệu BUON MA THUOT. Ngoài ra, tỉnh cũng có thể đòi lại thương hiệu bằng cách khởi kiện tại tòa án Trung Quốc.Theo ông Hậu, cơ sở khởi kiện chính là trong vụ việc này, doanh nghiệp Trung Quốc đã lợi dụng uy tín các nhãn hiệu có chỉ dẫn địa lý gây nhầm lẫn xuất xứ sản phẩm và việc đăng ký BUON MA THUOT có thể khiến cho công chúng bị lừa dối về nguồn gốc thực sự của hàng hóa. "Tuy nhiên, hành trình đòi lại thương hiệu này đầy khó khăn phía trước, nhất là trong việc bất đồng ngôn ngữ, và chi phí cho vụ việc cũng không phải là ít", ông Hậu nói.Ông Hậu cũng lo ngại về khả năng doanh nghiệp Việt Nam bị kiện hoặc bị ngăn chặn xuất khẩu ngay tại cửa khẩu biên giới do xâm phạm quyền độc quyền nếu không nhanh chóng đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.
Theo Giám đốc Bộ phận Sở hữu trí tuệ Công ty Luật Bross & Partners, Lê Quang Vinh Theo, trong giai đoạn đầu là khiếu nại hành chính chi phí chỉ khoảng 6.000-9.000USD, trong trường hợp phải ra tòa thì chi phí sẽ nhiều hơn. "Tôi nghĩ vụ việc này chưa đến mức phải ra tòa. Nếu khởi kiện, UBND tỉnh Đăk Lăk là người nộp đơn", ông Vinh nói.
Theo VNE