Trong 2 tháng đầu năm, kinh tế Bình Dương tiếp tục có nhiều điểm sáng, thể hiện qua tình hình sản xuất ổn định, thu ngân sách tăng so với cùng kỳ và dự toán. Xuất nhập khẩu tăng, lương thực thực phẩm được bảo đảm, năng lượng đáp ứng ổn định cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt. Các hoạt động cũng đã trở lại bình thường ngay sau kỳ nghỉ tết... Thực tế đó mở ra kỳ vọng lớn về sự hồi phục và phát triển, niềm tin của người dân, doanh nghiệp (DN) được nhân lên . Tuy nhiên, hiện các DN và người dân đang lo lắng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, số lượng ca bệnh có chiều hướng tăng cao trở lại. Thêm vào đó tình trạng khan hiếm vật tư chiến lược như xăng dầu, khí đốt, than… hiện hữu gây ra khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Theo các chuyên gia kinh tế, trước tình hình này, các DN cần chủ động, kịp thời nắm bắt tình hình gắn với tình hình mới. Cần theo dõi sát biến động cung cầu các mặt hàng chiến lược, kịp thời có biện pháp điều hành phù hợp, tận dụng được cơ hội về giá để sản xuất, xuất khẩu và bảo đảm cung cầu cho thị trường trong nước. Đẩy mạnh khai thác hiệu quả các FTA đã ký với các quốc gia, lãnh thổ. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm luồng hàng hóa xuất nhập khẩu được lưu thông thông suốt. Ở chiều ngược lại, các DN mong muốn Chính phủ, bộ, ngành, địa phương tiếp tục thông tin kịp thời các đánh giá, dự báo tình hình, hỗ trợ tìm kiếm giải pháp ổn định sản xuất và cung ứng cho thị trường trong nước, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu. Đồng thời, tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, triển khai các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN xuất khẩu. Ngân hàng Nhà nước sớm có hướng dẫn các DN tham gia hoạt động xuất khẩu các hình thức thanh toán, khuyến cáo, phòng ngừa rủi ro trong thanh toán khi giao kết hợp đồng quốc tế.
KHẢI ANH