Dấu ấn phát triển và trưởng thành ngành in Bình Dương

Cập nhật: 10-10-2017 | 08:27:48

Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10.10.1952 - 10.10.2017), phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công Luận (ảnh) - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bình Dương, Giám đốc Nhà máy In Bình Dương về các hoạt động tổ chức kỷ niệm và sự phát triển ngành in trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

 - Là đơn vị chủ lực của ngành in trong tỉnh, xin ông cho biết các hoạt động hưởng ứng kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành như thế nào?

- Thiết thực chào mừng 65 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam, được sự đồng ý của Sở Thông tin và Truyền thông, chúng tôi phối hợp với một số cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp hoạt động ngành in trên địa bàn tỉnh biên soạn và phát hành ấn phẩm “65 năm ngành in Bình Dương (1952-2017)”. Nội dung ấn phẩm ghi nhận những hoạt động nổi bật với những chiến công thầm lặng của các thế hệ cán bộ, nhân viên ngành in gắn liền với nhiệm vụ tuyên truyền, vận động và lãnh đạo cách mạng của Đảng. Trong 65 năm qua, ngành in đã không ngừng phát triển về đội ngũ, cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và ngày nay trở thành một ngành công nghiệp phụ trợ, giữ vai trò quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Ấn phẩm “65 năm ngành in Bình Dương (1952-2017)”

Ấn phẩm xuất bản vào dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành là công trình có ý nghĩa quan trọng. Qua 65 năm xây dựng và phát triển, ngành in Bình Dương ngày càng khẳng định vị thế là ngành quan trọng của Đảng, Nhà nước và đang trên đà phát triển với thiết bị và công nghệ hiện đại. Thông qua ấn phẩm, đẩy mạnh công tác giáo dục lịch sử truyền thống, lòng tự hào cho các thế hệ cán bộ, nhân viên trong ngành, nhất là thế hệ trẻ, góp phần bồi đắp niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp đổi mới đất nước.

Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức buổi họp mặt ôn lại truyền thống nhằm tạo không khí vui tươi phấn khởi, cổ vũ toàn ngành phát huy tinh thần sáng tạo, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII. Đây là dịp thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân và tôn vinh công lao, cống hiến của các thế hệ đi trước vì sự phát triển của ngành xuất bản, in và phát hành; đồng thời cũng là dịp để cán bộ, nhân viên của ngành qua các thời kỳ thăm hỏi, giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau; đặc biệt là học hỏi ở các bậc đàn anh đi trước và các tỉnh, thành bạn. Qua đó, có thêm ý chí và động lực, đam mê nghề nghiệp, cùng góp sức xây dựng ngành in Bình Dương ngày càng lớn mạnh.

- Dấu ấn nổi bật của ngành in trong lịch sử là gì, thưa ông?

- Cách đây đúng 65 năm, ngày 10-10-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 122 về việc thành lập Nhà in Quốc gia nhằm thống nhất tổ chức và quản lý cả ba ngành xuất bản, in và phát hành. Nhà in Quốc gia là tổ chức xuất bản - in - phát hành sách đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cũng là doanh nghiệp in Nhà nước đầu tiên do Bác Hồ trực tiếp ký sắc lệnh thành lập. Từ đó, ngày 10-10-1952 đã trở thành mốc son lịch sử đánh dấu sự trưởng thành của ngành in cách mạng nước ta nói chung và ngành in Bình Dương nói riêng. Cũng từ đây, hoạt động ngành in đã chuyển sang một bước ngoặt mới vừa bảo đảm phục vụ các nhiệm vụ chính trị, vừa bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quản lý kinh doanh của một doanh nghiệp quốc gia. Với sở cứ này, ngày 10-10 hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống của ngành Xuất bản - In - Phát hành.

- Ông vui lòng cho biết sự trưởng thành của ngành in Bình Dương trong 65 năm qua?

- Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và điều hành của UBND tỉnh, tập thể cán bộ, nhân viên ngành in Bình Dương đã đoàn kết, không ngừng nỗ lực phấn đấu, lập nên nhiều thành tích đáng ghi nhận trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và kinh doanh của ngành.

Trong hai cuộc kháng chiến đầy gian khổ của dân tộc, cán bộ, nhân viên ngành in đã anh dũng chiến đấu, góp phần mang lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Có 25 cán bộ, nhân viên ngành in Bình Dương (số liệu chưa đầy đủ) đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ là minh chứng hùng hồn về lòng trung thành của những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong những năm dài thiếu thốn sau chiến tranh, cán bộ, nhân viên ngành in vừa phải lo vật tư, thiết bị để duy trì hoạt động, từng bước phát triển ngành in, vừa phải thực hiện hoạt động đối ngoại, giúp nước bạn Campuchia hoàn thành nhà in; đồng thời, phải lo tăng gia sản xuất để bảo đảm cuộc sống, nhưng vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cán bộ, nhân viên ngành in không chấp nhận lối mòn, liên tục đổi mới quyết tâm vượt qua khó khăn và từng bước vươn lên với những sản phẩm in được đánh giá cao. Trong công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nhà in đã tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, phát triển nhiều sản phẩm in đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú, đa dạng của xã hội. Đặc biệt, trong những năm gần đây, ngành in đã mạnh dạn sáng tạo bứt phá, nhanh chóng áp dụng thiết bị với công nghệ cao, hiện đại để có những bước đi vững chắc, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Trải qua 65 năm, ngành in Bình Dương đã không ngừng phát triển. Từ phương tiện thủ công thô sơ ban đầu: In đất sét, in bột nếp, in giấy sáp, in ronéo… đi dần đến công nghiệp: In typo, in laser, in offset với phương tiện hiện đại: Sắp chữ vi tính, phân màu điện tử. Từ in ấn với số lượng hạn chế bằng sức người thành in với số lượng không hạn chế bằng máy móc kỹ thuật hiện đại. Từ buổi ban đầu có một nhà in, đến nay toàn tỉnh có trên ba trăm cơ sở hoạt động ngành in, đặc biệt, ngành in trên địa bàn tỉnh được các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ngày càng nhiều, góp phần vào việc phát triển ngành in nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương nói chung. Trong những năm qua, trên đà phát triển chung của cả nước, bên cạnh nhà in chủ lực của tỉnh, các chủ cơ sở hoạt động in đã bỏ vốn đầu tư nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại; cùng với lực lượng cán bộ, nhân viên hùng hậu, được đào tạo bài bản với trình độ chuyên môn kỹ thuật cao đã góp phần đáp ứng nhu cầu hoạt động in ấn của tỉnh Bình Dương nói riêng, cả nước nói chung và xuất khẩu ra nước ngoài với chất lượng ngày càng cao.

Thành quả trên là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu vượt bậc của các thế hệ cán bộ, nhân viên ngành in - những người đã không tiếc mồ hôi, công sức, trí tuệ và xương máu của mình góp phần xây dựng nên ngành in hôm nay; nhưng trên hết, được xã hội tôn vinh để tự hào và tự tin tiếp tục đi lên từ mốc son Sắc lệnh 122/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Xin cám ơn ông !

 VY TRIỀU (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1406
Quay lên trên