Đất nước trọn niềm vui - Bài 23

Cập nhật: 23-04-2015 | 08:22:55

Bài 23: Tân Uyên - vùng đất kiên cường

 

 Trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, tất cả các lực lượng trên địa bàn Tân Uyên đã tập hợp, đoàn kết tạo nên một sức mạnh tổng hợp cho cuộc đấu tranh toàn dân, toàn diện trên khắp địa bàn, áp đảo kẻ thù vốn có trang bị vũ khí hiện đại, quân số lớn hơn gấp bội lần.

 Tân Uyên là vùng đất nằm ven sông Đồng Nai. Ngày xưa, vùng đất Tân Uyên hoang sơ mà màu mỡ, nhiều gỗ quý, có sông suối giàu cá tôm. Song song đó, lịch sử đấu tranh chống các thế lực xâm lăng tại Tân Uyên đã có truyền thống từ lâu đời. Ngay từ rất sớm, đồng bào Tân Uyên đã hòa nhịp vào cuộc đấu tranh của dân tộc chống áp bức, bóc lột, giải phóng quê hương, đất nước. Đất rừng nghèo gạo, nghèo muối, thiếu người nhưng người dân Tân Uyên đã cưu mang cách mạng từ những ngày còn trong “trứng nước” vì ở đây có “địa lợi”, lại có những con người nghĩa khí giàu lòng yêu nước.

Lực lượng vũ trang Tân Uyên vượt sông tiếp cận mục tiêu, phối hợp chiến đấu bảo vệ Chiến khu Đ. Ảnh: TƯ LIỆU

Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, đứng ở vị trí trung tâm rừng bạt ngàn của miền Đông Nam bộ, mảnh đất này giữ vai trò căn cứ cách mạng trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc. Từng là nơi ẩn náu, cưu mang nhiều chiến sĩ cách mạng tiền bối, vùng đất Tân Uyên đã trở thành cái nôi chiến khu nổi tiếng của miền Đông Nam bộ trong cuộc chiến tranh 30 năm chống Mỹ, đó là Chiến khu Đ anh hùng. Đây cũng là vùng đất đầu tiên diễn ra những trận đánh vô cùng quyết liệt giữa ta và địch. Lực lượng cách mạng tại đây quyết tâm giữ núi rừng, bảo đảm sự sống còn của chiến khu. Trong khi đó, kẻ thù quyết tâm triệt tiêu một mối đe dọa mất còn đối với sào huyệt cuối cùng của chúng.

Sau hiệp định Giơnevơ, chính quyền Ngô Đình Diệm đã từng than khổ với báo giới: “Tân Uyên còn, Sài Gòn mất”. Đó cũng là lời tuyên bố quyết tâm “khai tử” lực lượng cách mạng tại Tân Uyên của chính quyền Ngô Đình Diệm. Tên thiếu tá Nguyễn Minh Mẫn, con nuôi của Ngô Đình Diệm được “đặc cách” về vùng Tân Uyên để làm “một ngọn giáo cắm phập vào chiến khu Việt Cộng” như lời tuyên bố của Ngô Đình Nhu. Giai đoạn về sau, do đặc điểm và quy mô của cuộc chiến tranh, Chiến khu Đ phát triển gần lên phía đông bắc, Tân Uyên trở thành khu vực tiền đồn, cửa ngõ trọng yếu phía tây của khu A - căn cứ địa rộng lớn phía đông quốc lộ 13 ở miền Đông Nam bộ. Mỹ - ngụy ra sức xây dựng các chi khu, yếu khu, tập trung lực lượng hành quân truy quét kể cả sử dụng chất độc hóa học, kết hợp với nhiều thủ đoạn chiến thuật kìm kẹp, đánh phá phong trào, ngăn chặn và tìm diệt lực lượng cách mạng tràn xuống từ phía bắc - đông bắc Sài Gòn. Trong những thời điểm khốc liệt của cuộc chiến, quân và dân Tân Uyên ra sức gìn giữ và gây dựng lực lượng cách mạng, góp phần đắc lực vào việc nuôi dưỡng, bảo vệ những đơn vị vũ trang đầu tiên thành lập từ sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết; tham gia xây dựng, bảo vệ căn cứ, kho tàng, tiếp nhận và vận chuyển lương thực, vũ khí đạn dược cho các chiến trường, tham gia vào các chiến dịch lớn diễn ra trong và ngoài địa bàn Tân Uyên, chống phá bình định và lấn chiếm của địch…

Trước sức mạnh đoàn kết và tinh thần đấu tranh kiên cường của quân và dân nơi đây, hàng ngàn trận đánh lớn nhỏ của chính quyền Ngô Đình Diệm vào khu căn cứ vẫn không thể dập tắt được ý chí chiến đấu của dân và quân Tân Uyên.

 Chấp nhận tất cả gian khổ hy sinh, đồng bào Tân Uyên trở thành lực lượng chiến đấu tại chỗ, đồng thời là lực lượng hậu cần tại chỗ để bảo đảm phần thắng thuộc về cách mạng. Trong những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Tân Uyên đã chủ động tiếp tục cuộc kháng chiến trong điều kiện mới, khi kẻ thù thay đổi chiến lược chiến tranh. Quân và dân Tân Uyên đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt chiến lược tổng hợp với phương châm kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, binh vận; kết hợp tác chiến của cả ba thứ quân, kết hợp giữa chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy; kết hợp giữa các vùng chiến trường để tạo ra sức mạnh tiến công quân thù toàn diện trên toàn địa bàn.

Trong những tháng ngày nóng bỏng ấy, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, nhân dân Tân Uyên đã tham gia vào cuộc kháng chiến dưới nhiều hình thức hết sức phong phú như đấu tranh vạch tội ác địch, giáo dục và phát động quần chúng, bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ cán bộ đảng viên, đòi địch thực hiện các cam kết, đòi quyền dân sinh dân chủ, chống địch bắn phá, rải chất độc, cào nhà gom dân. Đồng thời, đồng bào Tân Uyên còn mạnh mẽ tấn công quân ngụy, phân hóa cô lập chúng, giáo dục, xây dựng cơ sở trong lòng địch; tham gia các hoạt động quân sự như nắm tình hình địch, liên lạc, vận tải, nghi binh đánh lạc hướng, gây tâm lý hoang mang dao động trong hàng ngũ địch, trực tiếp chống càn, phục kích tấn công, bức rút đồn bót, diệt tề trừ gian. Tất cả các lực lượng trên địa bàn Tân Uyên trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ đã tập hợp, đoàn kết để tạo nên một cuộc đấu tranh toàn dân, toàn diện trên khắp địa bàn, tạo nên sức mạnh tổng hợp áp đảo kẻ thù vốn lớn mạnh hơn gấp bội lần, khiến chúng kinh hồn bạt vía và nhận lấy những thất bại chua cay.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, Tân Uyên trở thành địa bàn tập kết số một của các lực lượng quân sự như Quân đoàn 1 gồm các Sư 312, 3124, 320B từ Tây nguyên tiến về giải phóng Sài Gòn. Trong chiến dịch này, quân và dân Tân Uyên đã nổi dậy mạnh mẽ, phối hợp cùng các lực lượng chủ lực đánh tan quân thù, mở toang cửa ngõ tiến vào giải phóng Sài Gòn, góp công làm nên đại thắng mùa xuân 1975, thu giang sơn về một mối.

Bài 24: Vùng lên giải phóng quê hương

 CAO SƠN - KIẾN GIANG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1195
Quay lên trên