Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Phú Giáo đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội nông thôn ngày càng phát triển, an ninh trật tự được ổn định, thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng tăng.
Từ chương trình xây dựng NTM, đến nay, tỷ lệ trường học trong huyện 100% đạt chuẩn. Trong ảnh: Trường Tiểu học An Bình A, xã An Bình, huyện Phú Giáo được đầu tư xây dựng khang trang
Nhiều bài học hay
Huyện Phú Giáo đang được đề nghị xét, công nhận đạt chuẩn NTM năm 2019. Hành trình hướng tới đích huyện đạt chuẩn NTM quy mô toàn huyện ghi nhận quyết tâm, sức mạnh của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân toàn huyện. Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay toàn huyện có 10/10 xãđều đạt chuẩn NTM. Tại các xã được công nhận đạt chuẩn, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người của 10/10 xã đến cuối năm 2019 đạt gần 60 triệu đồng/ người/năm.
Về các xã NTM, đi trên những con đường liên ấp, liên xã được mở rộng, bê tông hóa, trồng hoa ven đường cảm nhận rõ nét tươi mới, đổi thay. Chặng đường xây dựng 10 năm qua, huyện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, người dân hiểu rõ được giá trị của xây dựng NTM, góp sức xây dựng làng quê, nhất là chủ động trong chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có năng suất cao hơn; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, liên kết, liên doanh trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...
Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long (xã An Bình, huyện Phú Giáo), chia sẻ xã xây dựng NTM, người dân được thụ hưởng rất nhiều, từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn đến tập huấn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cho nông dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi… Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến trồng dưa lưới trong nhà kín nên sản phẩm của hợp tác xã (HTX) đạt được chất lượng cao và được công nhận đạt chuẩn VietGAP, tiêu thụ ổn định trên thị trường cả nước. Hàng năm, HTX sản xuất và cung ứng ra thị trường trên 200 tấn dưa lưới, doanh thu đạt 9 - 10 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 60 lao động, thu nhập bình quân 6 - 6,5 triệu đồng/người/tháng.
Với xuất phát điểm thấp, đời sống người dân nông thôn còn nhiều thiếu thốn nhưng đến nay diện mạo nông thôn ở các xã NTM trên địa bàn huyện Phú Giáo đã “thay da đổi thịt” từng ngày, đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao. Theo lãnh đạo UBND xã An Bình, từ khi xã thực hiện xây dựng NTM, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi. Nổi bật là kinh tế địa phương đã có chuyển biến rõ rệt, sản xuất nông nghiệp dần theo hướng hiện đại, áp dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất, chăn nuôi; đã có nhiều mô hình áp dụng công nghệ cao mang lại lợi ích kinh tế cao, có khả năng nhân rộng. Cơ sở hạ tầng được nâng lên rõ rệt, đặc biệt hệ thống đường giao thông, điện, trạm y tế, trường học… đã đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên địa bàn.
Gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Theo lãnh đạo UBND huyện Phú Giáo, quá trình phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM được Đại hội Đảng bộ huyện khóa IV, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định là nhiệm ưu tiên đặt lên hàng đầu và đưa vào nghị quyết và được cụ thể hóa bằng chương trình hành động “Phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch sinh thái giai đoạn 2016-2020”. Trên cơ sở đó, huyện đã chỉ đạo các ngành và địa phương rà soát xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình, nghị quyết gắn với nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy và triển khai chính sách hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật, vốn vay. Từ đó hình thành các mô hình kinh tế kiểu mẫu và tạo sự lan tỏa trong nhân dân.
Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay toàn huyện có 10/10 xã đạt chuẩn NTM. Tại các xãđược công nhận đạt chuẩn, kinh tế - xãhội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người của 10/10 xãđến cuối năm 2019 đạt gần 60 triệu đồng/người/năm. |
Đến nay, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục phát triển đúng định hướng, theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người nông dân. Hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp năm 2019 đạt hơn 4.200 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm trên 5,5%.
Ông Tô Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết trong thời gian tới, địa phương tiếp tục xây dựng NTM giàu đẹp, văn minh, tiến tới các xã đạt xã NTM nâng cao và kiểu mẫu, từ đó xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng hiện đại, đồng bộ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tổ chức sản xuất hợp lý. Cùng với đó, huyện xây dựng NTM gắn tái cơ cấu lại kinh tế bảo đảm an sinh xã hội; đồng thời, triển khai thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn, gắn với thực hiện sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, huyện tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với các nông sản chủ lực trên địa bàn, tạo ra bước phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa đạt năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, nâng cao thu nhập và đời sống người dân...
THOẠI PHƯƠNG