Dám nghĩ, dám làm mang lại hiệu quả

Cập nhật: 18-05-2020 | 09:09:22

 Chất lượng và hiệu quả của phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn TX.Bến Cát ngày càng được nâng cao. Qua đó đã có nhiều tấm gương nông dân không cam chịu đói nghèo, quyết tâm vươn lên, vượt qua khó khăn, khai thác tiềm năng đất đai, lao động, tiền vốn để phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả.

 

Mô hình trồng lan mokara cắt cành đạt hiệu quả kinh tế cao ở phường Chánh Phú Hòa, TX.Bến Cát

 Mô hình VAC với số vốn ít ỏi ban đầu, chủ yếu là trồng lúa và nuôi vịt thả đồng của gia đình ông Đỗ Văn Lập (ấp Lồ Ồ, xã An Tây) là một minh chứng. Ông cho biết làm kinh tế phải biết kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi mới đem lại lợi nhuận cao. Ngoài trồng lúa với hơn 4 công đất, mỗi năm chỉ 2 vụ mùa, thời gian còn lại cũng rảnh rỗi, nên ông Lập đã đầu tư nuôi heo, bò, vịt... Ông xây dựng hệ thống chuồng trại để chăn nuôi heo, bò lấy phân làm thức ăn cho cá.

Tuy nhiên, để tránh rủi ro trong chăn nuôi, ông Lập luôn tìm hiểu nghiên cứu, học tập kinh nghiệm về kỹ thuật chăn nuôi trên các phương tiện thông tin đại chúng và thường xuyên tiêm phòng vắc-xin dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường thông qua việc sử dụng hệ thống biogas xử lý chất thải, chính vì vậy mà đàn heo, đàn bò của ông rất khỏe và phát triển tốt. Từ mô hình gia trại này, mỗi năm thu lợi nhuận hơn 300 triệu đồng, nhiều năm liền gia đình ông vinh dự được công nhận là điển hình tiên tiến trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương.

Một trong những mô hình trồng lan mokara cắt cành đạt hiệu quả kinh tế cao ở phường Chánh Phú Hòa có thể kể đến đó là mô hình của gia đình chị Nguyễn Hồng Diệu ở khu phố 1B. Chị Diệu cho biết, được sự hỗ trợ, giúp đỡ về khoa học do Hội Nông dân liên kết tổ chức, chị đã trồng thử nghiệm 100m2. Qua trồng thử nghiệm chị đã rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu và mạnh dạn mở rộng đầu tư với diện tích 10.000m2. Các giống lan được chị Diệu trồng nhiều như lan cắt cành mokara, denro, cattleya… có sức chống chịu tốt, phù hợp với khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm của địa phương nên sinh trưởng và phát triển tốt. Sau khi trừ các chi phí, vườn lan của chị Diệu thu lãi trên 700 triệu đồng mỗi năm. Với mô hình trồng lan và dịch vụ cung cấp hoa tươi, chị Diệu còn giải quyết việc làm thời vụ cho khoảng 15 lao động với mức lương từ 5 - 10 triệu đồng người/tháng. Bên cạnh đó, chị cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ đầu ra sản phẩm cho các hộ dân cùng trồng lan trên địa bàn.

Trên đây là những mô hình kinh tế tiêu biểu, trong thực tế còn rất nhiều mô hình làm ăn hiệu quả cho kinh tế cao như mô hình nuôi bò vàng, bò sữa ở phường Hòa Lợi, phường Thới Hòa, xã Phú An; mô hình trồng mai vàng ở xã An Tây, hay mô hình trồng rau an toàn ở phường Mỹ Phước... Ở từng xã, phường, Hội Nông dân thị xã đều định hướng phát huy những mô hình nông nghiệp thế mạnh, phù hợp, nhờ đó đã góp phần đưa nông nghiệp thị xã phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao và từng bước đi vào chuyên canh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi ổn định theo từng địa phương trên địa bàn thị xã.

 THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=386
Quay lên trên