Bài 26: Căn cứ Lai Khê tan rã
Trong những ngày tháng tư lịch sử này, chúng tôi có dịp theo đoàn cựu chiến binh Quân đoàn 1 đến thăm lại Lai Khê (hiện thuộc xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng), một trong những chiến trường nóng bỏng nhất trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn cách đây 40 năm. Cảnh vật đã thay đổi theo thời gian nhưng ký ức về trận chiến vẫn còn nguyên vẹn đối với các cựu chiến binh, những người đã trực tiếp cầm súng lao vào trận địa năm ấy…
Trong chiến tranh, cùng với Dầu Tiếng, căn cứ Lai Khê là một mắt xích trọng yếu trong tuyến phòng thủ của địch phía bắc và tây bắc Sài Gòn. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ trung tâm đầu não của chính quyền Sài Gòn, căn cứ Lai Khê được Mỹ - ngụy xây dựng vững chắc để khống chế các hoạt động của ta trên đường 13, đồng thời chia cắt sự liên lạc giữa hai căn cứ kháng chiến đó là Chiến khu Đ và Chiến khu Dương Minh Châu. Để xây dựng căn cứ Lai Khê, ngoài việc huy động nhiều phương tiện, khí tài chiến tranh hiện đại nhất lúc bấy giờ, địch còn bố trí một sư đoàn chủ lực với hàng ngàn tên lính thiện chiến hung hăng nhất của chúng lúc bấy giờ - Sư đoàn 5. Đại tá Lê Viết Viên, nguyên Chính ủy Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 cho rằng, Sư đoàn 5 ngụy là sư đoàn được xếp hạng thứ 6 trong 20 sư đoàn chủ lực của ngụy quân. Trước đó, Sư đoàn bộ binh 1 của Mỹ được mệnh danh là “Anh cả đỏ” bách chiến bách thắng đã từng đổ quân chốt chặn ở khu vực này.
Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, ta đã xác định căn cứ Lai Khê là một trong những lá chắn vững chắc của địch, gây nhiều khó khăn cho quân giải phóng tiến về Sài Gòn. Những ngày cuối tháng 4-1975, trước sự phát triển nhanh của tình hình, Thường vụ Trung ương Cục đã chỉ thị cho các Tỉnh ủy và lực lượng vũ trang toàn miền: “Táo bạo, đánh các điểm then chốt, kể cả các tiểu khu, thị xã, khi có thời cơ” và “bằng tất cả khả năng sẵn có của địa phương mà mạnh dạn, táo bạo, phát động quần chúng nổi dậy; ấp giải phóng ấp, xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh bằng lực lượng tại chỗ phối hợp với chiến trường chung”. Với tinh thần tất cả cho phía trước, tất cả cho chiến thắng, mọi công tác chuẩn bị của các lực lượng phía trước và phía sau đều rất khẩn trương và được Huyện ủy hai huyện Nam Bến Cát và Bắc Bến Cát chỉ đạo triển khai sẵn sàng phối hợp hoạt động với chiến trường chung của tỉnh.
