Từ cuối năm 2021 và 2 tháng đầu năm 2022, lãnh đạo tỉnh đã có nhiều chuyến công tác thăm, làm việc tại các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Chủ đề chính được đưa ra thảo luận trong những buổi làm việc với các địa phương là tiếp tục tìm ra những giải pháp, phương hướng tối ưu nhất để giúp nền kinh tế - xã hội các địa phương và toàn tỉnh phục hồi, phát triển bền vững sau đại dịch.
Đối với các địa phương công nghiệp phát triển sầm uất ở phía nam của tỉnh, lãnh đạo tỉnh đề nghị lãnh đạo cấp ủy và chính quyền của mỗi địa phương cần chủ động xây dựng các phương án, kịch bản sống chung an toàn với Covid-19, đồng thời tìm giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Các thành phố, thị xã có lượng lớn công nhân lao động đang sinh sống và làm việc với mật độ dân cư đông, chính quyền địa phương cần chủ động kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ nhà trọ liên kết thực hiện tái cơ cấu nhà trọ theo hướng chất lượng, xây dựng những chính sách hỗ trợ thiết thực giúp người lao động có thêm động lực để tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp và địa phương.
Hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố thông minh - nghĩa tình - hiện đại, phát triển bền vững, lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương phía nam đẩy mạnh triển khai công tác chỉnh trang đô thị, đề cao nếp sống văn minh. Trong đó, các địa phương cần tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chung tay xây dựng nếp sống văn minh đô thị như tuyến đường không rác, tuyến phố an ninh, khu phố văn hóa, người người, nhà nhà chung tay trồng thêm cây xanh để gia tăng mảng xanh đô thị, giảm bớt ô nhiễm khói bụi…
Đối với các huyện nông thôn ở phía bắc, lãnh đạo tỉnh đưa ra nhiều gợi ý để phát triển bền vững. Trong đó, các địa phương cần xác định rõ tiềm năng và lợi thế của địa phương mình, từ đó xây dựng những chính sách phù hợp giúp nền kinh tế - xã hội địa phương từng bước đi lên. Ngoài việc được tỉnh hỗ trợ quy hoạch phát triển các mô hình khu, cụm công nghiệp phù hợp với lợi thế, các địa phương phía bắc cũng cần chủ động thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, giúp người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật và nguồn vốn để phát triển sản xuất, nâng cao giá trị. Tin rằng khi được hỗ trợ tiếp cận khoa học kỹ thuật, nguồn vốn và thị trường đầu ra, nông dân Bình Dương sẽ là những con người làm nên thương hiệu nông sản trứ danh sau thương hiệu “kinh tế công nghiệp” đã thành công trước đó.
KHÁNH LINH