Đất nước trọn niềm vui - Bài 20

Cập nhật: 20-04-2015 | 08:09:01

Bài 20: Ấm lòng người ở lại

 

 Gần 40 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đội Biệt động TX.Thủ Dầu Một cũng vừa vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Với những cán bộ, chiến sĩ từng tham gia đội, khi đón nhận danh hiệu này tự hào và vinh dự vì điều này đã thể hiện sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với công lao của Đội Biệt động TX.Thủ Dầu Một trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 Ngày 30-1-2015, Đội Biệt động TX.Thủ Dầu Một vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Chủ tịch nước phong tặng. Ảnh: Q.CHIẾN

 Niềm vui vỡ òa

Ngày 30-1-2015 vừa qua, Đội Biệt động TX.Thủ Dầu Một vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là niềm tự hào to lớn cho lực lượng vũ trang TP.Thủ Dầu Một nói chung và Đội Biệt động TX.Thủ Dầu Một nói riêng. Niềm vui vỡ òa khi gần 40 năm sau ngày đất nước giải phóng, đội đã có được niềm hạnh phúc to lớn này. Trong niềm vinh dự, tự hào, ông Nguyễn Văn Quỳ, nguyên Đội trưởng Đội Biệt động TX.Thủ Dầu Một chia sẻ: “Đội hoạt động gần như bí mật, nhánh nào biết nhánh nấy nên thậm chí người trong cuộc cũng không biết rõ đồng đội mình là ai, bao nhiêu người. Vì vậy sau này, chúng tôi rất khó tập hợp thành tích, tư liệu để được ghi nhận công lao. Cho nên, dù sau 40 năm mới được nhận danh hiệu cao quý này nhưng ai cũng rất vui mừng, phấn khởi và tự hào…”.

Chia sẻ thêm về vinh dự này, ông Trần Văn Giác, phường Phú Hòa kể: “Tôi tham gia đội biệt động được 2 năm, từ năm 1974 cho đến ngày đất nước giải phóng. Chúng tôi đã tham gia nhiều trận đánh, diệt nhiều tên địch nhưng chúng tôi không giữ được số liệu. Bởi lực lượng của chúng tôi luôn ở trong vùng lõm. Nghĩa là lực lượng ta ở giữa, xung quanh là địch, vì vậy khi bắt được địch ta không dám giữ. Một là khử, hai là nhanh chóng đưa về trên. Trong bối cảnh đó, chúng tôi đâu báo cáo ai nên thành tích cũng khó báo cáo. Nay đội đã nhận được danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước, tôi mừng lắm”. Cùng chung niềm vui đó, ông Nguyễn Hoài Nhơn, phường Hiệp Thành nói: “Được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh em còn lại trong đội, ai cũng vui và tự hào. Đó là niềm an ủi lớn lao cho những người lính già như chúng tôi. Giờ chúng tôi sống bằng kỷ niệm, bằng hồi ức...”.

“Để anh em có chốn đi về”

Chúng tôi đến thăm Đền tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ ngành quân báo, biệt động tỉnh Bình Dương được đặt tại phường Tân Hiệp, TX.Tân Uyên khi các cựu chiến binh trong ngành quân báo, biệt động tỉnh đang tất bật lo hoàn tất phần cổng rào, một số công trình phụ cho ngôi đền này. Nhìn từng  công trình nhỏ đang dần hoàn thiện, những người cựu chiến binh năm xưa ai cũng vui mừng, phấn khởi bởi đây là cố gắng lớn của các cán bộ, chiến sĩ biệt động, quân báo năm xưa. Như lời ông Nguyễn Văn Quỳ, nguyên Đội trưởng Đội Biệt động TX.Thủ Dầu Một, nguyên Trưởng ban Quân báo TX.Thủ Dầu Một: “Đây là tâm huyết của những anh em đang sống để tưởng nhớ đến đồng chí, đồng đội đã hy sinh. Chúng tôi xây đền tưởng niệm này để anh em có chốn đi về...”.

Cũng bởi lý do đó mà dù đã lớn tuổi nhưng ông Tư Quỳ vẫn hàng ngày chạy hàng chục km lui tới trông coi công trình đang xây dựng. Ông Tư Quỳ chia sẻ: “Trong kháng chiến, đội hoạt động gần như bí mật, không ai biết ai. Sau ngày đất nước thống nhất, do yêu cầu xây dựng quân đội trong điều kiện mới, đơn vị giải thể. Chúng tôi luôn cố gắng thu thập danh sách anh em nhưng đến nay vẫn còn dang dở và chúng tôi vẫn đang tiếp tục làm để có cơ sở đề nghị giải quyết các chế độ chính sách cho anh em”.

Ông Tư Quỳ bảo, từ cuối năm 1968, địch đánh phá, chà đi xát lại địa bàn ven thị xã, gây khó khăn cho lực lượng vũ trang thị xã bám trụ hoạt động. Trong tình hình đó, đội biệt động phải phân tán lực lượng xuống địa bàn từng cánh phối hợp lực lượng tại chỗ bám trụ vừa hoạt động tác chiến vừa móc nối xây dựng lại cơ sở. Đến cuối năm 1969, lực lượng của đội chỉ còn khoảng 20 cán bộ, chiến sĩ, bố trí phân tán hoạt động trên cả địa bàn cánh Nam và cánh Bắc thị xã. Đội viên nhiều người hy sinh nhưng thông tin thì rất ít nên khó tìm kiếm, tập hợp danh sách. Còn ông Trần Văn Giác thì cho biết, cũng có nhiều người ở Hà Nội  về tham gia Đội Biệt động TX.Thủ Dầu Một nhưng nay không biết họp mặt ra sao bởi liên quan đến nhiều vấn đề. Chỉ mong sau này đền hoàn thành, anh em có chỗ lui tới, gặp gỡ để gắn chặt thêm tình cảm. Chúng tôi tự hào là đã chiến đấu, không ngại gian khổ, hy sinh cho đất nước được thanh bình, phát triển như ngày hôm nay. Chỉ mong thế hệ trẻ sau này hãy biết gìn giữ, trân trọng và phát huy những thành quả cách mạng của cha ông để lại.

Sau 40 năm, những người tham gia Đội Biệt động TX.Thủ Dầu Một lừng lẫy một thời giờ đã trở thành ông, thành bà. Những con người dũng cảm kiên cường năm xưa giờ có dịp gặp lại nhau vẫn mừng mừng tủi tủi, nhớ về những đồng đội đã ngã xuống. Với họ, hạnh phúc là được nhìn thấy đất nước đang ngày càng phát triển. Năm tháng dù có trôi qua, nhưng Đội Biệt động TX.Thủ Dầu Một anh hùng thì vẫn mãi được lưu danh vào trang sử hào hùng đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

 Bài 21: Tự hào Làng kháng chiến Bình Hòa

 THU THẢO

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=792
Quay lên trên