Trung tướng Nguyễn Đức Sơn, nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 1 kể lại rằng: “Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chúng ta đã nắm chắc lực lượng địch ở trong thành phố (nội thành Sài Gòn - P.V) nhưng còn lực lượng bên ngoài, địch cơ động và ứng cứu thì khó xác định. Một trong các lực lượng ứng cứu đáng chú ý nhất là Sư đoàn 5 ngụy, bởi Sư đoàn 5 là sư đoàn chủ lực cho nên nếu để Sư đoàn 5 kéo vào Sài Gòn tác chiến với ta ở đấy thì rõ ràng cán cân lực lượng so với sự chuẩn bị của ta sẽ khó khăn. Nhiệm vụ trên giao cho Sư đoàn 312, Quân đoàn 1 lúc bấy giờ là phải làm sao chốt chặn không cho địch về Sài Gòn” (lúc này đóng quân ở căn cứ Lai Khê là toàn bộ Sư đoàn 5 ngụy)
Về phía địa phương, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đã giao nhiệm vụ cụ thể cho hai huyện Nam Bến Cát và Bắc Bến Cát, trong đó huyện Bắc Bến Cát làm nhiệm vụ phối hợp với lực lượng chủ lực tiến công đánh chiếm căn cứ Lai Khê, huyện Nam Bến Cát có nhiệm vụ tổ chức lực lượng phối hợp du kích các xã giải phóng thị trấn cùng lực lượng chủ lực ngăn chặn địch ở căn cứ Lai Khê rút chạy, tiến tới bức hàng địch ở Lai Khê. Từ đêm 27-4, các Trung đoàn 165, 141, 209 (Sư đoàn 312) đã áp sát bao vây Tiểu khu Bình Dương, Căn cứ Phú Lợi, căn cứ Công Binh, căn cứ Lai Khê. Tại các chốt trên đường 13, ta bí mật ém quân và chỉ dùng súng AK, B40 đánh lính Sư đoàn 5 ngụy từ Lai Khê. Do vậy, chỉ huy địch ở căn cứ Lai Khê vẫn nghĩ rằng, chỉ có một bộ phận bộ đội chủ lực về hỗ trợ bộ đội địa phương hoạt động.
Sáng ngày 29-4, địch ở Lai Khê đã cho bắn pháo dữ dội vào các trận địa chốt của ta trên đường 13 và xung quanh căn cứ Phú Lợi, Công Binh. Chúng điều 70 xe tăng, thiết giáp, xe tải xuất phát từ Lai Khê húc thục mạng vào các chốt chặn của ta. Tuy nhiên các chốt không hề suy suyển mà còn được củng cố vững chắc hơn để quyết tâm ngăn chặn địch tháo chạy. Giờ phút lịch sử đã đến, sáng ngày 30-4, các lực lượng vũ trang của ta nã pháo dữ dội vào căn cứ Lai Khê. Trước sự tấn công ồ ạt của ta, chỉ huy địch ra lệnh rút khỏi Lai Khê chạy về Thủ Dầu Một, nhưng trên đường 13 địch lại bị ta đón đánh buộc chúng phải “mở đường máu” với hy vọng chạy được về Sài Gòn. Đoàn xe cơ giới 36 chiếc chạy băng đồng ruộng qua đường 14 để tiếp tục tháo chạy nhưng đã bị quân ta chặn đánh tiêu diệt và bắt sống hầu hết địch tại khu vực xã Hòa Lợi. Đa số lính ở Sư đoàn 5 ngụy đều cố thủ trong căn cứ Lai Khê và đến 13 giờ 30 phút ngày 30-4- 1975 thì đầu hàng. Căn cứ Lai Khê, nơi tập trung binh hùng tướng mạnh, khí tài chiến tranh hiện đại nhất của chế độ Sài Gòn đã bị xóa sổ hoàn toàn.
“Trung đoàn 209 và Trung đoàn 141 cùng với lực lượng bộ đội địa phương của Bình Dương đã triệt tiêu Sư đoàn 5 ngụy, bắt sống hơn 4.000 tên lính, thu toàn bộ vũ khí của Sư đoàn 5…”, đại tá Lê Viết Viên, nguyên Chính ủy Trung đoàn 141 nhớ lại.
Cùng với việc xóa sổ căn cứ Lai Khê, quân và dân Bến Cát nói riêng và tỉnh Thủ Dầu Một nói chung dưới sự hỗ trợ của bộ đội chủ lực đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh chiếm các mục tiêu, giải phóng và nhanh chóng ổn định tình hình. Thắng lợi vẻ vang đó đã góp phần cùng quân và dân toàn miền giành thắng lợi quyết định trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc.
Bài 27: Chọc thủng căn cứ chi khu Lái Thiêu
TRÍ DŨNG